Top

Lời của dòng sông

Cập nhật 06/05/2008 16:29

Khi viết về quy hoạch kiến trúc Sài Gòn, tôi chỉ biết bấu víu vào các dòng sông.

Bên bờ Thủ Thiêm

Đô thị giống như nước. Là một dòng chảy mạnh, Sài Gòn không ngưng đọng như Hà Nội, chẳng lững lờ như Huế. Nhiều năm qua, mỗi lần vào Sài Gòn tôi vẫn thích ngồi một mình bên bờ Thủ Thiêm để ngắm nhìn thành phố. Sớm mai, cái nắng mỏng, lãng mạn thoáng qua rất nhanh. Trưa. Chiều. Nắng ngược, nóng sục hắt vào thành phố một gương mặt cần lao, đen đúa. Sẩm tối. Triều dâng. Dòng sông như mênh mang hơn. Những ngọn dừa nước quẫy rối rít trong gió. Đèn phố và hoàng hôn đuổi nhau xôn xao trên sóng nước. Mùi bùn cũng trở nên thanh nhẹ.


Lần đi này, tôi ghé Thủ Thiêm sau khi dự cuộc họp báo cáo kết quả cuộc thi ý tưởng thiết kế đô thị khu vực trung tâm. Quá nhiều ồn ào của quá nhiều dự án quy hoạch xây dựng từ mấy chục năm qua đang rần rần trở thành hiện thực ngổn ngang trên công trường. Chung quanh tôi chỉ thuần gương mặt, giọng nói Sài Gòn. Một mẹ già ngồi lặng lẽ đốt thuốc lá, khói thuốc cũng bình thản như người. Xa hơn có một chiếu nhậu. Những trái cóc, khế chua bé bỏng không làm nên những cuộc nhậu ồn ào như bên kia sông nhưng đủ sức gìn giữ một nhịp sống vâm váp, say sưa cho bọn đàn ông. Chẳng bao lâu nữa những hình ảnh này sẽ chìm vào dĩ vãng.


Nhiều ngôi nhà đơn sơ, tuềnh toàng đang được dở bỏ để nhường chỗ cho đô thị mới phôi thai. Nhiều gia đình sẽ được về định cư ở một chung cư nào đó. Tôi hỏi người mẹ già hút thuốc cũng như những người đàn ông đang say sưa bên chiếu nhậu: có ai thích về sống ở chung cư? Câu trả lời là: không! Nếu được lựa chọn, họ sẽ tiếp tục bám lấy một khúc sông nào đó để sống như cách tồn tại bao đời của cha ông. Những ước nguyện giản đơn của họ như dẫn tôi đi ngược thời gian.


“Làm lợi mà không tranh”

Phải hàng triệu năm, các dòng chảy đã góp phần bồi đắp nên hai vùng phù sa cổ và phù sa mới mà Sài Gòn đang nằm trên đó. Các dòng sông cũng định vị Sài Gòn trở thành điểm chuyển tiếp giữa hai khu vực địa chất, nơi tiếp nối giữa hai khu vực địa chất, nơi tiếp nối giữa Đông và Tây Nam Bộ. Hơn 300 năm qua, dù Gia Định thành, Quy thành, Phụng thành hay Hòn ngọc Viễn Đông thì hình ảnh Sài Gòn vẫn là một thành phố của sông nước, kênh rạch. Từ trạm thu thuế của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1632), nơi định cư mới của người Minh Hương (1698) tới kinh đô của Nguyễn Ánh (1790) hay trở thành một hình bóng một Paris ở phương Đông (1914) thì Sài Gòn vẫn bám lấy sông nước mà gây dựng cơ nghiệp. Những tín hiệu của nền văn hóa sông nước còn khúc xạ lại đầy đủ nơi tên gọi Bến Đò, Cù lao Rùa, Bến Nghé, Cù lao Phố. Chùa Miếu Nổi…

Lịch sử Sài Gòn cũng sẽ xác đáng hơn khi gắn liền với những lần mở kênh, khơi thông các dòng chảy. Năm 1772, Đốc chiến Nguyễn Cửu Đàm đã khởi công đào kênh Ruột Ngựa từ bến Rạch Cát đến rạch Lò Gốm nối kênh Tàu Hũ với Chợ Lớn. Năm 1778, những người Hoa di cư từ Cù lao Phố về Chợ Lớn đã đào kênh Phố Xếp (nay là đường Châu Văn Liêm). Năm 1819, Phó tổng trấn Gia Định cho đào kênh An Thông nối kênh Tàu Hũ với sông Rạch Cát.

Năm 1875, người Pháp cho đào kênh Vành Đai nối rạch Thị Nghè với rạch Hoa Kiều…Mỗi lần đào thêm một con kênh, gương mặt Sài Gòn, quy hoạch thành phố lại được mở ra những định dạng phát triển mới đầy sức sống. Cũng từ đó nhiều người Sài Gòn luôn nhìn các dòng kênh để nhận biết vận mệnh của thành phố hưng thịnh hay suy vi. Người thành phố đo chất lượng sống bởi mức độ thanh sạch của nước. Màu và mùi của nước cũng chính là thái độ ứng xử của con người với môi trường, thiên nhiên…

Sài Gòn hôm nay đã phình ra quá lớn, diện mạo thành phố thay đổi đến chóng mặt. Hiện thực ấy dường như chẳng có gì cưỡng nổi, đang bị cuốn theo gia tốc những dòng chảy khôn lường của bao mưu cầu, quyền lợi, tham vọng…Cho dù mọi điều có thể đổi thay nhưng các dòng sông Sài Gòn thì vẫn lặng lẽ, nhẫn nhịn đến xao lòng. Sông nước âm thầm, mách bảo người Sài Gòn đừng quên quy luật nước chảy chỗ trũng. Nó mượn lời của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh mà nhắn nhủ rằng “Thượng thiện là nước. Nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh”.


“Làm lợi mà không tranh” – thoạt đầu tưởng là nghịch địa nhưng ngẫm cho kỹ lại thấy thuận thiên. Có “Làm lợi mà không tranh” thì quy hoạch phát triển Sài Gòn mới tiến tới hòa giải với thiên nhiên. Điều đó mới bảo đảm cho Sài Gòn có được một khu vực trung tâm với phối cảnh hài hòa giữa bờ Đông và bờ Tây. “Làm lợi mà không tranh” mới thúc đẩy Sài Gòn sẽ thực sự là đô thị nhân văn. Khi đó quyền lực của nhà quản lý mới tạo nên sự hài hòa giữa lợi ích của những người đang lướt trên đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nam Kì Khởi Nghĩa cùng chiếc xe hơi hàng chục tỷ đồng với nhu cầu kiếm đủ sáu ngàn đồng mua ba bao thuốc lá của một mẹ già bên bờ Thủ Thiêm…

“Làm lợi mà không tranh” có phải là “chìa khóa” cho mọi bản quy hoạch của một Sài Gòn phát triển bền vững?




Theo Kiến Trúc Nhà Đẹp

Sông Hương - Nhan sắc ngày mưa

Cập nhật: 29/04/2008 08:53

Gần 8 giờ sáng, Huế vẻ như vẫn còn ngái ngủ. Đợt gió lạnh chưa từng thấy kéo dài gần hai tháng nay làm cho nhiều người Huế thích chui trong chăn ấm ...

Nắng, gió và bài ca của đá

Cập nhật: 26/04/2008 09:59

Xe đưa chúng tôi đến Vườn Đá khi đã về chiều, nghe chung quanh như sôi động hẳn lên bởi những đợt sóng nối tiếp nhau ầm ào. Nước vây bọc chung ...

Québec cổ kính trong lòng tôi

Cập nhật: 01/05/2008 16:04

Tháng 5, mùa xuân đang từng bước trở về khoác màu xanh non trên toàn Bắc Mỹ. Từ Montreal đến Québec, quãng đường dài 300km vun vút như bay lên...

Togo - bức tranh thu nhỏ của Châu Phi

Cập nhật: 24/04/2008 09:03

Nằm giữa Benin và Ghana, được bao quanh bởi Burkina Faso ở phía bắc, quốc gia bé nhỏ Togo là một nơi kỳ thú, một điểm đến rộng lớn phía Nam...

Ai Cập - Món quà của các vị thần (Phần 2)

Cập nhật: 22/04/2008 08:34

Thật không uổng công khi chúng tôi phải vượt chặng đường hơn 220km (từ Cairo) để đến được Alexandria, thành phố này sạch, xanh và được sắp xếp tốt ...