Top

Chuyển chợ thành TTTM: Không chủ quan, duy ý chí

Cập nhật 09/10/2014 16:01

Chưa bao giờ vấn đề sinh tử của chợ truyền thống (CTT) lại được nhắc đến nhiều như hiện nay, đặc biệt sau khi tiểu thương chợ Tân Bình phản ứng việc quy hoạch. Vẫn biết tại Hà Nội và TPHCM, nhiều ngôi chợ đang đứng trước nguy cơ bị khai tử vì xuống cấp, mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn cháy nổ… Song, điều đáng nói đã có nhiều CTT đang sầm uất sau khi trở thành trung tâm thương mại (TTTM) lại rơi vào cảnh ế ẩm. Việc ứng xử như thế nào với CTT đang đặt ra nhiều câu hỏi.

Cải tạo hay xây mới?

Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước có khoảng 9.000 CTT, trong đó Hà Nội hơn 410 chợ và TPHCM hơn 240 chợ. Riêng tại TPHCM, theo quy hoạch phát triển chợ, siêu thị giai đoạn 2009-2015 do Sở Công Thương xây dựng, số chợ sẽ giảm xuống còn 235 vào năm 2015. Về quy mô, hiện có 17 chợ loại 1, 48 chợ loại 2 và 178 chợ loại 3, với khoảng 66.598 hộ tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ.

Theo sở này, TPHCM chủ trương không phát triển thêm chợ và tập trung những chương trình hỗ trợ CTT phát triển, bằng cách tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ, tập huấn cho tiểu thương nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ bán hàng. Tuy nhiên, những năm trở lại đây TPHCM đã tiến hành cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoặc đập bỏ nhiều CTT để xây mới.

Như chợ Bình Tây trải qua nhiều lần nâng cấp nay lại tiếp tục xuống cấp, dột nát. Vì vậy, UBND quận 6 đang chuẩn bị nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây. Dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, mỗi chủ sạp kinh doanh đóng khoảng 80 triệu đồng để phục vụ sửa chữa, tổng mức đầu tư khoảng 105 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thi công chợ Bình Tây từ quý III-2015 đến hết quý III-2017. Quá trình nâng cấp chợ này sẽ chú trọng bảo tồn công trình kiến trúc cổ, sau khi hoàn thành sẽ bố trí tiểu thương vào chợ tại vị trí cũ nên được các tiểu thương rất ủng hộ.

Xu hướng chuyển đổi CTT sang mô hình siêu thị, TTTM là tất yếu nhưng không thể chuyển đổi nhanh được. Bởi chợ chứa đựng yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống, phục vụ phân khúc khách hàng trung bình, trong đó giá trị cốt lõi là hàng hóa và cung cách buôn bán của chợ không thể mang vào siêu thị hay TTTM.

PGS.TS Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương)
 

Trong khi đó, chợ Tân Bình lại chủ trương đập bỏ hoàn toàn để xây dựng TTTM - dịch vụ cao 17 tầng, kết hợp với CTT cao 6 tầng. Theo ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, sau 50 năm hoạt động, đến nay chợ Tân Bình đã xuống cấp nghiêm trọng, 2/3 số lượng sạp có diện tích dưới 1m2, không đảm bảo tiêu chuẩn quy định (tối thiểu 3m2/sạp), môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của thương nhân và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ cháy nổ và không an toàn vào mùa mưa bão hàng năm.

Tuy nhiên, chủ trương xây mới hoàn toàn của quận Tân Bình đã bị các tiểu thương chợ Tân Bình phản đối và chỉ đồng ý đóng góp kinh phí cải tạo chợ. Hiện UBND quận Tân Bình đã có văn bản quyết định tạm ngưng không triển khai các bước tiếp theo của dự án để nghiên cứu ý kiến đóng góp của tiểu thương, báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo.

Nhưng theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, việc xây dựng chợ Tân Bình không thể không triển khai. Vấn đề là trong quá trình làm phải hài hòa lợi ích giữa các bên. Theo bà Đào, giá trị sang nhượng sạp tại chợ Tân Bình lên đến 2-8 tỷ đồng/sạp, trong khi Nhà nước thu phí quầy sạp chỉ ở mức 155.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý quyền của tiểu thương đối với sạp chợ là quyền sử dụng, không phải quyền sở hữu, tức tài sản thuộc sở hữu nhà nước, không phải của tiểu thương.

Theo các chuyên gia, TP cần cân nhắc hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi, không phải xây chợ mới cho đẹp, hiện đại để… ngắm. Năm 1991, TTTM và dịch vụ An Đông (quận 5) rộng 25.000m2, cao 4 tầng được xây dựng trên nền CTT An Đông cũ, nhưng hoạt động kinh doanh chỉ diễn ra sôi động tại tầng trệt, các tầng trên ế ẩm, vắng khách.

Hay công trình chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh), chợ Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Từ khi có chủ trương chuyển đổi công năng chợ Văn Thánh cũ để xây dựng SSG Tower, năm 2010 chợ Văn Thánh mới được khởi công xây dựng lùi vào phía sau vài trăm mét (thuộc phường 25, quận BìnhThạnh). Công trình đầu tư với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, trên  diện tích 1.240m2 gồm 1 trệt, 1 lửng, 1 lầu với 166 quầy hàng. Dù được đầu tư khang trang, sạch sẽ, song ngay sau khi đưa vào khai thác chỉ vài chục sạp bám trụ, các sạp còn lại lượng khách giảm 70%.

Hài hòa lợi ích

Từ thực tiễn nhiều chợ mới khang trang đưa vào khai thác không hiệu quả, cho thấy thay đổi 1 thói quen cũ không hề dễ. Đó là thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn thích mua sắm ở CTT hơn vì thuận tiện hoặc do tâm lý ưa thích giá rẻ. Vì vậy, các tiểu thương thường không mặn mà với chợ mới hay TTTM hoành tráng. Ngoài ra, họ còn có suy nghĩ khi triển khai dự án mới chắc có lợi ích nhóm nào đó, không hoàn toàn vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, đa phần dự án đầu tư chợ mới hay chuyển đổi công năng thành TTTM phức hợp, nếu chính quyền và những đơn vị liên quan tổ chức triển khai dự án không thăm dò ý kiến, nguyện vọng của tiểu thương, thường gặp những phản ứng quyết liệt của họ, điển hình là phản ứng của tiểu thương tại chợ Tân Bình vừa qua.
 

Các công trình xây dựng chợ kết hợp TTTM thường không lấy mục tiêu thương mại làm mục tiêu chính mà lợi dụng các khu đất vàng để xây dựng, cho thuê văn phòng, cửa hàng, thậm chí tiểu thương cũng phải trả phí thuê mặt bằng, phí dịch vụ khác… thất bại là điều đương nhiên.

TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia kinh tế
 

Theo thống kê, bên cạnh kênh phân phối CTT, TPHCM hiện có 25 TTTM, 82 siêu thị. Trong chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, TP sẽ mở thêm 43 siêu thị và 92 TTTM. Với xu hướng phát triển này chắc chắn CTT sẽ bị ảnh hưởng, thu hẹp về mặt quy mô lẫn số lượng.

Thông thường, các dự án đầu tư xây dựng chợ đều thực hiện dưới hình thức xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư. Trong những dự án như vậy, chủ đầu tư thường ưu tiên lấy đất ở vị trí đẹp xây TTTM, chung cư cao tầng hay văn phòng cho thuê nhằm kinh doanh thu hồi vốn, phần đất còn lại sẽ xây dựng chợ.

Theo ông Doãn Công Khánh, Viện Nghiên cứu thương mại, chủ đầu tư phải tính toán để có lợi nhuận khi đầu tư, song việc chuyển đổi mô hình kinh doanh chợ cần phải xem xét kỹ càng về mục tiêu, hiệu quả, không thể áp đặt chủ quan, duy ý chí. Bởi thực tế đã chứng minh nhiều chợ sau khi nâng cấp, xây mới hoạt động không hiệu quả so với chợ cũ, thậm chí thất bại. Do vậy, một số nơi không nhất thiết phải xây TTTM, chỉ cần cải tạo, nâng cấp thành chợ có vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tốt hơn.
 

Chợ Bến Thành được xem là nét văn hóa của TPHCM. Ảnh: LONG THANH

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng Luật Giải Phóng, bất cứ CTT nào, nếu đứng trước tình trạng xuống cấp, việc cải tạo, nâng cấp hay xây mới chợ để khai thác hiệu quả hơn là việc làm cần thiết và tất yếu. Vấn đề là cơ quan có thẩm quyền cần lựa chọn hình thức đầu tư và phương thức huy động vốn cho phù hợp.

Theo đó, để tránh những xung đột quyền lợi, cơ quan quản lý và chủ đầu tư cần tham khảo thăm dò ý kiến của tiểu thương trước khi ra thông báo chính thức. Cần thiết phải có buổi hiệp thương với tiểu thương cùng sự có mặt của đại diện chính quyền trước khi quyết định thực hiện dự án. Có như vậy, dự án mới đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, tiểu thương và phù hợp quy hoạch, phương hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư