Top

Các gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội có đi đúng hướng?

Cập nhật 03/05/2020 10:37

Bộ KH&ĐT vừa được giao cân đối bổ sung 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Việc Nhà nước tung ra các gói hỗ trợ là cần thiết tuy nhiên phải xác định rõ đối tượng mà gói hỗ trợ cần hướng tới

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, việc bổ sung tổng 3.000 tỷ đồng tín dụng là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ phần nào các dự án nhà ở xã hội đang triển khai cũng như hỗ trợ công nhân, người có thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giai đoạn triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ, cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 86 nghìn căn hộ. Tuy nhiên, con số này chỉ mới đạt khoảng 34% so với mục tiêu trong Chiến lược phát triển Nhà ở Quốc gia đến năm 2020. Hiện có khoảng 220 dự án đang được triển khai, dự kiến sẽ cung cấp 180 nghìn căn hộ ra thị trường.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế chỉ rõ, để kêu gọi được chủ đầu tư, nhà thầu tham gia các dự án nhà ở xã hội, Nhà nước đã đưa ra những ưu đãi nhất định. Điều này kéo theo hàng loạt vấn đề nan giải. Nhiều doanh nghiệp "tay trong" không có tiềm lực tài chính, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng vẫn sẵn sàng đứng ra nhận dự án để được hưởng lợi từ những chính sách của Nhà nước.

Tiềm lực tài chính, năng lực của chủ đầu tư không mạnh, đồng thời không thể huy động nguồn vốn xã hội, khiến cho nhiều dự án nhà ở xã hội rơi vào tình trạng thiếu vốn, chậm tiến độ. Bằng chứng là sau khi giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, hàng loạt dự án nhà ở xã hội lại rơi vào tình trạng thiếu vốn. Mới đây, Chính phủ có thêm gói tín dụng mới 3.000 tỷ.

Việc Nhà nước tung ra các gói hỗ trợ là cần thiết tuy nhiên phải xác định rõ đối tượng mà gói hỗ trợ cần hướng tới. Rõ ràng, đối với việc phát triển nhà ở xã hội thì gói hỗ trợ phải đến tay người nghèo nhưng đã có những câu chuyện rất éo le.

Người dân làm thủ tục vay vốn trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để mua nhà trong các dự án nhà ở xã hội nhưng đến vài năm sau họ vẫn chưa nhận được nhà. Thời gian hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ của Nhà nước kết thúc mà vẫn chưa nhận được nhà, họ sẽ phải trả lãi ngân hàng theo lãi suất vay thương mại, cuối cùng rẻ lại hóa đắt.

GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, cần đánh giá lại chính sách phát triển nhà ở thương mại và nhà ở thương mại giá rẻ hiện nay. Hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội của Việt Nam mang tính bao cấp, trông chờ vào ngân sách Nhà nước nên chưa phát huy được hiệu quả.

Nhà nước sẽ không đủ lực để bao cấp cho nhà ở xã hội. Vấn đề là những dự án nhà ở xã hội hay thương mại giá rẻ, hiện Việt Nam chưa huy động được mọi nguồn lực và vận dụng được kinh nghiệm của các nước để phát triển.

Hệ quả đã nhìn thấy là nhiều dự án đang bị hụt hơi khi thiếu gói tín dụng ưu đãi. Dẫn chứng rõ nhất là khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường nhà ở xã hội chững lại cả lực cung và cầu hoặc để lại những dở dang, đứt đoạn.

Đối với thời kỳ kinh tế khó khăn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 này, người thuê mua nhà ở xã hội gặp khó khăn về vấn đề thu nhập thì Chính phủ cũng đã có chính sách giãn nợ số tiền phải nộp để người dân có thời gian phục hồi lại thu nhập, duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Chính phủ cần có động thái mạnh mẽ hơn để ưu đãi cho người dân, bởi thu nhập của họ đang bị ảnh hưởng, cần gia hạn cho họ dài hơn về thời gian tiền thuê, ít nhất là 6 tháng đến 1 năm.

Để chính sách đến đúng đối tượng mua nhà cần công khai, minh bạch thông tin, nhất là trong khâu xét duyệt dự án phải có sự giám sát đa chiều. Bên cạnh đó, các thông tin về quy mô, địa điểm của dự án cũng như thời gian, đối tượng, quy trình xét duyệt cũng cần phải công khai hết mức có thể.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN