Top

Đảo ngọc Phú Quốc đã bị 'băm nát' như thế nào ?

Cập nhật 18/05/2020 09:10

Trong quá trình cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang giao đất, thực hiện dự án ở huyện đảo Phú Quốc từ 2011 - 2017 đã gây ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, khiến không chỉ ngân sách thất thoát mà quy hoạch nơi đây bị biến dạng.

Công trình khu nghỉ dưỡng Pullman do Công ty CP Milton làm chủ đầu tư đã xây dựng cơ bản hoàn thành, nhưng theo TTCP vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng ẢNH: HOÀNG TRUNG

Là địa bàn trọng điểm về du lịch, huyện đảo Phú Quốc thu hút đặc biệt nhiều dự án quy mô lớn, tập trung chủ yếu lĩnh vực nghỉ dưỡng, bất động sản… Trong số khoảng 968 dự án đầu tư trong nước trên toàn địa bàn Kiên Giang (với 15 đơn vị hành chính cấp huyện), tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 862.000 tỉ đồng thì riêng Phú Quốc có đến 274 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 358.000 tỉ đồng. Mặc dù UBND tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc (BQL) để góp phần thúc đẩy Phú Quốc phát triển, nhưng sai phạm vẫn liên tục xảy ra trong nhiều năm.

Giao đất công cộng, cây xanh cho xây trung tâm thương mại

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (thời kỳ 2011 -2017), tính đến thời điểm 31.12.2017, BQL đã ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho 80 tổ chức để thực hiện dự án đầu tư, với tổng diện tích hơn 2.069 ha. Trong đó, đã bàn giao hơn 1.937 ha đất trên thực địa cho các chủ đầu tư (CĐT), còn hơn 131 ha chưa bàn giao do chưa bồi thường giải phóng mặt bằng; diện tích đất cho thuê có mặt nước biển là gần 4 ha…

Qua thanh tra, TTCP xác định BQL đã giao đất cho một số CĐT chưa phù hợp hoặc vượt diện tích so với chỉ tiêu sử dụng đất theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 633 (Quy hoạch 633) ngày 11.5.2010 và Quyết định 868 ngày 17.6.2015. Việc làm này đã vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm khoản 1, điều 11, luật Đất đai 2003; khoản 1, điều 6, luật Đất đai 2013.

Điển hình, tại Bãi Trường có một số khu đất theo Quy hoạch 633 là đất công trình công cộng, cây xanh, mặt nước nhưng BQL đã giao cho nhà đầu tư thuê đất với mục đích thương mại, dịch vụ. Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tổ hợp trung tâm thương mại, du lịch và quảng trường biển Bãi Trường do Công ty TNHH BIM Kiên Giang làm CĐT, với quy mô hơn 115 ha; dự án khu du lịch Tín Nghĩa Bãi Trường do Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tín Nghĩa Bãi Trường làm CĐT, quy mô hơn 32 ha; dự án trung tâm du lịch tài chính, tập huấn và nghỉ dưỡng BIDV do Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) làm CĐT, quy mô hơn 15 ha…
Dự án Sonasea Villas and Resort ở Phú Quốc bị TTCP phát hiện có sai phạm về tài chính đất đai - ẢNH: HOÀNG TRUNG

TTCP chỉ rõ có đến 43 dự án với tổng diện tích hơn 991 ha được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giao đất, cho thuê đất nhưng CĐT không triển khai hoặc chậm triển khai đầu tư, mà chủ yếu do nguyên nhân chủ quan của CĐT. Chưa kể, nhiều công trình quy mô lớn được xây dựng trái phép trong các khu chức năng của Khu kinh tế Phú Quốc, nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiểm tra, giám sát, chậm phát hiện và xử lý. Điển hình các công trình sai phạm, có khách sạn SeaShell do Công ty CP du lịch Phú Quốc làm CĐT, tháng 1.2016 khởi công xây dựng khi giấy phép xây dựng đã hết hạn (xây dựng không phép), đến tháng 2.2018 được cấp phép trở lại nhưng xây dựng sai phép 2 khối tầng áp mái (tầng 9 diện tích hơn 594 m2), chiều cao công trình vượt 5 m; khách sạn Mường Thanh Phú Quốc do Tập đoàn Mường Thanh làm CĐT đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng hiện nay chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng; công trình khu nghỉ dưỡng Pullman thuộc dự án Làng du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Châu Âu do Công ty CP Milton làm CĐT đã xây dựng cơ bản hoàn thành nhưng cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng…

Tùy tiện miễn giảm tiền sử dụng đất

Giai đoạn 2011 - 2017, tổng thu ngân sách nhà nước bình quân trên địa bàn Kiên Giang đạt khoảng 4.900 tỉ đồng/năm, trong đó thu ngân sách từ đất chỉ khiêm tốn khoảng 974 tỉ đồng. Thế nhưng, điều bất thường là cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang lại rất tùy tiện trong việc quản lý tài chính đất đai, dẫn đến thất thoát ngân sách nghiêm trọng.

TTCP nêu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang có vi phạm pháp luật khi giảm 50% tiền sử dụng đất đối với CĐT một số dự án, với tổng số tiền thiệt hại ngân sách lên đến hơn 255 tỉ đồng cần phải truy thu. Điển hình là khu du lịch sinh thái Vũng Bầu tại xã Cửa Cạn do Công ty CP Lan Anh Phú Quốc làm CĐT (hơn 91 tỉ đồng); dự án trung tâm du lịch tài chính, tập huấn và nghỉ dưỡng BIDV do Ngân hàng BIDV làm CĐT (hơn 163 tỉ đồng). Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Kiên Giang còn giảm 50% tiền sử dụng đất đối với Công ty CP đầu tư và phát triển Phú Quốc (dự án Sonasea Villas and Resort) và Công ty CP Hải Phòng Phú Quốc (dự án khu du lịch, dịch vụ Bắc Bãi Trường) với tổng số tiền hơn 48 tỉ đồng…

Qua thanh tra, TTCP còn phát hiện 10 dự án khác ở Phú Quốc được Cục Thuế tỉnh Kiên Giang miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản chưa đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại ngân sách với tổng số tiền hơn 53 tỉ đồng; phát hiện 6 dự án được cơ quan thuế miễn tiền thuê đất theo chính sách ưu đãi đầu tư của pháp luật về đầu tư nhưng chưa đúng quy định luật, gây thiệt hại ngân sách hơn 93 tỉ đồng. UBND tỉnh Kiên Giang cho phép gia hạn nộp tiền sử dụng đất đối với Công ty CP đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc chưa phù hợp quy định pháp luật, gây thiệt hại ngân sách hơn 18 tỉ đồng; chỉ đạo không phạt chậm nộp đối với Công ty CP Sài Gòn Sovico Phú Quốc trái thẩm quyền, chưa phù hợp quy định của luật Quản lý thuế, gây thiệt hại ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 46 tỉ đồng. TTCP cũng đã phát hiện 7 CĐT chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai đối với NSNN, nhưng cơ quan thuế không phạt chậm nộp theo quy định, dẫn đến gây thiệt hại NSNN và số tiền phạt chậm nộp phải truy thu về cho ngân sách lên đến hơn 167 tỉ đồng. Cục Thuế tỉnh Kiên Giang tính thuế đất đối với dự án Udic Phú Quốc Resort do Công ty CP đầu tư Phú Gia Phú Quốc làm CĐT cũng có vi phạm pháp luật, gây thiệt hại NSNN hơn 29 tỉ đồng…

Đáng lưu ý, năm 2012 UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư số 1609, xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho Công ty TNHH Ngôi Sao (CĐT dự án khu du lịch sinh thái Ngôi sao - Lucky Star Resort ở khu Cửa Cạn, Phú Quốc), được ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (Nghị định 61 năm 2010 của Chính phủ); và theo đó Cục Thuế tỉnh Kiên Giang miễn cho Công ty TNHH Ngôi Sao đến hơn 419 tỉ đồng tiền sử dụng đất (gần 40 ha) của dự án trong thời hạn 50 năm. TTCP khẳng định việc miễn hàng trăm tỉ đồng như vậy là “trái quy định pháp luật”, vì dự án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 chủ yếu xây khách sạn, biệt thự, hạ tầng kỹ thuật..., và dự án này hoàn toàn không phải là dự án du lịch sinh thái theo định nghĩa của luật Du lịch. Ngoài ra, căn cứ Quy hoạch 633 về phát triển Phú Quốc mà Thủ tướng phê duyệt vào năm 2010, thì diện tích mà tỉnh giao cho Công ty TNHH Ngôi Sao cũng không thuộc diện được áp dụng ưu đãi đầu tư theo Nghị định 61 năm 2010 của Chính phủ.

Theo TTCP, tổng sai phạm về tài chính đất đai ở Phú Quốc lên đến hơn 737 tỉ đồng, cần phải thu hồi nộp NSNN.

Những ai chịu trách nhiệm ?

Với các sai phạm nghiêm trọng về tài chính đất đai trên, TTCP khẳng định Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011 - 2017 chịu trách nhiệm chung trong chỉ đạo điều hành. Giám đốc các sở: TN-MT, NN-PTNT, Tài chính, Xây dựng, KH-ĐT, Trưởng BQL Khu kinh tế Phú Quốc; Chủ tịch UBND H.Phú Quốc... chịu trách nhiệm chính.

Theo đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có liên quan kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra những thiếu sót, vi phạm; tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên