Top

Cần quy định rõ trách nhiệm của người phê duyệt dự án thầu

Cập nhật 07/06/2013 08:40

“Cần quy định trách nhiệm của người lãnh đạo phê duyệt dự án thầu đến cùng, dù đã nghỉ hưu mà công trình kém vẫn phải chịu trách nhiệm”, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường) đã nói như vậy khi thảo luận tại tổ chiều 6/6 về dự án Luật Đấu thầu sửa đổi.

Thảo luận tại tổ chiều nay đa số ý kiến cho rằng phải sửa luật để phù hợp với tình hình hiện nay và khắc phục những bất cập trong việc chỉ định thầu, tránh tình trạng gian dối trong đấu thầu, quân xanh quân đỏ....

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật Đấu thầu mới chỉ quan tâm đến lĩnh vực xây dựng, trong khi trong lĩnh vực đấu thầu thuốc lại đặc thù, phức tạp hơn. Đại biểu Lan đề nghị đấu thầu thuốc nên tổ chức rộng rãi nhưng quan trọng nhất là phải có biện pháp làm sao để phòng ngừa được tình trạng gian dối để tăng giá thuốc nhằm trục lơi.

Đại biểu Lan kiến nghị, dự án Luật nên đưa những hướng dẫn đối với lĩnh vực đặc thù, chẳng hạn đối với đấu thầu trực tiếp, đấu thầu tập  trung.

Các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ về các dự án luật.

“Nhiều quy định trong Luật Đấu thầu còn triệt tiêu tính cạnh tranh trong lĩnh vực đấu thầu nên chăng cần  phải cân nhắc để tháo gỡ. Góp ý cho Luật Đấu thầu, chúng tôi chờ đợi Nghị định và Thông tư hướng dẫn hơn chứ không phải là chờ Luật”, bà Lan nói.

Để khắc phục tính bất cập của dự án luật, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội), cho rằng Luật Đấu thầu 2005 còn nhiều bất cập trùng lắp với nhiều luật khác như Luật xây dựng, đầu tư xây dựng cơ bản, cần phải luật hóa thành một luật chung. Phải điều chỉnh Luật để đáp ứng yêu cầu xã hội đối với tình hình hiện nay.

Về chỉ định thầu (điều 17), ông Bình đề nghị bổ sung trong trường hợp đấu thầu có liên doanh thầu cho các doanh nghiệp Việt Nam để các doanh nghiệp có đủ điều kiện để chỉ định thầu. Thực tế hiện nay hầu hết các dự án lớn có liên doanh thầu mới thực hiện được, nếu chỉ một doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng được điều kiện để tham gia.

Bên cạnh đó, nhiều dự án phải dừng lại do điều chỉnh quy hoạch, việc chỉ định thầu phải đảm bảo với điều kiện khách quan để đảm bảo các điều kiện chỉ định thầu.

“Theo tôi quy định hạn mức chỉ định thầu hiện nay quá cao sẽ dẫn đến sự chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, đề nghị cần linh hoạt thay đổi hạn mức chỉ định thầu. Thêm vào đó, cần bổ sung quy định nếu nhà thầu thi công chậm cho phép người có thẩm quyền chỉ định nhà thầu khác để đảm bảo tiến độ của dự án, cũng cần quy định rõ chế tài để xử lý khi bỏ, phá vỡ hợp đồng và bồi thường thế nào”, ông Bình đề nghị.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội), cho rằng cần xem xét lại việc lách luật như chia nhỏ dự án để chỉ định thầu, tránh không phải đấu thầu và hạn chế trong đấu thầu có biểu hiện quân xanh, quân đỏ.

Liên quan đến trách nhiệm phê duyệt thầu, đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội), kiến nghị, phải quy định rõ trách nhiệm người phê duyệt thầu phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm đến cùng trong chỉ định thầu. Quy định như vậy để gắn trách nhiệm cho người phê duyệt phải thẩm tra kỹ doanh nghiệp được chỉ định thầu và mới đảm bảo chất lượng công trình.

Bà An ví von, không thể để xảy ra tình trạng cầu vừa làm xong đã hỏng mà người phê duyệt đã về hưu nên xảy ra tình trạng cha chung không ai khóc. Cần quy định trách nhiệm của người lãnh đạo phê duyệt dự án thầu đến cùng, dù đã nghỉ hưu mà công trình kém vẫn phải chịu trách nhiệm.

DiaOconline.vn - Theo Infonet