Top

'Mở cho người nước ngoài mua nhà để kích bất động sản'

Cập nhật 12/05/2013 07:15

Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cho biết, dự kiến các quy định để người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam sẽ được nới hơn vì "đất của mình, họ chẳng mang đi đâu được".

Ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cho biết, Bộ Xây dựng đang soạn thảo dự thảo về chính sách cho người nước ngoài mua nhà trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội. Theo ông Thiện, hiện các điều kiện để cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam vẫn rất khắt khe, do đó, dự kiến các quy định sẽ được mở ra rất nhiều theo hướng nới hơn.

"Đất vẫn là mình và họ chẳng 'bê' đi đâu được, lý do gì mà không cho người ta sở hữu 1 căn hộ hay vài căn hộ nữa. Các trường hợp muốn tặng nhà hoặc cho mượn nhà cũng cần phải được xem xét", ông Thiện nói.

Giáo sư Nguyễn Mại: "Chính sách cho người nước ngoài mua nhà như hàng xén". Ảnh: Hoàng Lan.

Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng, cần có quan điểm mới thông thoáng hơn trong việc tạo điều kiện cho người nước ngoài hay Việt kiều sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Giáo sư Mại phân tích, thực tế các dự án bất động sản ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng hay Ciputra vẫn được cấp phép, thậm chí dự án hàng trăm triệu đôla vẫn được sang nhượng. Bởi vậy, việc không cho người nước ngoài chuyển nhượng một ngôi nhà vài nghìn đôla là không thỏa đáng.

"Chính sách như vậy như hàng xén. Đó là quan điểm không nhất quán. Tôi cho rằng cần mở cửa hơn nữa để cho người nước ngoài vào", ông Mại nói.

Chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn, cần kích cầu bằng cách mở cửa cho người Việt kiều được mua nhà. Việt Nam có thể học hỏi một số nước như Singapore. Đầu năm nay, quốc đảo sư tử này đã thông báo tăng thuế với người nước ngoài và doanh nghiệp mua bất động sản định cư thông qua việc tăng stamp duty (một khoản thuế cho cơ quan quản lý doanh thu Singapore - IRAS) lên bằng 15% giá mua, từ 10% trước đó. Quốc đảo này còn lần đầu tiên áp dụng loại stamp duty với tỷ lệ 5-15% với những người mua và bán lại bất động sản công nghiệp, như kho xưởng hay nhà máy, trong vòng 3 năm.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch đầu tư, đánh giá, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia về việc nới lỏng cho người nước ngoài nua nhà ở Việt Nam. "Như bác Mại nói, chúng ta nghiên cứu bao nhiêu năm về việc người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng cứ 'lom da lom dom' mãi. Chúng tôi sẽ tiếp thu và kiến nghị mở rộng đối tượng đối với Việt kiều và nước ngoài hơn nữa", ông Hoàng nói.

Theo Nghị quyết 19 ngày 3/6/2008 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, có 5 đối tượng được phép mua và sở hữu nhà ở gồm: Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài có đóng góp cho Việt Nam; Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu; Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam mà không có chức năng kinh doanh bất động sản.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress