Top

TP.HCM không dễ thu hồi dự án chậm tiến độ

Cập nhật 14/11/2023 10:42

Chính quyền TP.HCM đang quyết liệt thu hồi các dự án chậm tiến độ nhiều năm tại khu công nghiệp để lấy đất thu hút dự án mới. Thế nhưng, việc thu hồi dự án không dễ vì quy trình thu hồi phức tạp cùng sự chây ì của chủ đầu tư.

Hình minh họa

Nhiều dự án phải thu hồi

Qua rà soát, có hàng loạt dự án trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại đầu tàu kinh tế TP.HCM được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ nhiều năm, nhưng chậm xây dựng hoặc triển khai một phần rồi bỏ hoang. Từ đầu năm 2023, chính quyền TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thu hồi những dự án “xí” đất rồi để không nhằm lấy đất thu hút các dự án mới.

Tại Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, dự án gây nhức nhối về môi trường gần 10 năm trước của Công ty cổ phần Thuộc da Hào Dương (Công ty Hào Dương) sẽ bị thu hồi vì dự án này đã ngưng hoạt động từ năm 2014 đến nay.

Một dự án FDI được giao quỹ đất khá lớn tại Khu công nghệ cao là Công viên Sài Gòn Silicon cũng thuộc diện phải thu hồi. Dự án này có diện tích 52 ha, được khởi công vào tháng 8/2016 với số vốn đầu tư 858 tỷ đồng (40 triệu USD - tỷ giá USD thời điểm năm 2015 - PV). Khi chủ đầu tư đang xây dựng dở dang 1 tòa nhà, thì năm 2019, dự án dừng thi công đến nay.

Ngay từ đầu năm 2023, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án Công viên Sài Gòn Silicon.

Bên cạnh các KCN, Thành phố cũng mạnh tay thu hồi các dự án cụm công nghiệp chậm triển khai. Vào cuối tháng 9/2023, UBND TP.HCM giao các sở, ngành thu hồi gần 90 ha đất Dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) vì dự án này vẫn bất động sau 19 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ngoài các dự án công nghiệp, tại Khu nông nghiệp công nghệ cao, qua rà soát, Thành phố cũng quyết định thu hồi 4 dự án chậm triển khai để lấy đất thu hút các dự án mới.

Nhà đầu tư trắng tay, chính quyền bó tay

Dù đặt quyết tâm rất cao trong việc “dọn dẹp” đất tại các khu công nghiệp, song quá trình thực hiện không đơn giản khi vướng mắc liên quan đến chủ đầu tư. Nếu như tại các dự án vẫn còn đất trống chưa xây dựng nhà xưởng, việc thu hồi ít gặp trở ngại, thì tại các dự án đã xây dựng nhà xưởng hoặc các hạng mục khác, thủ tục thu hồi khá phức tạp.

Đơn cử, tại dự án của Công ty Hào Dương, cho dù dự án đã ngưng hoạt động từ năm 2014, nhưng thủ tục thu hồi dự án vẫn chưa thực hiện được vì Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) không liên lạc được người đại diện của Công ty Hào Dương.

Ngay cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của doanh nghiệp này cũng bị thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (đã sáp nhập vào Sacombank). Sacombank đang tiến hành thu hồi mặt bằng và giao cho Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Sacombank quản lý, khai thác. Còn việc cưỡng chế vi phạm hành chính cũng không thực hiện được khi số dư trong tài khoản ngân hàng của Công ty Hào Dương không đủ để cưỡng chế.

Các biện pháp cưỡng chế khác như kê biên tài sản cũng không thực hiện được khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Công ty Hào Dương đã thế chấp tại ngân hàng, nhà xưởng của Công ty đang bỏ trống, các loại nguyên vật liệu, máy móc thiết bị cũng di dời hết.

Đến nay, Hepza vẫn tiếp tục xác minh người đại diện theo pháp luật của Công ty Hào Dương để thực hiện các biện pháp cưỡng chế vi phạm hành chính theo quy định. Vì vậy, dự án vẫn chưa thể thu hồi được.

Một trường hợp gần tương tự khác là Dự án Saigon Silicon cũng dừng thi công từ năm 2019, Ban Quản lý Khu công nghệ cao đã đề xuất thu hồi dự án từ năm 2021, song đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục thu hồi. Trong thông báo Kết luận thanh tra số 102/TB-TTTP-P5, Thanh tra TP.HCM yêu cầu Ban Quản lý Khu công nghệ cao khẩn trương truy thu tiền thuê đất năm 2020 và các chi phí quản lý khác đối với Công ty cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon và báo cáo kết quả thu hồi dự án này theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Nguyễn Ánh Tâm, Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh Tâm cho biết, trường hợp doanh nghiệp mất tích mà cơ quan chức năng không liên hệ được, thì căn cứ vào hợp đồng đã ký, doanh nghiệp không trả tiền thuê đất hàng năm là đã vi phạm hợp đồng, nên bên cho thuê đất có quyền thu hồi lại đất. Hơn nữa, điểm c, khoản 2, Điều 48, Luật Đầu tư năm 2020 quy định rõ về chấm dứt dự án: “Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư”.

Rõ ràng, với các quy định pháp luật hiện hành, TP.HCM có quyền thu hồi dự án của Công ty Hào Dương vì vi phạm các quy định về đầu tư. Tuy nhiên, sự việc về công ty này đã nhùng nhằng gần 10 năm chỉ với lý do “không liên lạc được với nhà đầu tư” là điều rất khó hiểu.

DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư

TPHCM chia 5 nhóm vướng mắc để gỡ cho các dự án bất động sản

Cập nhật: 14/11/2023 10:38

TPHCM đã chia các kiến nghị thành 5 nhóm để giải quyết, gồm vướng mắc thủ tục đầu tư, vướng mắc do thanh tra và rà soát pháp lý, vướng đất công và ...

Đã có 2,74 triệu tỉ đồng đổ vào bất động sản

Cập nhật: 13/11/2023 11:27

Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng 6,04% so với cuối ...

Bất động sản tìm đường đi lên từ đáy

Cập nhật: 13/11/2023 10:52

Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trong thời gian tích lũy để bước vào một chu kỳ phát triển mới.

CEO kể gian khổ khi làm dự án bất động sản

Cập nhật: 13/11/2023 10:46

Vốn vay từ ngân hàng hoặc trái phiếu, với chi phí bình quân 15% vốn thì mỗi năm sẽ thiệt hại 6% và trong vòng 5 năm dự án không triển khai được, ...

Ngừa hiểm hoạ chung cư mini, TP.HCM muốn thí điểm quy định đầu tư cơ sở thuê trọ

Cập nhật: 10/11/2023 14:35

Sở Xây dựng vừa đề xuất UBND TP.HCM về việc tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, công trình có thiết ...