Dọc theo sông Hồng về phía Tây, cách thủ đô Hà Nội chừng 50 km có một ngôi làng cổ của người Việt - Đường Lâm. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng nét văn hóa truyền thống, kết tinh của nền văn minh vùng châu thổ sông Hồng từ hàng ngàn năm trước, tận hưởng bức tranh cuộc sống yên bình qua những cảnh vật hiếm có ở mảnh đất Hà thành.
Cổng làng Đường Lâm
|
Đây là ngôi làng duy nhất còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt của một làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc bộ. Nơi đây còn lưu giữ những di tích lịch sử văn hóa có giá trị trải qua hàng nghìn năm: Đền Phùng Hưng, đền Ngô Quyền tới đền thờ bà chúa Mía, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh... Bên cạnh đó là những ngôi nhà cổ với đường nét kiến trúc từ thế kỷ XVII - XVIII cùng phong tục tập quán tín ngưỡng, lễ hội được gìn giữ bất biến qua nhiều đời. Đến với làng cổ Đường Lâm, du khách sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam như cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình… cùng với những ngôi nhà cổ.
Những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam tại Đường Lâm
|
Trọng tâm của quần thể di tích làng cổ ở Đường Lâm là thôn Mông Phụ, nơi có cổng làng cổ xưa nhất. Cổng làng được xây dựng từ năm 1833, phía trên tựa dòng chữ “Thế hữu hưng ngơi đại”, tạm dịch là thời nào cũng có người tài. Điểm đặc biệt của cổng làng là nó không có gác ở trên mái và những vòm cuốn tò vò mà chỉ là một ngôi nhà hai mái đốc nằm ngay trên đường vào làng. Bước chân qua cổng làng, bạn sẽ có cảm giác như được trở về với làng quê êm ả, bình yên, trở về với những câu hát, lời ru của bà, của mẹ.
Các bạn trẻ rất thích thú được chụp hình tại Đường Lâm
|
Từ cổng bên ngoài làng đi sâu vào trong những con đường lát gạch còn nguyên vẹn của thời xưa, bạn sẽ cảm nhận được từng hơi thở đậm chất làng quê xưa, cảm nhận được sự bình yên ấm cúng trong những con đường ngõ hẻm. Nơi đây có bức tường đá ong màu nâu sậm, màu vàng thóc đang phơi, có mùi thơm lúa mới của ngày mùa tháng 5, có nắng vàng trải rộng…
Thưởng thức món kẹo lạc chè lam nổi tiếng
|
Vào làng, du khách như cảm giác bước vào thế giiới khác. Dừng chân tại một quán nước chè ngay sân đình làng, nhấp ngụm nước chè hay nước vối, ăn chiếc, kẹo dồi kẹo lạc đúng chất thôn dã. Người dân làng Đường Lâm thân thiện và mến khách, du khách sẽ được hướng dẫn nhiệt tình và cụ thể nơi bạn cần tham quan, trải nghiệm.
Đình Mông Phụ được xây dựng năm 1684
|
Đình Mông Phụ là công trình bề thế ở khu đất cao giữa làng. Đình Mông Phụ được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông), có nét đặc trưng của đình Việt. Đình Mông Phụ mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Việt Mường (của người Việt cổ), đình có sàn gỗ cách mặt đất, mô phỏng kiểu kiến trúc của nhà sàn.
Rất nhiều đình, đền, chùa với kiến trúc độc đáo
|
Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình hai râu rồng. Bên trong đình còn có nhiều cổ vật quý được nhiều thế hệ gìn giữ. Làng Đường Lâm còn nổi tiếng bởi những ngôi đền thờ, các lăng, miếu thờ các vị đại vương. Người dân Đường Lâm tự hào là người dân vùng đất hai vua là vua Ngô Quyền và Phùng Hưng.
Cổng nhà cổ nhuốm màu thời gian
|
Đường Lâm hiện còn có 956 ngôi nhà cổ
|
Nét nổi bật ở Đường Lâm là những ngôi nhà cổ. Trong làng hiện có tới 956 ngôi nhà cổ, tập trung nhiều nhất ở các thôn Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Nhiều ngôi nhà được xác định xây dựng từ các năm 1649, 1703, 1850... Những ngôi nhà có cổng, tường rào quanh nhà xây bằng đá ong theo lối xưa bằng đất đá, bã trấu, bùn để tạo chất kết dính. Nhà cổ chủ yếu dựng bằng gỗ mít và gỗ lim với những nét chạm trổ tinh xảo. Những ngôi nhà cổ được làm hoàn toàn từ gỗ trên nền đất đá ong. Nhà thường có 5 gian, hai chái. Gian giữa để thờ có bàn thờ, trang trí cửa võng, có bàn ghế, sập gụ, các nét chạm trổ vẫn được giữ nguyên với các tích phong cảnh thể hiện nền nếp của các cụ ngày xưa. Ngoài sân vườn vẫn có cái giếng đá ong cổ.
Nghề làm tương truyền thống tại Đường Lâm
Du khách cảm thấy thư thái bình yên ở từng con ngõ nhỏ lát gạch đơn sơ, những bức tường đá ong lỗ chỗ nâu óng, ngững ngôi nhà cổ nhuốm màu thờ gian. Phong cảnh làng cổ Đường Lâm toát lên vẻ đẹp thuần khiết của một làng nông thôn Bắc bộ điển hình.
DiaOcOnline.vn - Theo Công Thương