Không có ngày nào tốt với tất cả mọi người, cũng không có hướng nhà tốt hoặc xấu với tất cả mọi người. Cơ sở để chọn hướng nhà theo phong thủy là âm dương ngũ hành. Âm dương ngũ hành có tính biện chứng, trong âm có dương, trong dương có âm, mầm dương ở trong âm và mầm âm có sẵn trong dương.
Chọn hướng nhà là để tăng sự thuận lợi, tốt lành, giảm sự bất lợi rủi ro nếu có hoặc sẽ xảy ra.
|
Ai muốn tin vào việc chọn hướng nhà đều phải biết tin vào cái chưa biết. Nếu coi tất cả những cái chưa biết là mê tín thì không hiểu được âm dương ngũ hành và không nắm được thuật phong thủy. Nhiều khi ta cảm thấy như có ai đang chăm chú nhìn mình từ phía sau.
Sau này, người ta gọi hiện tượng đó là linh cảm hoặc giác quan thứ sáu. Nhưng giác quan thứ sáu là gì? Từ đâu sinh ra? Cơ chế hình thành giác quan thứ sáu thế nào? Thì cho đến nay chưa ai chứng minh được. Song giác quan thứ sáu là một hiện tượng có thật và con người vẫn phải tin.
Trong toán học cũng vậy. Một môn học đầy lý tính như hình học giải tích lại được xây dựng trên một số tiên đề mà chúng ta buộc phải thừa nhận chứ không chứng minh được. Ai không thừa nhận những tiên đề không chứng minh được kia thì không thể tiếp thu được môn hình học giải tích. Chỉ có thừa nhận những nguyên lý thứ nhất đó thì loài người mới có tri thức.
Tương tự như vậy, tín ngưỡng chính là sự thừa nhận những cái không chứng minh được.
Trở lại việc chọn hướng nhà, chúng ta hãy gác câu hỏi: “Vì sao như thế? sang một bên và thừa nhận nguyên lý thứ nhất là âm dương ngũ hành cùng những biểu hiện của nó.
Hướng nhà rất quan trọng trong phong thủy.
Mục đích của việc chọn hướng nhà là để tăng sự thuận lợi, tốt lành, giảm sự bất lợi rủi ro nếu có hoặc sẽ xảy ra. Trong phong thủy, hướng tốt là hướng thuận hợp môi trường, đất đai và con người. Có hướng thích hợp với người này, có hướng lại thích hợp với người khác.
Phong thủy chia hướng nhà theo 8 quẻ trong Kinh dịch. Đó là: Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tôn, Khảm, Cấn, Khôn. Tám quẻ này ứng với 8 hướng như sau gọi là bát trạch:
- Quẻ Khảm, hướng bắc
- Quẻ Chấn, hướng đông
- Quẻ Đoài, hướng tây
- Quẻ Ly, hướng nam
- Quẻ Cấn, hướng đông bắc
- Quẻ Tốn, hướng đông nam
- Quẻ Kiền, hướng tây bắc
- Quẻ Khôn, hướng tây nam.
Từ bát trạch này lại chia ra đông tứ trạch và tây tứ trạch.
Đông tứ trạch gồm 4 hướng sau:
- Hướng chính đông (Chấn)
- Hướng đông nam (Tốn)
- Hướng chính nam (Ly)
- Hướng chính bắc (Khảm)
Tây tứ trạch gồm 4 hướng sau:
- Hướng chính tây (Đoài)
- Hướng tây bắc (Kiền)
- Hướng tây nam (Khôn)
- Hướng đông bắc (Cấn).
Trong các hướng đông tứ trạch và tây tứ trạch đều có những hướng có những cấp độ tốt xấu khác nhau. Cấp độ tốt, xấu đều có tên gọi của nó.
- Hướng tốt nhất gọi là Sinh khí.
- Hướng tốt nhì gọi là Thiên y.
- Hướng tốt thứ ba gọi là Phúc đức.
- Hướng tốt thứ tư gọi là Phục vị.
- Hướng xấu thứ nhất gọi là Tuyệt mệnh.
- Hướng xấu thứ nhì gọi là Ngũ hải.
- Hướng xấu thứ ba gọi là Lục sát.
- Hướng xấu thứ tư gọi là Họa hại.
DiaOcOnline.vn - - Theo Báo Xây dựng