Top

CBRE báo cáo BĐS Đà Nẵng còn thiếu minh bạch?

Cập nhật 13/12/2013 09:11

Thị trường BĐS Việt Nam rất nhạy cảm với những thông tin từ báo cáo thị trường của những công ty tư vấn ngoại. Đến nay, chưa có cơ quan độc lập nào công bố thẩm định mức độ chính xác, khách quan từ những báo cáo này. Để minh bạch thị trường, sau bài viết liên quan đến báo cáo BĐS Bình Dương của Savills, báo tiếp tục chuyển đến bạn đọc một số phân tích của chuyên gia liên quan đến báo cáo BĐS Đà Nẵng của CBRE.

Ngày 18/11/2013, CBRE tổ chức họp báo Đà Nẵng Quý III/2013. Nhiều thông tin công bố từ CBRE sau đó đã được các báo khai thác và BĐS Đà Nẵng tiếp tục nóng mặt báo những ngày qua. PV VietNamNet đã cập nhật “báo cáo đầy đủ vừa được công bố” qua chia sẻ của người phụ trách bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn của CBRE.


CBRE báo cáo BĐS Đà Nẵng còn thiếu minh bạch? (Ảnh minh họa)

Nhận được báo cáo BĐS Đà Nẵng Quý III/2013 và thông cáo báo chí ngày 18/11/2013 của CBRE, trong đó có nhiều thông tin thiếu minh bạch, ngày 25/11/2013, PV VietNamNet đã gửi 5 câu hỏi để làm rõ vấn đề. Cụ thể như sau:

1/ Trang 27 của Báo cáo, tổng quan thị trường nhà ở bán, có nhận định: "Trong thành phố, giao dịch chủ yếu diễn ra ở phân khúc giá khoảng 100.000 USD cho mỗi căn do chi phí đầu tư thấp và tiềm năng cho thuê lại tốt." CBRE dựa trên số liệu nào để cho rằng chi phí đầu tư này là thấp? Tiềm năng cho thuê lại tốt nghĩa là như thế nào? CBRE dựa trên số liệu nào để đánh giá tiềm năng cho thuê lại tốt? Ngoài ra, còn yếu tố nào khác tác động mà CBRE chưa đề cập đến hay không?

2/ Cũng trong mục này, nhận định "Mô hình căn hộ khách sạn kết hợp chương trình cam kết lợi nhuận có vẻ thu hút nhiều sự quan tâm của người mua" là của CBRE đưa ra hay dựa trên kết quả điều nghiên nào? Cụ thể ra sao? Tiếp đó, CBRE cho biết: "OceanViews và Fusion Suites là những ví dụ đáng chú ý, chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ phát triển." Vậy, CBRE kỳ vọng xu hướng này phát triển như thế nào? Sự phát triển theo hướng mà CBRE kỳ vọng mang lại cơ hội và rủi ro như thế nào đối với chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp?

3/ Một nhận định khác trong đoạn tiếp theo: "Vị trí, giá bán và tiến độ xây dựng tiếp tục là những tiêu chí xem xét chính của người mua nhà - khả năng cho thuê căn hộ đó cũng đang trở nên quan trọng hơn." Đây là nhận định của CBRE hay của đối tượng nào? Nếu không phải của CBRE thì CBRE đã điều nghiên thế nào để cho ra kết quả đó? Những tiêu chí đầy đủ mà theo CBRE là cần phải xem xét khi đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng là gì? CBRE đã nghiên cứu đầy đủ những tiêu chí đó ở các dự án trước khi đưa ra báo cáo chưa? CBRE đã tìm hiểu kỹ về pháp lý, hợp đồng dự án OceanViews và Fusion Suites chưa? Theo CBRE, đây là những dự án đáng chú ý, vậy có rủi ro nào mà nhà đầu tư cần lưu ý không?

4/ Trong Thông cáo báo chí, ông Bury kết luận, "Đà Nẵng đã chứng minh rằng các nhà đầu tư có thể kiếm lời, và cũng chứng tỏ Đà Nẵng có nhiều kinh nghiệm để phục vụ du khách và do đó chúng tôi tin rằng sẽ có thêm đầu tư đáng kể vào lĩnh vực khách sạn tại thành phố này. Khu vực này đang ngày càng được biết đến nhiều hơn từ du khách trong khu vực nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng để mở rộng và chúng tôi tin rằng sẽ có một số nhà đầu tư quốc tế mới sẽ gia nhập vào Đà Nẵng trong vòng 18 tháng tới để khai thác những tiềm năng sẵn có”. Việc "Đà Nẵng đã chứng minh rằng các nhà đầu tư có thể kiếm lời", cụ thể ra sao? Những số liệu nào chứng minh điều đó? CBRE "tin rằng sẽ có một số nhà đầu tư quốc tế mới sẽ gia nhập vào Đà Nẵng trong vòng 18 tháng tới để khai thác những tiềm năng sẵn có”, vậy những nhà đầu tư mới này sẽ đầu tư vào hoạt động nào? Nếu điều này xảy ra thì sẽ tác động thế nào đến những chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp hiện tại?

5/ Trong bài "Rủi ro uy tín, năng lực chủ đầu tư", link kèm: http://batdongsan.vietnamnet.vn/fms/doi-song-do-thi/89403/rui-ro-uy-tin--nang-luc-chu-dau-tu.html, chuyên gia có nói đến yếu tố “mượn tay” công ty tư vấn ngoại “đánh bóng” thị trường, quan điểm của CBRE về vấn đề này như thế nào?

Sau khi nhận câu hỏi của PV VietNamNet, người liên hệ phía CBRE đã có email phản hồi mời PV đến phỏng vấn trực tiếp ông Adam Bury vào 4h30 chiều ngày 26/11/2013. Tuy nhiên, ngày 26/11/2013, PV lại nhận được email thông báo: “anh Adam phải đi công tác đột xuất nên không trả lời phỏng vấn được chiều nay”.

Trước đó, PV đã đề nghị CBRE trả lời câu hỏi qua email để chủ động cho cả 2 bên nhưng phía CBRE cho rằng: “Việc phỏng vấn trực tiếp giúp giải đáp ngay những thắc mắc của PV”. Với việc “công tác đột xuất” trùng hợp với thời điểm nóng, PV đã trao đổi tiếp tục với người phụ trách bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn của CBRE: “Việc "anh Adam phải đi công tác đột xuất" theo như chị nói, có phải là lý do mà CBRE không thể trả lời PV qua email được hay không? Xin vui lòng cho biết thời gian chậm nhất mà PV nhận được câu trả lời là khi nào? Nếu CBRE không có câu trả lời chính xác, buộc PV phải xử lý bài viết mà không có phần trả lời của doanh nghiệp.” Những câu hỏi này không nhận được phản hồi từ phía CBRE qua email!

Tại sao CBRE lại không trả lời câu hỏi qua email; phải chăng có điều gì “khó nói”? Việc “công tác đột xuất” của ông Adam Bury phải chăng là cái cớ để né tránh trả lời câu hỏi? Nếu tất cả mọi thông tin về BĐS Đà Nẵng được nghiên cứu, phân tích đầy đủ trước khi đưa ra báo cáo thì không lý nào chỉ có ông Adam Bury mới trả lời câu hỏi của PV? Không lẽ những người còn lại trong CBRE không hiểu rõ những gì mà CBRE đang phát ngôn trong báo cáo thị trường và Thông cáo báo chí?! Và, một báo cáo sơ sài như vậy có phù hợp với một thương hiệu danh tiếng? Thương hiệu CBRE ở thị trường Việt Nam có thuộc quản lý trực tiếp của tập đoàn mẹ không; hay đã nhượng quyền cho đối tác khác khai thác vẫn là một dấu hỏi lớn! Câu chuyện Tập đoàn Realogy (Mỹ) chuyển giao quyền khai thác độc quyền thương hiệu Coldwell Banker tại Việt Nam cho Công ty Cổ phần đầu tư Minh Việt; và rồi Tổng Giám đốc Chi Edward dùng thương hiệu này “lòe” khách hàng, tiếp đó là “ôm” tiền bỏ trốn đã minh chứng rõ ràng: Một thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng có thể trở thành cái vỏ bọc cho những thủ đoạn lừa khách hàng tại Việt Nam!

Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia BĐS (không muốn nêu tên) cho rằng: “Báo cáo thị trường BĐS phải có số liệu dẫn chứng đầy đủ, thông tin minh bạch, ghi rõ thời gian thu thập thông tin, từ nguồn nào, khảo sát trong nhóm khách hàng nào, bao nhiêu mẫu… thì mới đáng tin cậy. Những báo cáo thiếu số liệu dẫn chứng, thông tin chung chung, định tính càng làm mất niềm tin với thị trường. Trường hợp bên báo cáo có lợi ích trực tiếp, liên quan thì rất khó đảm bảo tính khách quan trong những nhận định đưa ra.”

Trong khi chưa có câu trả lời từ CBRE thì câu hỏi liệu báo cáo BĐS Đà Nẵng có chính xác hay không vẫn còn bỏ ngỏ! Và, khách hàng phải tự kiểm chứng thông tin để bảo vệ mình trước những quyết định đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet