“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”. Ba việc được các cụ xưa xem trọng, coi đó là những dấu mốc trưởng thành của người đàn ông. Kể cả trong thời đại ngày nay, xây nhà cũng vẫn là một trong những việc quan trọng nhất của đời người.
Theo quan niệm tâm linh của dân gian, muốn công việc xây dựng suôn sẻ, xây xong con người sống vui vẻ, hạnh phúc, thì trước khi khởi công xây nhà, gia chủ phải thực hiện một nghi thức gọi là lễ động thổ. Quan niệm này đã ăn sâu vào tư duy người Á Đông, bởi vậy, mỗi khi xây cất bất cứ một công trình gì dù lớn dù nhỏ, người ta đều làm lễ này.
Quan niệm tâm linh cho rằng, trên mỗi mảnh đất đều có thần Thổ Địa cai quản, đồng thời cũng là nơi cư ngụ của những vong linh, thánh thần. Công việc xây dựng ồn ào náo động, phải đào đất, xúc đất, có thể làm phiền đến những “thế lực” siêu nhiên cư ngụ ở đây.
Vì thế, lễ cúng động thổ là một sự trình báo về việc xây dựng công trình trên khu đất đó đến họ, hy vọng các vong linh đang cư ngụ ở đó vui vẻ chuyển đến nơi khác không quấy quả đến việc thi công, mong Thổ Địa ở đó phù hộ cho mọi việc suôn sẻ thuận lợi.
Theo sách cổ, từ năm 113 trước Công nguyên, vua Hán Vũ Đế thấy triều đình có tục tế Trời mà không tế Đất, bèn họp lại bàn việc tổ chức lễ Hậu thổ để tạ ơn Thần Đất. Có lẽ lễ động thổ đã ra đời từ đó.
Ngày xưa, lễ động thổ là một nghi thức để xin được động đến đất cho năm mới, cầu mong cả năm làm ăn thuận lợi. Lễ thường được tiến hành sau mùng Ba Tết hàng năm. Các bậc bô lão và quan viên trong làng được cử làm chủ tế và bồi tế để cúng thần, lễ vật gồm nhang đèn, trầu rượu, vàng mã.
Trong buổi lễ, ông chủ tế ăn mặc chỉnh tề, cuốc mấy nhát xuống đất, lấy một cục đất đặt lên bàn thờ, thưa trình với Thần Đất xin cho dân làng được động thổ.
Sau buổi lễ, mọi người mới được động tới đất. Ai mà cuốc xới đất trước lễ động thổ thì bị cả làng bắt vạ. Trong ba ngày Tết, nếu chẳng may có ai qua đời, tang gia phải nán lại, đợi lễ động thổ xong mới được đào huyệt an táng.
Dần dần, những công việc lớn, hệ trọng như xây dựng hay sửa chữa nhà cửa, cần công việc đào móng, đào đất, xúc đất, người ta cũng làm lễ động thổ để xin phép thần linh, cũng là để cầu mong cho công việc thuận lợi, suôn sẻ, con người được may mắn, bình an.
Ngày nay, mỗi nơi lại tổ chức lễ khởi công, động thổ khác nhau. Quy mô, hình thức của mỗi lễ khởi công lại tùy thuộc vào quy mô của mỗi dự án, công trình. Xã hội ngày càng phát triển, ngày càng nhiều công trình lớn, con đường mới được xây nên, do đó lễ khởi công và lễ động thổ ngày càng được chú trọng và đòi hỏi cao.
Bỏ qua những quan niệm mê tín thái quá, thì những nghi lễ này cũng giúp cho các bên liên quan đến dự án cảm thấy yên tâm, vững dạ khi triển khai rất nhiều phần việc phức tạp trong các dự án bất động sản, thậm chí nhà riêng của mỗi người.
Tuy nhiên, bất kể quy mô của lễ khởi công lớn nhỏ ra sao, thì nghi thức lễ động thổ tương đối đơn giản, đều có những điểm chung nhất định. Đó là những nghi thức quy định về mặt phong thủy mà lễ động thổ nào cũng nhất thiết phải tuân thủ. Đầu tiên phải chọn ngày tốt và giờ tốt để tổ chức lễ, sau đó là chuẩn bị mâm lễ cúng, hoa quả, vàng mã, giấy cúng, nén hương…
Vào ngày giờ hoàng đạo, gia chủ bày biện các lễ vật lên một cái bàn đặt giữa công trình, đốt đèn cầy, thắp nhang và khấn vái. Gia chủ cúng xong, đơn vị thi công cũng vào thắp nhang và khấn, có nơi người ta còn khấn cả ông tổ nghề xây dựng là Lỗ Ban nữa. Sau khi thắp hương xong, gia chủ hóa vàng mã, rải muối gạo và tự tay cuốc mấy nhát vào chỗ định đào móng hoặc đặt viên gạch đầu tiên.
Hiện nay, trong những dịp khởi công các công trình lớn, người ta thường làm lễ rất lớn, rất long trọng như dựng bạt, trang trí rực rỡ, thêm những tiết mục biểu diễn giải trí bên cạnh các bài diễn văn của các bên. Thậm chí, xây dựng cho buổi lễ cả một kịch bản chi tiết, lớp lang để giúp buổi lễ diễn ra theo đúng trình tự, trang trọng và giảm thiểu sai sót.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản