Top

Bình Dương: Áp lực thiếu vốn trong xây dựng cơ bản

Cập nhật 04/09/2013 16:58

 Số lượng các công trình y tế, giáo dục và giao thông đang triển khai rất lớn trong khi vốn cấp phát đã đạt gần 90%.

Năm 2013, tỉnh Bình Dương có kế hoạch bố trí nguồn vốn hơn 4.000 tỷ đồng cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc cấp phát vốn của các địa phương đã đạt gần 90% tổng nguồn vốn được bố trí, phân cấp.

Như vậy, với số lượng công trình cũng như khối lượng hoàn thành sẽ rất lớn trong những tháng còn lại của năm 2013, chắc chắn áp lực về nguồn vốn để giải ngân cho các công trình sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của các công trình xây dựng trong thời gian tới.

Tại thị xã Thuận An, từ nay đến năm 2015, chỉ riêng đầu tư xây dựng cho ngành giáo dục nhằm giải quyết những bức xúc về quá tải học sinh phải cần nguồn vốn 900 tỷ đồng để xây dựng trường lớp và cơ sở vật chất. Song hiện nay, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản mà địa phương được cấp mỗi năm chỉ trên 250 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Út, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án thị xã Thuận An cho biết, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận cho đầu tư 17 trường học, trong đó hiện có 2 trường đang thi công, còn lại 8 trường đang trong giai đoạn đấu thầu và 4 dự án đã được Sở Kế hoạch thẩm định và đã trình Ủy ban tỉnh phê duyệt.

Trước những khó khăn về vốn, một số chủ đầu tư đã thực hiện phương án như đã làm trong những năm trước. Đó là để cho doanh nghiệp trúng thầu thi công ứng vốn thi công trước các công trình và sẽ thanh toán dần theo khối lượng hoàn thành.

Nhiều công trình đang dở dang phải huy động thêm nguồn vốn.

Phương án này tỏ ra khá hiệu quả khi thường vào giữa năm hoặc cuối năm, tỉnh Bình Dương thực hiện điều chỉnh vốn giữa các địa phương hoặc ứng vốn của năm sau. Thế nhưng trong năm nay, phương án này gặp  rất nhiều khó khăn do không thể điều chỉnh được vốn, vì các địa phương và ngành nào cũng đang thiếu vốn.

Ông Văn Văn Tân, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng cầu đường Phú Thọ cho biết, vốn đã được cấp phát khoảng 40%, cho nên nếu còn lại tỷ lệ khoảng 60% vốn mà công trình đã hoàn thành thế này thì rõ ràng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Tại TP Thủ Dầu Một, tổng nguồn vốn dành cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn năm nay là trên 435 tỷ đồng. Sau 8 tháng triển khai, Ban quản lý dự án thành phố đã giải ngân được 375 tỷ, đạt trên 86%.

Tuy nhiên theo dự kiến thành phố còn thiếu hơn 127 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho 5 công trình trường học, 5 công trình giao thông. Mặc dù tỉnh đã bổ sung thêm vốn cho thành phố Thủ Dầu Một 50 tỷ đồng, song từ nay đến cuối năm vẫn còn thiếu khoảng 70 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Ban quản lý dự án TP Thủ Dầu Một nêu một số giải pháp trước mắt: “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện luân chuyển để sử dụng hết vốn chỉ tiêu hiện còn khoảng 50 – 60 tỷ để bù vào phần thiếu, sau đó sẽ tham mưu, xem xét để huy động các nguồn để có cơ sở thanh toán hết khối lượng còn lại, đảm bảo chỉ tiêu cũng như sử dụng nguồn vốn cho hiệu quả”.

Khó khăn về vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản ở Bình Dương sẽ tác động trực tiếp đến tiến độ thực hiện các công trình, nhất là các công trình trường học. Bởi chỉ tính riêng trong năm học này, số lượng học sinh trên địa bàn tỉnh tăng thêm hơn 24.000 em.

Năm học mới đã bắt đầu, các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chỉ mới đáp ứng được chỗ học cho khoảng 14.000 học sinh. Hơn 10.000 em còn lại ngành giáo dục phải thực hiện nhiều biện pháp khác để đảm bảo thu nhận hết học sinh đến trường.

Từ thực tế cho thấy các địa phương cần tập trung vào những công trình bức thiết, tránh tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV