Là người con xứ Quảng, thế mà phải mất một buổi tôi mới tìm được địa chỉ cần đến. Tôi không hình dung tìm nhà ở miền quê lại khó như thế, nhưng bù lại người dân chỉ đường rất nhiệt tình.
Đi qua những cánh đồng bạt ngàn; những con đường đất gập ghềnh lẫn lộn với sỏi, đá; qua những ánh mắt, nụ cười trìu mến, cả những lời nói, cử chỉ thân thiện của người dân địa phương mỗi lần chỉ đường cho tôi...Cuối cùng thì tôi cũng tìm được ngôi nhà ở thôn 12 (thôn Phù Sa) thuộc xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, khi ấy trời đã ngả về chiều.
Dấu vết thời gian
Thoáng nhìn, tôi chắc chắn đây chính là địa chỉ tôi cần tìm, chính là một trong những ngôi nhà được bầu chọn là cổ và đẹp nhất tỉnh Quảng Nam.
Mái ngói âm dương thâm nâu, bức tường đã loang lổ màu thời gian, hai chiếc lu bằng xi măng được đặt hai bên bệ hiên ngay trước nhà, những cánh cửa gỗ đã bạc màu…Tất cả cộng thêm ánh hoàng hôn của buổi chiều tà, thêm cái se lạnh của tiết trời đầu xuân miền Trung, cảm giác của tôi lúc đó rất lạ, một hình ảnh vừa xa xưa vừa quen thuộc.
Trong không gian tràn trề sức sống: màu xanh nõn của đám rau cải, xà lách; màu vàng khoe sắc của những cánh mai; thảng hoặc xen lẫn đâu đó tiếng nói cười của trẻ thơ… Dường như giá trị ngôi nhà càng được tôn lên bởi khung cảnh hữu tình, gần gũi của một vùng quê như thế!
Những cánh cửa in đậm dấu ấn thời gian.
Ngôi nhà - niềm tự hào của thôn Phù SaChủ nhà đi làm chưa về. Thấy tôi đứng trước ngõ quan sát ngôi nhà, một bác đứng tuổi cùng vài người (chắc là hàng xóm) tươi cười hỏi tôi: Cháu đến thăm hay đến nghiên cứu ngôi nhà này rứa?. Theo lời họ kể, trước đây có rất nhiều nhà nghiên cứu trong nước lẫn ngoài nước, trong đó gần đây nhất có Hội kiến trúc sư (đoàn khảo sát) Nhật Bản đến nghiên cứu mấy tuần, suốt ngày họ miệt mài đo đo, ngắm ngắm rồi chụp hình, phân tích từng chi tiết trong ngôi nhà.
“Ngôi nhà này nổi tiếng lắm đó. Nhà báo tới chụp hình miết…” Một cô ở nhà bên cạnh với nụ cười tự hào khoe với tôi như vậy.
Ngôi nhà cổ và đẹp nhất huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Bên trong những cánh cửa Căn nhà này thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Lê Văn Sỹ, là chủ nhân đời thứ năm của ngôi nhà.
Thấy người lạ nhưng chủ nhà không ngạc nhiên lắm, có lẽ ông đoán được mục đích muốn tìm hiểu căn nhà của tôi.
Khi những cánh cửa lần lượt được mở toang. Ban đầu tôi chỉ ngạc nhiên về sự trọn vẹn của nó, sự trọn vẹn về cấu trúc, toàn bộ không gian nội thất dường như chưa bị hư hỏng gì đáng kể. Nhưng càng về sau, chính vẻ đẹp tiềm ẩn của nó đã làm tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Quả thật tôi không am hiểu lắm về kiến trúc nhưng chính nhờ những câu chuyện về ngôi nhà, về suốt bề dày lịch sử của nó, tôi mới cảm hết cái Đẹp. Cái Đẹp của tất cả cố gắng cho sự tồn tại của hiện thực nghệ thuật, một tác phẩm nghệ thuật được tạo dựng nên bởi chính những đôi tay tài hoa, sự miệt mài và bởi ý niệm về cái Đẹp của người xưa.
Được biết ngôi nhà này trên 150 năm tuổi. Mang nét chủ đạo của kiểu kiến trúc truyền thống: “Tam gian nhị hạ” tức là ba gian hai hè, trong ngôi nhà có rất nhiều cột, gồm tất thảy 64 cây cột…
Trang trọng nhất là ba gian thờ nằm liền nhau. Phía trên là những tấm khuôn bông bằng gỗ được chạm khắc rất tinh xảo, đường nét mềm mại.
Đặc biệt ba bức hoành đặt trên thanh xuyên của ba gian được sơn son thếp vàng, những nét chữ còn rất rõ nét. Hai tấm ngoài cùng đã được các nhà nghiên cứu dịch thông nghĩa, riêng bức ở gian giữa, theo lời chủ nhà thì đã có nhiều người cố công dịch nhưng tới nay vẫn chưa thể dịch thành bài hoàn chỉnh.
Chủ nhà còn tâm sự ông sẽ rất hạnh phúc nếu ai dịch được bài này, thiết nghĩ thật may mắn cho những ngôi nhà cổ nếu có một chủ nhân như ông Sỹ - một người luôn nâng niu và trân trọng những giá trị truyền thống.
Bài thơ đang chờ các nhà nghiên cứu dịch nghĩa.
Khi nhìn đế của các cây cột, bạn mới thấy hết sự cầu kỳ và tỉ mỉ của nghệ nhân trong quá trình xây nhà. Hình như xây nhà đối với họ không đơn thuần là công việc, đó còn là một chuyến dạo chơi trong vườn nghệ thuật đầy cám dỗ.
Những đế cột được làm bằng đá Non Nước, hình dáng đế cột được chăm chút theo nhiều tầng, nhìn tầng trên cùng của đế giống như hình quả bí đỏ. Theo lời chủ nhà, ngôi nhà – một tác phẩm điêu khắc chạm trổ trên gỗ – được thiết kế bởi bàn tay tài hoa của nhóm thợ Kim Bồng nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Ông Sỹ còn cho biết hầu như các ngôi nhà cổ còn sót lại ở tỉnh Quảng Nam đều mang dấu ấn của nhóm thợ lừng danh này.
Nét “độc” nhất của ngôi nhà cổ này nói riêng và những ngôi nhà cổ của tỉnh Quảng Nam nói chung đó chính là những nét hoa văn được thể hiện trên kèo. Mỗi cây kèo trong nhà đều có ngôn ngữ riêng của nó. Hình con rồng uốn lượn dọc theo thanh kèo cùng với chất liệu màu vàng nâu của gỗ mít càng tôn thêm vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên được chạm trổ phía dưới mỗi thanh kèo như: chim, cá, cành trúc, cả những hình ảnh ngộ nghĩnh như hình ảnh chú chuột đang rúc vào cành trúc…
Bên cạnh đó, những thú vui tao nhã của người xưa cũng được tái hiện: cầm - kì - thi – họa, cả hình ảnh bầu rượu tượng trưng cho tửu cũng được nhắc đến…Tất cả hiện lên thật sống động, trong khoảnh khắc nào đó, bạn cảm giác dường như mọi vật đang chuyển động trước mắt. Người xưa đã dùng nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc của mình để kể cho con cháu muôn đời sau nghe những câu chuyện thật thú vị, ý nghĩa.
Thật khó để hiểu hết những thông điệp mà các nghệ nhân xưa gửi gắm qua từng nét chạm trổ nhưng tôi cũng đã đủ lớn để trân trọng, để tự hào trước tài năng cũng như sự sáng tạo không ngừng của người xưa.
Có thể nói những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc cổ đã có một sức sống riêng, một sức sống mãnh liệt, thách thức cả thời gian để vươn tới cái Đẹp và trường tồn mãi mãi...
Ngọc Thao - DiaOcOnline.vn