Top

Cấp chứng chỉ môi giới bất động sản: Cần thực tế hơn!

Cập nhật 04/06/2015 09:08

Dự thảo Thông tư quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản nhận được nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo do Hội Môi giới bất động sản tổ chức tại Hà Nội tuần qua.

Theo Dự thảo Thông tư, diện tích sử dụng của sàn giao dịch bất động sản phải từ 50 m2 trở lên - Ảnh: Hoài Nam

Nhà môi giới có thể tự học

Luật sư Trương Anh Tuấn, Uỷ viên Uỷ ban Đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng, phổ biến pháp luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị nên bỏ khoản 3 Điều 4 Dự thảo Thông tư, tức yêu cầu phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học. Theo luật sư Tuấn, nên thực hiện theo cơ chế cởi mở, tự do cho người học, phải lấy việc kiểm tra để rà soát đầu ra của hành nghề, không nên nhất thiết xây dựng chương trình cứng.

“Nếu buộc học theo hình thức tập trung là không phù hợp với mô hình, phương pháp đào tạo đang thay đổi hiện nay, đi theo công nghệ internet, với việc lấy thực tiễn để đào tạo nghề, không thể lấy thực tiễn từ ghế nhà trường”, ông Tuấn nói và kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá bất động sản, quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản; ban hành mẫu chứng chỉ môi giới bất động sản, chứng chỉ định giá bất động sản; hướng dẫn, kiểm tra việc cấp và quản lý chứng chỉ môi giới bất động sản, chứng chỉ định giá bất động sản…

Đồng tình với kiến nghị trên, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP Đất Xanh miền Bắc cho rằng, cần sớm ban hành một bộ giáo trình và tài liệu giảng dạy về nghề môi giới bất động sản thống nhất trên toàn quốc để giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, tránh tình trạng có gì dạy nấy trong các cơ sở đào tạo hiện nay.

“Ngay cả những người muốn hành nghề môi giới nhưng không có điều kiện theo học thì cũng có thể sưu tầm tài liệu để tự học và đăng ký tham gia sát hạch được”, ông Quyết nói.

Phần nội dung thi, môn thi theo Khoản 2 Điều 8, ông Tuấn đề xuất, nên thực hiện theo phương án 1 là thi sát hạch về 1 môn pháp luật, bởi việc cập nhật pháp luật phải luôn gắn liền với nghề môi giới bất động sản, nếu không cập nhật pháp luật thì sẽ tư vấn sai luật.

Còn các nội dung thị trường bất động sản và đầu tư kinh doanh bất động sản không cần bổ sung, vì việc đó gắn với hoạt động môi giới, mục tiêu môi giới, diễn biến thị trường, nên không thể cập nhật theo mỗi kỳ sát hạch. Thực chất của việc này nên nằm ở chương trình bồi dưỡng hàng năm sẽ phù hợp hơn để phù hợp với diễn biến thực tế tình hình thị trường.

Phần tổ chức kỳ thi sát hạch theo Phần 2 Chương II của Dự thảo Thông tư, theo ông Tuấn, nên giao cho các sở xây dựng thực hiện, có sự tham gia của đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Hiệp hội Bất động sản (hoặc Hội Môi giới bất động sản).

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản  Việt Nam cho rằng, nếu quy định việc tổ chức sát hạch tại Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thì khối lượng công việc sẽ tốn nhiều thời gian, công sức, dàn trải cho cả 63 tỉnh, thành.

Do đó, khi quy định giao cho các sở tổ chức thì đảm bảo triển khai được đồng bộ trên khắp các địa phương. Với sự tham gia tổ chức của đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản sẽ đảm bảo được sự thống nhất về mặt tổ chức và chất lượng của kỳ sát hạch.

Với sự tham gia của Hội Môi giới sẽ đảm bảo được nội dung lấy hành nghề kiểm tra hành nghề, đảm bảo được tính thực tiễn khi đào tạo nghề, không phải lấy lý thuyết để kiểm tra người học nghề mà không có thực tiễn.

Quy định cần sát thực tế

Theo ông Tuấn, Dự thảo Thông tư cần theo tinh thần và nội dung cải cách thủ tục hành chính. Chẳng hạn, quy định sàn giao dịch bất động sản phải có diện tích 50 m2 là mong muốn của nhà làm luật, còn thực tế, diện tích rộng hay hẹp nên để thị trường quyết định. Hơn nữa, nếu sàn giao dịch thực hiện trên mạng chủ yếu theo thương mại điện tử, thì yêu cầu đối với diện tích là không phù hợp.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hưng, Tổng giám đốc Siêu thị Dự án cho biết, thời gian qua có nhiều nhà môi giới làm ăn không chuyên nghiệp, mang danh nghĩa của sàn giao dịch để tham gia làm giá, ăn “chênh”. Tuy nhiên, khi bị phát hiện, khách hàng chỉ yêu cầu sàn giao dịch phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, cần phải đưa quy định nhà môi giới phải chịu trách nhiệm cá nhân vào luật.

“Khi ký hợp đồng môi giới với khách hàng, nhà môi giới phải ghi rõ tên tuổi, số thẻ hành nghề rõ ràng và phải tự chịu trách nhiệm khi sai phạm”, ông Hưng kiến nghị.

Về những thắc mắc của doanh nghiệp và cá nhân về quy định về xử lý chuyển tiếp. Ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Dự thảo Thông tư đã quy định rõ: “Người được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản trước ngày Thông tư ngày có hiệu lực thi hành được tiếp tục hành nghề môi giới.

Các chứng chỉ này mặc nhiên hết hạn sau 5 năm tính từ ngày Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực. Người có chứng chỉ được cấp lại chứng chỉ sau khi hết hạn, nhưng phải thi sát hạch theo quy định tại Thông tư này“.

Ông Phấn cũng nêu rõ, đối với các cơ sở đào tạo được Bộ Xây dựng công nhận đủ điều kiện hoạt động trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục đào tạo.

Các sàn giao dịch bất động sản đã thành lập theo quy định của Thông tư 13/2008/TT-BXD ngày 21/5/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản trước ngày Thông tư này có hiệu lực được  tiếp tục hoạt động, nhưng phải bổ sung các điều kiện còn thiếu theo quy định của Thông tư này trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực thi hành.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản