Top

Bao giờ bất động sản trở về giá trị thực?

Cập nhật 11/08/2011 09:10

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng như hiện nay là, giá không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân và thực trạng phát triển của kinh tế.

Từ tháng 4 đến tháng 7/2011, các chủ đầu tư có dự án nhà thu nhập thấp lần lượt thông báo nhận hồ sơ mở bán nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, các dự án nhà thu nhập thấp khác trên địa bàn thành phố lại không cùng một mức giá và có sự chênh lệch khá lớn, giá tăng lên nhiều so với kỳ vọng của người mua, giao động từ 12 đến 14 triệu đồng/m2.

Điều nghịch lý là, các chủ đầu tư xây dựng nhà cho người thu nhập thấp được hưởng nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước, được sử dụng một số nguyên vật liệu giá rẻ, vị trí xây dựng xa trung tâm… nhưng giá bán nhà lại tăng lên hàng tỷ đồng mỗi căn khiến người thu nhập thấp không thể mua được. Nhiều chủ đầu tư cho biết, vì giá vật liệu xây dựng, giá vận chuyển hiện nay tăng, nên nếu cứ giữ nguyên mức giá cũ thì doanh nghiệp sẽ lỗ và khả năng tiến độ công trình sẽ bị chậm lại.

Câu chuyện nhà thu nhập thấp có giá hàng tỷ đồng đã phần nào thể hiện bản chất của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay. Người cần nhà không thể mua được, người có tiền để mua lại không có nhu cầu ở. Đặc biệt là những năm gần đây, giá nhà tại Việt Nam luôn nằm ở mức cao so với khu vực và thế giới, trong khi Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước đang phát triển.

Câu hỏi đặt ra là, bao giờ BĐS trở về với giá trị thực của nó? GS Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường- cho rằng, hiện nay chưa có một đánh giá toàn diện, chính xác về thị trường BĐS, nhưng rõ ràng có sự trầm lắng trong khi giữa cung và cầu không khớp. Thực tế có quá nhiều loại nhà để lựa chọn, nhưng giá chưa phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.

Để thị trường BĐS trở nên lành mạnh thì vấn đề thông tin phải minh bạch và đánh thuế BĐS cao, nhưng cả hai yếu tố này Việt Nam đều chưa làm được. BĐS là lĩnh vực siêu lợi nhuận, trong khi đó mức thuế nước ta quá thấp, gần như không có tác dụng đối với giới đầu cơ. Đó là lý do tại sao người thu nhập thấp không có nhà ở, trong khi số nhà để hoang liên tục gia tăng. Thời điểm này sẽ rất khó dự báo giá BĐS sẽ tăng hay giảm ngay được.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - cho biết, nguyên nhân chính khiến giá thành và giá bán BĐS chưa giảm là do các yếu tố như tiền sử dụng đất, tiền giải phóng mặt bằng cùng nhiều chi phí khác vẫn chưa thể giảm. Một khi có dự án, không chủ đầu tư nào chịu gánh phần chi phí đó, vì thế, các loại chi phí được đẩy vào giá bán là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, do quy hoạch không ổn định, không khoa học, cộng thêm lực lượng “cò” “tiếp sức” càng đẩy giá nhà leo thang và bị giới đầu cơ thao túng.

Trong khi các yếu tố tác động khiến thị trường BĐS ngày càng “nóng” lên, các giải pháp của Nhà nước đưa ra để ngăn chặn gần như không đạt hiệu quả. Thị trường kém minh bạch thông tin, chính sách thuế chưa thể điều tiết được việc đầu cơ, găm giữ đất, từ đó càng làm cho giá nhà đất tăng, “sốt” bất thường.

Trả lời về thực trạng thị trường BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng - khẳng định: “Tôi quan niệm, cái gì cũng cần phải trở về giá thị thực của nó. Sự trầm lắng của thị trường BĐS hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là mức giá không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân và thực tế phát triển kinh tế. Tình hình này sẽ dẫn tới cầu giảm thì cung cũng giảm theo, từ đó giá sẽ giảm”.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Công Thương