Top

Bài toán ngược doanh nghiệp bất động sản

Cập nhật 12/08/2011 14:15

Trong khi các doanh nghiệp bất động sản đồng loạt kêu cứu vì thiếu vốn buộc dừng triển khai dự án thì một số doanh nghiệp lại chọn cách trả nợ cho ngân hàng. Đây được xem cách tốt nhất để giảm chi phí tài chính đồng thời góp phần giữ giá bán theo đúng cam kết.

Theo phân tích nhiều chuyên gia tài chính, hiện nay mức lãi vay ngân hàng cao 25-27%, cộng với sự tăng vọt giá nguyên vật liệu, nhân công khiến chi phí doanh nghiệp đẩy lên mức 30-40%. Nếu làm dự án trong bối cảnh này thì lợi nhuận không đủ để trả lãi vay cho ngân hàng chứ chưa kể bù đắp được các chi phí khác. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn cách dừng, hoãn, giãn tiến độ dự án. Song cũng có doanh nghiệp đã lựa chọn cách lội ngược dòng để tìm kiếm cơ hội trong lúc này.

Đơn cử, trong khi nhiều doanh nghiệp đang khốn khổ xoay sở nguồn vốn vay thì lãnh đạo công ty CP Sông Đà Thăng Long lại đưa ra quyết định trả nợ 1.400 tỷ đồng vay ngân hàng. Lý giải hành động này, ông Nguyễn Trí Dũng - Tổng giám đốc công ty CP Sông Đà Thăng Long cho biết, thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ, ngân hàng sẽ hạn chế cho vay bất động sản. Vì vậy nhiều doanh nghiệp trong tình trạng thiếu vốn nên buộc dừng triển khai dự án bởi với mức lãi suất cao như hiện nay nếu làm sẽ tiếp tục chịu lỗ.

“Thực tế cho thấy nhiều dự án dừng triển khai không phải vì doanh nghiệp không muốn làm mà vì không thể nào tiếp cận được nguồn vốn vay bởi vậy những doanh nghiệp nào có tiềm lực tài chính mạnh sẽ có lợi thế rất nhiều so với các doanh nghiệp khác nhất là khi không phải vay ngân hàng họ đã tiết kiệm được khoản chi phí tài chính lên tới 30%/năm. Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với chi phí tăng do sự tăng giá của vật liệu, nhân công, đặc biệt là chi phí lãi vay lên tới 40%” ông Dũng nói.

Ngoài ra, theo ông Dũng việc trả nợ vay giúp công ty giảm được chi phí tài chính xuống mức thấp nhất. Giảm chi phí tài chính sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm khá nhiều tiền nhất là trong bối cảnh giá nguyên vật liệu leo thang khiến giá thành sản phẩm đội lên mức 40-45%.

Khác với bước đi Sông Đà Thăng Long, một số doanh nghiệp lại lựa chọn thời điểm này là thời điểm thuận lợi để triển khai dự án bất chấp cơn bão giá vật liệu, bất chấp tình trạng ế ẩm thị trường. Điển hình, công ty CP đầu tư xây lắp và thương mại 36 vừa động thổ một số dự án như khu nhà ở tái định cư và văn phòng cho thuê tại B6 Giảng Võ, khu …..

Theo ông Nguyễn Đăng Giáp - Tổng Giám đốc Tông ty 36, những khó khăn hiện tại thị trường là rất rõ tuy nhiên tín hiệu đi xuống của thị trường chỉ là tạm thời do cung tiền bị thắt chặt. Việc người mua không mua trong lúc này xuất phát từ tâm lý đám đông thấy thị trường xuống không mua. Trong khi nhìn sâu xa thì nguồn cung cho thị trường đang lâm vào cảnh bế tác do doanh nghiệp không có tiền triển khai dự án. Nguồn cung thời gian tới sẽ giảm mạnh bởi vậy triển khai dự án trong lúc này sẽ giúp doanh nghiệp chuẩn bị sẵn nguồn lực khi thị trường phục hồi.

Được biết, hiện tại rất nhiều dự án thuộc diện được thông qua giai đoạn 1 cách đây 1 năm nhưng vẫn chưa được triển khai do không thu xếp được vốn. Nếu tình trạng tiếp tục kéo dài, thị trường sẽ đối mặt với sự khan hiếm nguồn cung trong thời gian tới.

Để cùng nhau chia sẻ khó khăn nhiều chủ đầu tư đã đưa ra những giải pháp hữu hiệu để tối ưu hóa đầu tư dự án. Trong hàng loạt những biện pháp được đề cấp đến, hiện nay lại có nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc đến việc thỏa thuận với đối tác của mình để trả sản phẩm cho họ khi hoàn thiện dự án thay vì phải trả bằng tiền mặt đối với các hợp đồng liên quan như nhà thầu, nhà cung cấp, nhà tư vấn,…

Ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tài nguyên chia sẻ, thỏa thuận với các đối tác của mình như nhà thầu, nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào,…thay vì trả tiền mặt cho những hợp đồng này thì chủ đầu tư có thể quy ra sản phẩm dự án với giá ưu đãi, sau khi hoàn thiện đối tác có thể kinh doanh những sản phẩm này.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia