Top

Cho người nước ngoài mua nhà: Thị trường cần được điều tiết?

Cập nhật 04/12/2014 13:29

Theo Công ty tư vấn BĐS CBRE Việt Nam, các điều kiện nới lỏng cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam thoáng hơn nhiều so với những dự đoán trước đó. Nó đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc mở cửa thị trường BĐS cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“Một tuần qua, kể từ khi Quốc hội chính thức đồng thuận cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, tâm lý thị trường BĐS trở nên phấn chấn hơn”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết như vậy khi đánh giá về hiệu ứng của việc Luật Nhà ở sửa đổi mới được Quốc hội bấm nút thông qua. Theo ông Châu, thay đổi này không chỉ giúp giải quyết tồn kho và nợ xấu BĐS hiện nay, mà còn phát triển thị trường chuyển nhượng mua bán dự án BĐS, cũng như thu hút các nhà đầu tư nước ngoài… Đó cũng là mầm mống tạo thành những cơn sóng trên thị trường BĐS trong tương lai.

Luật Nhà ở sửa đổi giúp thị trường BĐS Việt Nam trở nên hấp dẫn

Nếu như trước đây, thị trường BĐS Việt Nam luôn bị chi phối bởi các chủ đầu tư, nhà thầu, khách hàng và nhà đầu tư trong nước, một phần do các quy định giới hạn quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng, Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 sẽ giúp thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, xóa đi những rào cản, tạo một sân chơi công bằng hơn giữa người nước ngoài và người dân trong nước.

Theo Công ty tư vấn BĐS CBRE Việt Nam, các điều kiện nới lỏng cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam thoáng hơn nhiều so với những dự đoán trước đó. Nó đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc mở cửa thị trường BĐS cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việc thông qua Luật Nhà ở sửa đổi lần này sẽ tạo thế cân bằng, minh bạch và ổn định cho thị trường BĐS nhà ở tại Việt Nam; đồng thời được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện ở một mức độ nào đó các vấn đề tồn kho, nợ xấu của BĐS hiện nay.

Thêm vào đó, ông Châu cũng khẳng định, với điểm nới lỏng trong Luật Nhà ở lần này, thị trường BĐS sẽ có thêm nhiều cơ hội mới. Đó là hoạt động “xuất khẩu tại chỗ”, làm gia tăng tài sản quốc gia, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề và công ăn việc làm cho người lao động. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty BĐS Đất Lành thì cho rằng, việc để người nước ngoài mua nhà là phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay. Điều này trước hết sẽ giải quyết nhu cầu về nhà ở của đông đảo người nước ngoài, tạo môi trường thuận lợi để họ yên tâm sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam.

Đặc biệt, trước vấn đề lo ngại việc tăng tổng cầu sẽ ảnh hưởng tới giá cả thị trường BĐS, PGS-TS. Lê Đình Tri, Phó vụ trưởng Vụ Quy hoạch Quốc gia (Bộ Xây dựng) nhận định, việc cho người nước ngoài sở hữu nhà trong giai đoạn này là phù hợp. Còn vấn đề lo ngại tăng giá, dù chủ đầu tư có tăng cũng không qua được bàn tay vô hình là thị trường. Tuy nhiên, vấn đề mà ông Tri lo ngại chính là Luật đổi mới theo hướng bảo vệ chủ quyền có thể lỏng quá và ảnh hưởng lợi ích lâu dài của quốc gia. “Bởi, người nước ngoài họ rành việc đầu tư hơn dân ta”, ông Tri nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Châu cũng cho rằng cùng với những chuyển biến tích cực trên thị trường BĐS, việc ổn định lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng cần phải được quan tâm khi mở cửa chủ trương này. Cũng như trong Luật Nhà ở mới sửa đổi cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, nếu có nhu cầu có thể mua nhà ở thương mại.

Ở khía cạnh này, người nước ngoài có thể mua nhà ở thương mại ở những khu vực mà họ không bị cấm đi lại. Đó là những ngôi nhà giá từ 400 - 500 triệu đồng hoặc dưới 1 tỷ đồng (phù hợp với túi tiền người thu nhập trung bình thấp ở Việt Nam) lại dễ dàng rơi vào tay người nước ngoài, trong khi người dân Việt vẫn chưa thể mua được. Vì vậy, Chính phủ cần có hỗ trợ cho người thu nhập thấp đô thị khi mua nhà để họ không bị ảnh hưởng bởi chính sách mới này.

Hơn nữa, theo các chuyên gia, thời gian tới chính sách thay đổi này sẽ giúp cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, điều đặc biệt cần thiết cho thị trường BĐS Việt Nam vốn đã chững lại sau thời kỳ hoàng kim trước năm 2008. Bằng chứng là mới chỉ hơn một tuần từ khi Luật Nhà ở được thông qua, các dòng người xếp hàng, xem nhà ở của các dự án lớn cũng đang tăng nhiệt. Hơn nữa, vừa qua làn sóng mua lại dự án BĐS, cổ phần cổ đông, chuyển nhượng DN BĐS cũng sôi động, kể cả các nhà đầu tư lớn trong nước đã có những động thái mua và khởi động lại một dự án BĐS vốn dĩ đang bị đình trệ.

Do vậy, các DN BĐS Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm từ bài học những năm trước 2008 và hãy luôn luôn xuất phát từ nhu cầu của thị trường để làm ra sản phẩm, cũng như tạo uy tín, thương hiệu cho DN. Sản phẩm nhà ở phải có chất lượng đáp ứng tất cả đòi hỏi của người tiêu dùng từ địa điểm, tiện ích đến chất lượng… mới bền vững vì dù tăng một lượng cầu lớn là người nước ngoài - có khả năng thanh toán nhưng cũng rất khó tính và kén chọn.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng