Top

Lâm cảnh nửa xoá nửa treo

Cập nhật 18/10/2010 09:40

Dù được phép xây dựng nhà tới năm tầng, nhưng người dân sống trong những khu quy hoạch “treo” tại TP.HCM vẫn không phấn khởi. Nguyên nhân là do quyết định 68 của UBND TP.HCM chỉ xoá “treo” cho đất thổ cư, còn đất nông nghiệp thì vẫn giữ nguyên, không được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Dân không được lợi


Hiếm hoi lắm mới có một vài ngôi nhà được xây dựng từ khi được xoá treo. Ảnh: V. Nguyên

Khi quyết định 68 ban hành, hơn 400 hộ dân sinh sống trong khu vực ga Bình Triệu rộng 60ha, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức hớn hở vui mừng, bởi sau hơn tám năm chờ đợi, nay họ đã được “cởi trói”, nhà cửa đã được cho sửa sang, xây mới. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu, sự lo lắng lại ập xuống, bởi quyết định 68 chỉ áp dụng với những khu đất đã có nhà ở, còn đất trong khu quy hoạch vẫn không được cho chuyển đổi mục đích. Tại khu vực ga Bình Triệu, do bị quy hoạch “treo” lâu năm, đất nông nghiệp của người dân không được cho chuyển mục đích sử dụng, nên hầu hết đất bị hoang hoá, cỏ mọc lút đầu người. Ông Văn Ngọc, ngụ tại khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh cho biết, đã tám năm nay, trên 1.000m2 đất ruộng của ông không trồng trọt được gì, đành để cho cỏ mọc. Từ ngày có quyết định 68, ông Ngọc đã mấy lần xin phép san lấp khu đất ruộng này, nhưng chính quyền không cho. Tương tự, bà Nguyễn Thị Bé cho biết, vì bức xúc về chỗ ở, bà đã làm nhà cấp 4 trên mảnh đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, nên đã bị chính quyền xử phạt, tiến hành tháo dỡ nhà.

Tương tự với hoàn cảnh của người dân ở khu vực ga Bình Triệu là những người dân tại khu quy hoạch “treo” Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, Bình Thạnh). Tuy UBND thành phố cho phép người dân xây nhà kiên cố hai tầng (trệt, lửng và một lầu), nhưng đối với đất nông nghiệp, người dân chỉ được cấp giấy chứng nhận và không được chuyển mục đích sử dụng đất, do đó bộ mặt đô thị tại phường 28 trở nên loang lổ, nham nhở. Tại khu vực này, vẫn còn những khu đất sình lầy mọc đầy cỏ dại bao quanh những căn nhà xập xệ, cũ kỹ của người dân. Hiếm hoi lắm mới thấy một vài ngôi nhà mới được người dân xây dựng. Theo ông Nguyễn Tuấn Hỷ, ở phường 28, do hạ tầng ngày càng xuống cấp, nên cuộc sống của người dân ngày càng vất vả hơn hồi còn quy hoạch “treo”. “Lúc trước, chỉ có mưa mới ngập, nhưng hiện tại, chỉ cần triều cường là cả tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đã ngập sâu cả bốn tấc. Đây chính là lý do khiến người dân ngán ngại, chưa dám xây nhà kiên cố”, ông Hỷ nói.

Khó cho chính quyền


Không dám xây nhà kiên cố ở khu vực xoá “treo”

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, nhiều hộ dân cho biết, sẽ chẳng có gia đình nào dám bỏ ra từ mấy trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng để cất nhà kiên cố tại khu vực này – nơi mà xung quanh toàn là lau sậy, sình lầy, bởi vì họ không biết chắc đến lúc nào khu vực này sẽ thực hiện dự án trở lại.
Theo đại diện phòng quản lý đô thị quận Thủ Đức, theo quyết định 68, người dân muốn xin giấy phép xây dựng tạm theo quy định (mục a, khoản 1, điều 8 của quyết định 68) đối với những công trình nằm trong khu quy hoạch nhà ga, bến xe, trường học, cũng không được. Lý do, để được cấp phép, điều kiện tối thiểu là khu đất đã chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Những hộ dân muốn xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, phải đủ các điều kiện theo quy định như: không thuộc quy hoạch xây dựng đô thị; không thuộc quy hoạch dân cư nông thôn…

Đó là chưa kể theo quyết định 68, giấy phép xây dựng tạm phải ghi rõ thời hạn công trình tạm được tồn tại (đến khi thực hiện dự án). “Trong khi đó, quận, huyện không thể biết chính xác khi nào dự án mới thực hiện để ghi cho người dân. Cụ thể như người dân hỏi chúng tôi bao giờ ga Bình Triệu sẽ làm, năm năm hay mười năm nữa, chúng tôi chịu, không trả lời được”, đại diện phòng này nói.

Theo ông Quách Hồng Tuyến, phó giám đốc sở Xây dựng TP.HCM, việc xây dựng tạm là để phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân về nhà ở trong các khu quy hoạch. Hiện nay, UBND thành phố đã cho xây dựng tạm tối đa là năm tầng. Ông Tuyến cho biết, theo quy định, với quy hoạch chi tiết, ba năm phải rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp, nhưng trên thực tế, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch của các cơ quan chức năng rất chậm, chưa công khai cho người dân biết. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn lãng phí khi quỹ đất đô thị chậm đưa vào sử dụng.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị