Top

Đại gia địa ốc Việt 'phất' lên từ khủng hoảng

Cập nhật 30/01/2015 08:36

Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang từng bước phục hồi sau cơn khủng hoảng kéo dài từ năm 2008. Nhiều đại gia BĐS Việt nổi lên như những hiện tượng mới, trong khi khối ngoại vẫn “chậm một bước” trong quá trình thích nghi với bối cảnh thị trường.

Nhiều biệt thự tại dự án Eden Villas đang bỏ trống

Sự phát triển nóng của thị trường BĐS Việt Nam trước khủng hoảng với những khoản lợi nhuận “kếch xù” tạo nên sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Những dự án FDI với số vốn đăng ký hàng tỷ USD liên tục được công bố với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Đài Loan…

Trong số đó, có những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng cũng không ít nhà đầu tư dùng chiêu “mỡ nó rán nó”. Thực tế, nhiều dự án với số vốn đăng ký “khủng” nhưng vẫn đắp chiếu nhiều năm liền.

Tại Hà Nội, dự án Booyoung Vina do Công ty TNHH Booyoung Việt Nam làm chủ đầu tư, sau hơn 7 năm vẫn “đắp chiếu”. Năm 2007, dự án này được công bố có tổng mức đầu tư 171 triệu USD và dự kiến hoàn thành năm 2010.

Dự án Daewoo Cleve còn hoành tráng hơn, với số vốn đầu tư lên đến 421,5 triệu USD, gồm 15 tòa nhà cao 36 - 40 tầng. Được chủ đầu tư giới thiệu như một “ngôi sao mới”, nhưng cũng “bất động” trong một thời gian dài, không biết đến bao giờ mới thi công trở lại.

Ở TP.HCM, dự án Green Hills từng một thời “đình đám”, được chủ đầu tư - Công ty TNHH IDE Việt Nam - giới thiệu bao gồm 5 phân khu, cung cấp hơn 3.000 căn hộ chất lượng cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư này cũng không đủ lực để thi công dự án đúng tiến độ, phải nhượng lại một phần cho một công ty trong nước.

Không bi đát như những dự án vẫn nằm “trên giấy” nói trên, một số nhà đầu tư ngoại phải đối diện với bài toán giải quyết hàng tồn kho. Dự án The Eastern (Q.9, TP.HCM), một dự án có sự tham gia của Quỹ đầu tư Hàn Quốc KRDF03, chào bán căn hộ từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn còn không ít hàng tồn. Một trường hợp khác là Indochina Land mua lại dự án Goldora Villa (Q.9). Dự án có 119 căn biệt thự song lập và đơn lập do CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền làm chủ đầu tư. Dù nhiều cố gắng, kể cả việc đổi tên dự án thành Eden Villas, nhưng theo các thông tin công bố, đến giữa tháng 10/2014, dự án này cũng mới chỉ bán được 11 căn biệt thự. Thực tế, khu vực này nhiều biệt thự đã hoàn thành vẫn chưa có người ở.

Trong khi đó, một loạt các doanh nghiệp BĐS trong nước từng bước thích nghi và có những bước tiến mạnh mẽ trên thị trường. Trong đó, có thể kể đến các doanh nghiệp đầu tư như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Novaland, Hưng Thịnh Corp, Nam Long, Phúc Khang Corp, An Gia Investment, Lê Thành… hay như các đơn vị phát triển dự án: Hoàng Anh Sài Gòn, Khải Hoàn Land, Danh Khôi, Đất Xanh, Kim Oanh…

Ở phân khúc BĐS trung, cao cấp, các đại gia như Vingroup, Novaland… liên tục “ghi điểm” với những dự án “khủng”, thu hút sự quan tâm của thị trường. Mới đây, Tập đoàn Vingroup triển khai dự án Vinhomes Central Park, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017.

Tập đoàn Novaland nổi lên với hàng loạt thương vụ “thâu tóm” đất vàng sau khi thành công với dự án Sunrise City. Tập đoàn này vừa ra mắt thêm 22 dự án mới, điển hình như Tropic Garden và Lexington Residence (Q.2), The Prince Residence (Q.Phú Nhuận), Icon 56 và Galaxy 9 (Q.4)… tất cả đều tọa lạc tại những vị trí đắc địa, được thiết kế bởi đội ngũ chuyên gia nước ngoài.

Ở phân khúc BĐS trung bình, thị trường ghi nhận sự phát triển của nhiều dòng sản phẩm được đầu tư bài bản như Ehome (thương hiệu của Tập đoàn Nam Long), 8X (thương hiệu của Hưng Thịnh Corp)… Trong đó, Hưng Thịnh Corp là cái tên được nhắc đến nhiều với số lượng cũng như quy mô các dự án “chết” được “hồi sinh”. Tiêu biểu là các dự án như: 8X Đầm Sen, 8X Plus, 8X Thái An, Sky Center… Các dự án của Hưng Thịnh Corp được phát triển trong quy trình khép kín do các công ty thành viên thực hiện từ đầu tư, thiết kế, thi công đến phân phối, nhờ đó đảm bảo tiến độ cũng như giá bán hợp lý.

Theo các chuyên gia, chính sự am hiểu văn hóa, môi trường pháp lý tại Việt Nam cùng với sự chuyên nghiệp hóa của doanh nghiệp trong nước là yếu tố cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài. Sự cạnh tranh này sẽ đưa thị trường đến một giai đoạn phát triển mới, nguồn cung dồi dào, bám sát nhu cầu thực sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh.


DiaOcOnline.vn - Theo Đời sống & Tiêu dùng