Top

Mùa đông Hy Lạp ở Peloponnese

Cập nhật 07/11/2014 11:57

Bên những hàng cam đỏ dọc đường xinh đẹp, hoàng hôn vàng nhuốm màu trên những hàng cột Doric.

Acropolis hiện lên rực rỡ hoàng kim

Acropolis có ở khắp nơi trên đất nước Hy Lạp

Peloponnese là một vùng ở miền nam Hy Lạp, nơi chúng tôi với một chiếc xe ôtô Ford đã rong ruổi mùa đông năm đó. Đây là lần đầu tiên tôi lên đường khám phá và đặt trọn niềm tin cho người dẫn đường tận tâm Pierre, một anh chàng người Bỉ ham chơi nhưng cũng khá cực đoan.

Pierre là kẻ duy nhất có bằng lái cũng kiêm nhiệm vụ tài xế trong cuộc hành trình. Alex, thằng bạn thân người Mexico của tôi làm nhiệm vụ phụ lái và GPS (tìm đường bằng bản đồ vệ tinh). Còn Arnab và Saru, hai đứa bạn Ấn Độ, ngồi hai bên tôi làm nhiệm vụ gối ôm.Vậy là phi đội hoàn hảo lên đường, tôi đặt tên là GForce (Greek Force), nghe cho gay cấn.

Mỗi ngày chúng tôi đi qua từ hai đến ba thành phố nhỏ để ngắm các di tích lịch sử. Ăn trưa được thực hiện ngay trên xe với các loại khoai tây chiên, bánh mứt cam hoặc xa xỉ hơn là những bánh nướng nhân táo, nhân cheese hoặc spinach tuyệt ngon của Hy Lạp. Giữa buổi chúng tôi nhâm nhi đống chocolate mang theo.

Hệ thống đền đài của các Acropolis được xây tách biệt trên các đồi cao và có tường thành bao quanh nên nó vẫn giữ được khí chất thần thánh

Ngày lang thang ở những thành phố nhỏ, nhưng tối chúng tôi lại tạt vào những thành phố lớn. Đang là đợt đông cuối tháng Một nên gần như các thành phố khá ít khách du lịch, chúng tôi thường một mình độc chiếm cả khách sạn to đùng với giá bình dân.

Riêng ở Athens, cả đoàn thuê được một phòng trọ xinh xắn đối diện với Acropolis gồm phòng khách, bếp và phòng ngủ với ba giường tầng dành cho cả đội. Pierre với tôi luôn đóng vai trò đầu bếp: Pierre nấu pasta, tôi nấu mì châu Á cho mọi buổi tối. Cả lũ rất chan hòa, tụ tập trong phòng khách, nhai pasta, uống bia Alpha hoặc Mythos, đôi khi là một loại rượu có mùi hồi đặc trưng của Hy Lạp.

Hoàng hôn nhuốm vàng trên những hàng cột Doric

Athens đa sắc mà cổ kính

Athena là vị nữ thần trí tuệ, người con gái được sinh ra từ vầng trán của thần Zeus. Theo thần thoại Hy Lạp, Athena sinh ra sau một cơn đau đầu tột đỉnh của cha mình. Để thoát khỏi sự đau đớn, Zeus đã yêu cầu thần lửa Hephaestus bổ đầu mình ra. Khi đầu Zeus tách làm đôi, Athena xuất hiện. Athena là người đã mang cây ôliu tới vùng đất này, vì vậy dân Hy Lạp gọi thủ đô của họ theo tên nàng.

Nếu trong thần thoại Athena thể hiện sự thông thái tột đỉnh, thì trên thực tế vùng đất Athens lại là sự pha trộn đa sắc trong xã hội. Đó là những gì tôi thấy được trong những ngày lang thang ở đây. Thứ tôi thích nhất là Acropolis, trái tim Hy Lạp xưa cũ.

Acropolis trong tiếng Hy Lạp là sự kết hợp của akron nghĩa là gờ và polis là thành phố, để ám chỉ vị trí tọa lạc trên ngọn núi cao của thành phố các vị thần này. Chính vì hệ thống các đền đài củaAcropolis được xây tách hoàn toàn khỏi thế giới con người, lại còn có tường thành bao quanh, nên đến tận bây giờ nó vẫn còn giữ được khí chất thần thánh.Mặc dù có khá nhiều Acropolis ở khắp nơi trong Hy Lạp nhưng cứ nói tới Acropolis là người ta nghĩ ngay tới vùng đất này ở Athens, giống như nghe tới nhà thờ Đức Bà, họ mặc định nó ở Paris.

Bảo tàng quốc gia là nơi lưu giữ nhiều chứng tích Hy Lạp cổ

Acropolis rộng lớn với vô số tàn tích lịch sử mà nổi bất nhất là Parthenon, đền thờ nữ thần Athena. Sự đơn giản, cổ điển của công trình này thể hiện rõ nét ở những hàng cột Doric cao lớn từ đá hoa cương trắng. Người Hy Lạp xưa khi xây dựng hay sử dụng ba loại cột chính là Doric với những khứa dọc thân, Ionic phức tạp hơn chút với đầu cột có dạng như cuộn giấy và cầu kì nhất là Corinthian với các họa tiết hoa lá.

Ở Parthenon, chỉ có Doric giản dị, nhưng vẫn tỏ rõ được nét quyền uy, sang trọng, và thành kính với vị nữ thần bảo hộ.

Xưa kia đền được trang trí bởi những phù điêu tinh xảo về sự ra đời của Athena hay trận đánh giữa nàng và ông chú xấu tính Poseidon. Tuy nhiên, những gì tinh tuý nhất đã không còn, một phần lưu lạc tới xứ sương mù (nước Anh), một phần thì đang nằm ngủ trong viện bảo tàng quốc gia. Trải qua nhiều thời kì từ Hy Lạp, sang La Mã, Byzatine hay Ottoman, biến đổi từ đền thờ, thành quốc khố, nhà thờ thiên chúa, rồi đền thờ hồi giáo, bây giờ Parthenon chỉ còn sự hoang tàn trong mình.

Đài phun nước Roman ở Korinthos

Tháng Một, trời Athens lạnh mà vẫn nắng.Từ trên cao nhìn xuống, Athens chia làm nhiều lớp. Cao nhất là Acropolis, kế tiếp là những tường thành đá màu trắng ngả vàng, những hàng cây thông xanh mướt, rồi đến tàn tích của nhà hát Dionyus, lại tới những hàng cây thông, dưới đó cả thành phố chen chúc nhộn nhịp.

Mà thực ra chưa cần xuống thấp như thế, chỉ đi bộ quanh Acropolis, chúng tôi lạc ngay vào một con đường đầy những quán hàng, mà phải gọi là mẹt hàng mới đúng. Ở đó la liệt những đồ lưu niệm, đồ cổ, tem, sách truyện, phải nói là tất tần tật mọi thứ đều được phơi bày bên lề đường. Cả một Athens cổ xưa đang được mang lên rạp hàng hiện đại để đưa tới gần du khách hơn. Ở đây chúng tôi dễ dàng kì kèo bớt một thêm hai, cũng có giá thách trên trời và giá bán không chạm tới đất.

Ở Hy Lạp, dường như mọi thứ đều được bày ra lề đường

Ở Athens, những con hẻm nhỏ chằng chịt dây cáp và phủ kín bởi những dãy quần áo màu sắc. Cuộc sống muôn màu bởi con người đổ về từ tứ xứ, không hiểu phải gọi đó là sự giao lưu văn hoá hay gọi là sự đánh mất bản sắc. Dân Hy Lạp hiền lành và dễ mến ngồi trong những quán bia nhâm nhi hoặc ngủ khì một cách lười nhác. Dân Hy Lạp không đẹp như tranh vẽ, như truyện kể, họ đơn giản và mộc mạc đến bất ngờ, nhưng mang những nụ cười rất dễ thương, thân thiện.

Dân châu Phi thì có vẻ láu cá. Họ bán những túi xách nhái hàng hiệu trái phép. Cứ khoảng năm phút công an lại xuất hiện, cứ năm phút màn rượt đuổi lại xảy ra. Công an cứ đuổi, da đen cứ chạy, công an về nghỉ, da đen lại bán. Cuộc chạy đua sinh tồn diễn ra như những vở kịch. Chúng tôi bảo nhau: “Ở Hy Lạp, mảnh đất Olympic nên ai cũng là vận động viên”. Đến cả đèn xanh cho người đi bộ cũng chỉ vài giây, khiến chúng tôi lần nào cũng cuống cuồng chạy và chạy.

Món bánh rau chân vịt đặc trưng của Hy Lạp

Những cư dân còn lại ở Athens là dân châu Á với các sản phẩm mang đậm văn hoá Ấn Độ. Hình ảnh vị thần voi cũng như thần Shiva đang nhảy múa xuất hiện khắp nơi ở Athens. Thậm chí Arnab và Saru phải thốt lên rằng: “Tôi có cảm giác như ở nhà vậy” và không chỉ họ, ngay cả tôi giật mình như về với Hà Nội.

Bên những hàng cam dọc đường xinh đẹp, hay trong buổi hoàng hôn khi nắng về đâu trên hàng cột Doric. Acropolis hiện lên rực rỡ hoàng kim khiến du khách nhìn từ bên dưới thành phố không khỏi ngỡ ngàng, sửng sốt. Là cảm giác khi thấy một thứ gì quá đẹp tới rùng mình như khi tôi ở trong bảo tàng quốc gia, khi được ngắm 12 chiến công của Hercule, khi nhìn những ánh mặt hiếu chiến của các Amazons hay sự ác độc của những nhân mã. Những cảm giác mà chỉ Hy lạp ngàn năm mới đem lại.

Những đền đài bỏ hoang

Chúng tôi bỏ lại Athens sầm uất vào một ngày lạnh cắt da. Thời tiết dường như thay đổi theo giờ, khi mà mới sáng sớm nắng còn về trên Acropolis, gió thổi bay cả trí tưởng tượng của tôi, đến trưa mưa sầm sập gõ cửa. Ngày hôm sau tôi đã run cầm cập trong vài tầng áo khoác khi đón nhận từng đợt tuyết nhẹ cuối đông ở Mystras, nhưng rồi bỗng giật mình khi thấy mình đang quấn sóc, áo pull vui đùa trên bờ biển Aegean trong một chiều nắng nhẹ.

Epidavros, nhà hát cổ lớn nhất của Hy Lạp với 55 hàng ghế

Tôi đã ngắm tuyết phủ đỉnh Taygetos, thấy gió xuân thổi nhẹ bờ lau, tôi thấy hoa vàng Myceane, rồi nhìn đàn cá bơi lội dưới làn nước trong vắt trên con thuyền nhỏ tới Poros. Tôi đã nhìn, đã thấy và đã nghe cả tâm hồn Hy Lạp qua tiếng Bouzouki reo rắt vang lên trên ôtô nhỏ của chúng tôi. Hy Lạp quả là thần thánh.

Tiếng Bouzouki rất ảm ánh, nó đi vào cả giấc mơ tôi khi tôi ngủ vùi trên bờ vai hai người bạn trong suốt hành trình. Nhưng có đôi lần mở mắt ra tôi thấy những điều kì diệu. Tôi thấy ôtô lao đi giữa màn mưa tháng giêng, xẻ dọc những vườn cam đỏ rực như ngày xưa Mose chia đôi biển tìm con đường tới vùng đất hứa.

Kế sau những con “đường cam rực rỡ” là những “đường bông tuyết” bởi những lau sậy trắng tinh rồi những con đường ngoằn ngoèo dọc theo triền núi. Một bên núi đứng sừng sững, một bên biển gọi bao la.Tôi không nghĩ có bao giờ mình có thể quên được những khoảnh khắc sống động như thế.

Hãy thư giãn và thưởng thức những món ăn đặc sản Hy Lạp

Ôtô cứ lao đi như chỉ mình chúng tôi làm chủ cả đất trời này. Những  xúc cảm dấy lên trong tôi, khi thì nghẹn lời trước những điều kì vĩ, khi thì hứng khởi hồi hộp khi ôtô lao lên đỉnh núi, khi sợ sệt lúc ôtô quá đà lao ầm ầm vào bức vách trước mặt và quả thật chúng tôi chỉ dừng lại trước nó 30cm.

Tôi vẫn thường nói Pierre là kẻ lái xe thiên tài khi cho tôi đi Disney Land miễn phí thế này, nhưng cũng là kẻ ngông cực độ khi không hề phác thảo trước kế hoạch cho mỗi chuyến đi. Chúng tôi chỉ cứ đi, dọc theo những con đường zig-zag mà không hề biết nó sẽ tới đâu. Không nhà trọ đặt trước, chúng tôi dừng chân ở bất kì nơi nào có hứng thú. Ngẫu hứng một cách rất Hy Lạp.

Có khi chỉ là Epidavros bé nhỏ bởi Pierre muốn chiêm ngưỡng nhà hát cổ lớn nhất của Hy lạp. Nhà hát có dạng tròn, ở chính giữa là sân khấu, bao xung quanh là hàng ghế bậc thang dành cho khán giả, nghe Pierre nói khi xưa nhà hát có thể chứa tới hàng chục nghìn người. Hàng ghế này được làm bằng đá hoàn toàn, và được chia thành hai mức rõ rệt, bởi ban đầu chỉ có khoảng 34 hàng nhưng sau này đã được mở rộng thêm 21 hàng nữa.

Cuộc sống bình dị ở Athens hiện lên trên từng con phố nhỏ

Đặc biệt với thiết kế hoàn hảo, ở đây người biểu diễn chỉ cần đứng ở bục chính giữa sân khấu, không cần sử dụng micro hay amplifier mà âm thanh vẫn có thể bao trùm toàn bộ nhà hát. Lũ chúng tôi đã tranh nhau thử làm diễn giả, còn bạn bè thì chạy lên hàng ghế cao nhất để nghe. Ngày nay, hàng năm vẫn có những buổi biểu diễn tại nhà hát này, nhưng tôi không tưởng tượng được họ sẽ soát vé thế nào khi mà cửa ra vào đã bị tàn phá.

Hay có thể đó là Korinthos, thành phố cổ mang tên hậu duệ của Heliot. Với thế tựa lưng vào núi, tôi khá sững sờ khi biết con đường chính ở thành cổ từng nối ra bến cảng sầm uất trên Aegean xanh ngọc. Sống tới hàng nghìn năm tuổi, Korinthos thu vào mình tinh hoa của các đế chế lụi tàn, trong đó dấu ấn rõ nét nhất còn lại là của thời kì Roman. Từ các hiện vật còn lại trong bảo tàng cho tới các con đường hay tàn tích phòng họp (forum), dấu tích Roman hiện lên trên các bức tranh tường hay những mosaic.

Ngay trung tâm thành cổ, nơi từng có những con suối chảy qua, ba đài phun nước to lớn hiện lên để khơi nguồn cảm xúc cho con người. Đài phun nước Roman mang đến xúc cảm thơ ca, thể hiện sự to lớn hoành tráng nhất. Hàng nghìn năm trước, những thi sĩ mặc áo tonga đang vươn tay hứng từng giọt thơ từ đài phun nước mong kiếm tìm mạch nguồn cảm xúc cho những áng văn bất hủ.

Đường đi dọc theo miền Nam Hy Lạp mở ra cả thế giới cổ xưa. Những đền đài tưởng chừng bỏ hoang không hề hoang phế, mang vẻ đẹp mặn mà quá khứ - thứ mà dường như Athens đã đánh rơi ngoài Aegean.


DiaOcOnline.vn - Theo Autocar Vietnam

Thú vị triển lãm điêu khắc ngoài trời tại Bondi Beach

Cập nhật: 06/11/2014 20:34

Điêu khắc trên Bãi biển là một triển lãm điêu khắc hàng năm lớn nhất tại Úc, được tổ chức trên bãi biển ở Sydney và Perth. Triển lãm này được tổ chức ...

Ghé thăm ngôi làng chênh vênh trên vách đá

Cập nhật: 06/11/2014 09:02

Nằm cheo leo trên vách đá bazan ven sông, Castellfollit de la Roca là một trong những ngôi làng đẹp nhất trong khu tự trị Catalonia thuộc Tây Ban Nha.

Vùng núi phía Bắc đẹp ngất ngây suốt bốn mùa

Cập nhật: 05/11/2014 13:46

Dù là xuân, hạ hay thu, đông, vẻ đẹp thiên nhiên ở các tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta cũng đều khiến bạn, và đặc biệt là các nhiếp ảnh gia "động ...

Lễ hội treo hoa ở Cordoba

Cập nhật: 04/11/2014 13:30

Cứ mỗi mùa xuân, vào đầu tháng 5, thành phố Cordoba ở miền nam Tây Ban Nha nổi bật trong sắc hoa nở rộ với những lễ hội đặc biệt khi thành phố bắt ...

Salzburg, đời cũng như phim

Cập nhật: 03/11/2014 13:34

Đến thành phố Salzburg thuộc phía tây nước Áo, nhiều người phải thốt lên: “phim thật giống như đời!”.