Top

Xây dựng, quản lý đô thị ở Hà Nội:

Khai thông cấp phép, quản chặt chung cư

Cập nhật 09/02/2011 10:15

Trò chuyện đầu năm với báo giới, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ông Nguyễn Thế Hùng, cho rằng, nhiều vấn đề trong cấp phép xây dựng, quản lý đô thị của Hà Nội năm 2011 sẽ được tập trung giải quyết bằng hàng loạt quy chế, chương trình, đề án mới.


Khu đô thị Văn Quán-Hà Đông bị điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, nhiều hạng mục xây dựng công cộng điều chỉnh xây nhà cao tầng . Ảnh: Nguyễn Tú

* Nhiều ý kiến cho rằng, dù đã có nhiều cải tiến song thủ tục cấp phép xây dựng đến nay vẫn còn phiền hà là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép?

Cấp phép xây dựng chỉ là khâu cuối cùng của quá trình thực hiện dự án xây dựng. Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Sở nói chung và khâu cấp phép xây dựng nói riêng đang được công khai, đơn giản hoá tối đa để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết thủ tục hành chính.


Ông Nguyễn Thế Hùng.
Chẳng hạn, hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng chung có nhiều điểm không khả thi với điều kiện đặc thù của Hà Nội, dẫn đến khó khăn vướng mắc cho các chủ đầu tư khi lập hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng; thiếu quy hoạch chi tiết làm căn cứ cấp phép, các quy hoạch xây dựng và quy hoạch phân lũ được duyệt còn chậm công khai và cắm mốc dẫn đến phải tham vấn ý kiến nhiều cơ quan quản lý khác nên phức tạp và kéo dài thời gian giải quyết việc cấp phép. Đặc biệt, hiện vướng mắc nhất là trong vấn đề quản lý đất đai.

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt cải cách hành chính. Cụ thể, loại bỏ những quy định không cần thiết, các giấy tờ rườm rà, giảm tối đa thời gian giải quyết, thời gian đi lại cho người dân.

Cùng với việc kiến nghị thành phố chỉ đạo sớm thực hiện phủ kín quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 và ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị đối với các khu vực phát triển ổn định hoặc hạn chế, Sở sẽ hoàn thiện phần mềm hỗ trợ cấp phép xây dựng, tạo một quy trình làm việc và trao đổi thống nhất, công khai.

* Thưa ông, hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đang trong tình trạng quá tải, công tác quản lý các khu đô thị, khu chung cư còn nhiều bất cập gây bức xúc cho người dân? Tình trạng này sẽ được cải thiện?

Đúng là hiện nay hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đang trong tình trạng quá tải. Thiếu quy hoạch hệ thống và các bãi chôn lấp, xử lý rác tập trung, nghĩa trang tập trung.

Nhiều khu đô thị, đặc biệt các khu tái định cư chậm đầu tư công trình hạ tầng xã hội như trường học, chợ, bệnh viện..., đất đai để hoang hoá; người dân ở xen kẽ với các công trình đang xây dựng, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo.

Nguyên nhân của hiện tượng này là quy định còn nhiều bất cập, công tác quản lý các khu đô thị trong và sau đầu tư chưa được quan tâm thường xuyên, đầy đủ, một bộ phận nhà đầu tư còn chạy theo lợi nhuận, bỏ qua yếu tố phát triển bền vững.

Những tồn tại trên sẽ được tập trung thực hiện quyết liệt, trong đó tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác quản lý xây dựng đô thị. Chẳng hạn, quyết liệt thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, môi trường ; ban hành các quy chế quản lý các khu chung cư, khu đô thị; chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện phát triển nhà ở theo các dự án đảm bảo đồng bộ dịch vụ đô thị và hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội...

* Sắp tới quy hoạch chung của Thủ đô sẽ được phê duyệt. Sở đã có kế hoạch gì cho vấn đề này?

Đây là vấn đề rất quan trọng, cũng là cơ sở để thành phố quản lý đô thị ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, bản sắc. Tuy nhiên, khối lượng công việc lớn, đòi hỏi chất lượng cao, nên việc chia sẻ trách nhiệm với nhiều ngành, nhiều cấp là rất cần thiết.

Vì lẽ đó, hiện Sở cùng các ban ngành trên cơ sở bám vào quy hoạch chung để triển khai và hoàn thành các quy hoạch chuyên ngành như, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải... hay các quy định về cấp phép quy hoạch theo Luật quy hoạch đô thị cũng sẽ được cụ thể hóa.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong