Top

Sân giận hờn, sân yêu thương

Cập nhật 14/07/2007 15:56

Trẻ con quen nhau nhờ có cái sân nhảy dây, ném tạt, rước đèn Trung Thu. Hàng xóm thân thiện nhau nhờ khoảng sân ngồi uống trà, đánh cờ tướng. Song, hàng xóm giận nhau, không nhìn mặt nhau cũng bởi chuyện lấn ra, lấn vào cái sân phía trước hay bên hông nhà. Sân, đâu có đơn giản!

Ở các nước Âu Mỹ, nhà ở ít thấy sân, ngoại trừ những lâu đài, dinh thự. Ở những ngôi nhà riêng, hay biệt thự, họ để vườn nhiều, và lối đi. Mùa hè, họ ra vườn tắm nắng, rồi ăn uống, nướng thịt…Trước nhà chỉ là mảnh vườn nhỏ, mang tính trang trí, với cây lá cỏ hoa. Vườn chính nằm ở phía sau, nơi yên tĩnh, kín đáo. Là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt của đời sống. Ở đấy, họ sống rất tự nhiên, phơi cả "người" lẫn "đồ", có thể nằm phơi nắng như trên bờ biển, hoặc bầy la liệt những lọ trái cây nấu, để ăn dần trong mùa đông, hoặc giăng phơi những tấm khăn trải giường.

Ngôi nhà ở ta thì khác. Thường theo một bố cục gắn kết là, lối đi, sân, vườn, và nhà. Hãy bắt đầu từ một ngôi nhà truyền thống ở làng quê Bắc bộ. Lối đi của ngôi nhà có cảm giác được bắt đầu từ "ngoài ngõ", men theo bờ dậu, ta nhìn thấy cái sân nhưng chưa bước vào. Nó còn bị ngăn bởi một hàng dâm bụt. Sân trước nhà nhưng thường lại bước vào theo một lối ở bên hông, là để tránh "trực xung", thay vì chọn hướng cho cổng. Trước sân là mảnh vườn, trồng vài luống rau, hoặc cây ăn trái, như bưởi, nhãn, táo…Cái sân gạch được ngăn với khu vườn bởi một hàng lan can thấp xây gạch, có những lỗ trống hoa văn. Giữa sân gạch và không gian bên trong nhà có một khoảng đệm, như một cầu nối, là hàng hiên, nơi có cái "giại" bằng phên tre chặn lại cái nóng nắng hè hắt lên từ mặt sân gạch.

Công năng của cái sân trong ngôi nhà cổ truyền rất đa dạng. Nhà nghèo thì sân đất, khá hơn thì sân gạch, nhưng đều có những công năng chung. Đầu tiên là nơi phơi nông sản, thóc, lúa, ngô, khoai, rơm, rạ. Việc làng ở sân đình, việc nhà ở sân nhà. Do vậy, sân là nơi diễn ra mọi việc đình đám, hiếu, hỉ, như ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp. Khi nhà có việc, chỉ trong một buổi chiều là những cái sạp được dựng lên, bàn ghế được bầy biện, cái sân biến thành đại sảnh, các cụ bà ngồi ăn giầu, các cụ ông ngồi rít thuốc lào sòng sọc, người ra kẻ vào xôm tụ. Rồi những mâm cỗ được bê lên, ăn uống náo nhiệt. Nhiều khi, cũng chả cần phải lúc cỗ bàn gì, mâm cơm hàng ngày được bầy ra ngay trên hè, dưới mái hiên, hoặc có lúc lại đặt giữa sân vào lúc nhập nhoạng tối, ngồi ăn leo lét dưới ánh đèn dầu.

Ở một góc nào đó của sân, bên cạnh bể nước mưa, dưới gốc cau thường có thêm vài cái chum hay vại nước. (Người Nam gọi là lu). Bên trên là dàn mướp, dàn bầu, lủng lẳng mấy trái mướp non và những chú o­ng bướm lởn vởn bên nhụy hoa vàng. Ông bố đi cầy về đến bên vại nước, ngửa cổ tu ực một ngụm nước mưa, rồi đến bên cái giại rút que đóm làm điếu thuốc lào, phả phê.


Ở tầng lớp trung lưu có học, những ông đồ nho, hay anh giáo làng, thì có lúc hiên nhà hoặc mảnh sân con thành nơi gõ đầu trẻ, hay ngồi viết chữ nho. Vào những đêm trăng sáng, bắc cái chõng nằm ngắm sao, vọng nguyệt, ngẫm sự đời, dễ tức cảnh sinh tình mà làm thơ. Ở nhà người giàu có, lại bể nước, hòn non bộ, những chậu cây cảnh, ông chủ mặc bộ đồ lụa đi lại ve vẩy cái quạt, đàn chó chạy nhung nhăng sau lưng. Nơi "kẻ chợ", với những lô nhà ống chật hẹp sâu hun hút, lại là những khoảng sân trong. Những khoảng trống lấy gió trời, ánh sáng, và cũng là nơi diễn ra mọi thứ sinh hoạt riêng của gia đình. Sau phần cửa hàng buôn bán nhộn nhạo phía trước, bước vào gặp khoảng sân, là không gian sinh hoạt "nội bộ" , là khoảng sáng rọi vào lòng nhà, là khoảng đệm giữa các không gian khác nhau. Ở đấy có thế có sàn nước. Sàn nước thường gắn liền với bếp. Xưa kia, người ta chỉ nấu ở trong bếp, mọi công việc khác diễn ra ngoài sàn nước, nhặt rau, vo gạo, mổ cá hay vặt lông gà…Cái mảnh sân con ấy cũng là chỗ giặt giũ, phơi phóng, và cũng như ở thôn quê, thường được cách với gian phòng bởi một hàng hiên. Có cái chậu thau rửa mặt đặt trên cái chạc gỗ, giữa hai cái cột ở hàng hiên vắt ngang một sợi dây thép, phơi những cái khăn rửa mặt của gia đình. Trong mảnh sân con ấy, còn là nơi tạo cảnh, những tiểu cảnh theo phong cách thủy mặc Trung Hoa, cây thế, hoặc lủng lẳng mấy lồng chim. Một thế giới thiên nhiên thu gọn trong lòng một căn nhà hẹp, có cỏ cây, có sơn thủy, có tiếng nước chảy tí tách, tiếng chim hót râm ran.

Lại một thời ở Hà Nội, khi những căn biệt thự lộng lẫy trước kia được chia năm sẻ bảy cho nhiều hộ gia đình, thì khoảng sân vườn cũ cũng bị chia thành từng mảnh sân con, và những lối đi công cộng. Một công cuộc "đô thị hóa" nho nhỏ tự phát nẩy sinh trong lòng biệt thự. Sân biến thành "Phố trong nhà", nơi mấy anh xe thồ bán chuối, mấy chị gánh hàng rau cứ điềm nhiên đi vào mà cất tiếng rao ời ời, náo loạn nhưng mà vui.

Mảnh sân trong nhà là một nơi dễ ghi nhiều dấu ấn trong ký ức, và rất hay trở lại trong nỗi niềm hoài cảm của nhiều người, mỗi khi nghĩ về ngôi nhà của mình trong quá khứ. Nó là trò chơi tuổi thơ, là bướm vàng, là những con chuồn chuồn xanh đỏ. Là sự xum họp gia đình, là những ý nghĩ bay bổng. " Từ góc sân nhà em", chú bé Trần Đăng Khoa thuở nào đã bay vào khoảng trời thơ đầy ngoạn mục. Trong tất cả các bài viết về ngôi nhà của mình, ít thấy tác giả nào lại không nhắc đến cái sân, với đầy kỷ niệm.

Giờ đây, trong những ngôi nhà hiện đại, cho dù cuộc sống có nhiều thay đổi, bởi công nghệ, bởi nếp sống, và những chi phối về diện tích. Nhưng những khoảng sân vẫn luôn tồn tại. Cao sang là những sân vườn rộng trong khuôn viên biệt thự. Hay ít nhất, trong những lô nhà phố hẹp, những căn hộ trên tầng cao, ở đâu người ta cũng cố tận dụng dù chỉ là một ô vuông khoảng trống, bớt chỗ ở đi một chút, để làm mảnh sân con, dưới giếng trời, trên sân thượng, ngoài ban công, để có chút mầu xanh, và hương đất.


Do vậy, dù ở làng quê hay phố thị, cái sân trong ngôi nhà như một khoảng không gian không thể thiếu. Nó có sức sống bền bỉ, vì nó là công năng sử dụng, là sự điều hòa khí hậu, ánh sáng. Là sự tận hưởng không gian sống một cách vô cùng lãng mạn, là văn hóa, phong tục. Nó thể hiện nếp sống, đặc tính vùng miền. Về thẩm mỹ, nó tôn ngôi nhà lên. Ta không thể thấy hết được vẻ đẹp của công trình kiến trúc khi không có khoảng lùi. Vì thế, nó chính là bản sắc. Và có lẽ, một cái gì rất cụ thể của tính dân tộc là ở đấy chăng?


Theo Nhà đẹp

Chữ “An” trong ngôi nhà xưa - nay

Cập nhật: 08/07/2007 10:27

Ngôi nhà làm xong, thảnh thơi nhìn lại thấy thật bình yên khi ta biết chọn mình làm chủ thể để sống an nhiên giữa không gian...

Nơi “Thời trân thức thức sẵn bày”

Cập nhật: 13/06/2007 14:04

Đối với anh Hoàng Khải - chủ nhân của những chuỗi nhà hàng “fine dining” thì một không gian tinh tế của nơi ấy phải đánh thức...

Những ô vuông gọi nắng

Cập nhật: 04/06/2007 15:34

Ngôi nhà chỉ thuần một màu trắng, trắng thật nhẹ nhàng, dễ thương, trắng tinh khiết như màu của ...

Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó (*)

Cập nhật: 27/05/2007 16:34

Những lần đến Singapore đi lang thang dạo phố chứ không phải shopping, tôi bỗng nhận ra cả thành phố dường như không có ngõ hẻm...

Không gian xanh nơi làm việc

Cập nhật: 16/06/2007 15:02

Nói đến văn phòng là nói đến nơi làm việc, tiếp khách, với cả đống giấy tờ, tài liệu.....