Hiện nay, gỗ được sử dụng để làm sàn nhà rất nhiều thay cho đá granite, gạch men. Ưu điểm của loại sàn này là sự sang trọng, ấm cúng, giúp người sử dụng cảm thấy thoải mái. Chất liệu này có thể kết hợp dễ dàng với các vật dụng khác trong phòng. Tuy nhiên, việc bảo quản, làm sạch sàn gỗ phải mất nhiều thời gian, công sức và nếu không biết làm sạch đúng cách hoặc không bảo quản tốt thì tuổi thọ của sàn gỗ sẽ rất thấp. DOOL xin mách bạn một vài nguyên tắc cơ bản khi làm sạch và bảo quản sàn gỗ.
Cách lau sàn gỗ
Bất cứ khi nào có sự cố khiến trên bề mặt sàn gỗ có các vết bẩn, bạn phải làm sạch ngay trước khi chúng bị khô lại, đóng cục. Vì nếu để lâu, những vết bẩn này sẽ ăn vào gỗ, rất khó chùi sạch hoặc có chùi sạch cũng khiến sàn bị trầy xước.
Nếu là sàn gỗ mới vừa lắp đặt, đầu tiên bạn hãy quét sạch tất cả gỗ vụn, bụi bẩn bằng chổi mềm hoặc máy hút bụi với đầu chổi quét sàn loại mềm. Sau đó lau sạch sàn với giẻ lau bằng vải khô, thay giẻ lau mới hoặc giũ sạch miếng vải và lau tiếp. Tiếp theo, bạn hãy làm sạch các vết bẩn còn lại bằng chất lau sàn gỗ, lau lại bằng khăn ấm.
Đối với sàn gỗ đã qua một thời gian sử dụng, trước khi tiến hành lau, bạn hãy sử dụng máy hút bụi với đầu chổi quét sàn loại mềm hoặc chế độ tĩnh điện khô để làm sạch bụi bẩn, tóc… Sau đó, lau lại bằng khăn hoặc cây lau nhà dọc theo chiều dài của tấm gỗ với nhịp lau dài dọc theo sàn gỗ và chéo (zíc zắc) qua các mối nối, lau lại bằng khăn ẩm.
Nếu vết bẩn là hoa quả, sữa, kem, bia, rượu, càphê, trà, nước hoa quả và các thức uống khác… bạn nên sử dụng chất tẩy rửa trung tính để làm sạch. Đối với vết bẩn là xi đánh giày, dầu, nhựa đường, vết xước do giày dép gây ra thì dùng rượu trắng để làm sạch. Riêng vết bẩn là mực, carbon, keo khô, máu bạn phải dùng cồn pha methylate hoặc nước lạnh để lau.
Ngoài ra, nếu sàn gỗ nhà bạn cò đánh vecni, bạn có thể dùng một ít sữa lau lên lớp vecni và để cho khô, sau đó dùng bàn chải (loại mềm) nhúng nước lã cọ sạch. Phương pháp này sẽ khiến lớp vecni cứng và bóng.
Bảo quản sàn gỗ
Không giống như sàn bằng đá hay gạch men, sàn gỗ có khả năng chịu nước kém dù trước khi lắp đặt, gỗ đã được xử lý để chống thấm trên cả hai mặt. Vì vậy bạn cần phải lưu ý trong việc chống ướt cho sàn gỗ. Nếu sàn bị nước mưa hay nước tràn từ ngoài vào, các mối ghép có thể bị ngấm nước và nở ra, làm cho sàn bị phồng lên và các mối ghép không còn được khít như trước.
Bạn cũng phải lưu ý là không được đặt những vật nóng hoặc có nhiệt độ cao trực tiếp xuống sàn gỗ vì có thể gây phồng rộp, cong vênh.
Để tránh cho sàn gỗ khỏi bị thấm nước, bạn có thể dùng thảm ở hai bên cửa ra vào. Bạn cũng phải quan tâm đến cát, sạn vì đây chính là tác nhân gây trầy xước sàn. Chân ghế, chân bàn hay các đồ nội thất khác cũng có thể làm xước sàn, vì vậy bạn phải chú ý, tránh dùng loại đồ vật có chân nhọn, góc cạnh hay để đất cát bám ở chân các đồ nội thất.
Khi có nước, vết bẩn vấy đổ ra sàn, bạn phải lau ngay để sàn nhà không bị ẩm ướt. Lưu ý, độ ẩm trong phòng cũng có thể ảnh hưởng đến sàn gỗ, độ ẩm lý tưởng cho sàn gỗ là từ khoảng 40-50 % ở 20°C.
Sau cùng, bạn phải năng lau chùi sàn gỗ và hút bụi cẩn thận. Trong trường hợp cần thiết, chúng ta có thể rửa sàn với một miếng giẻ vắt sạch nước hoặc nước lau rửa sàn đã được pha loãng vẫn có thể bảo vệ được sàn gỗ.
Mai Quỳnh - DiaOcOnline.vn