Top

Vốn DN đăng ký đổ vào BĐS tăng: Chưa thể mừng vội!

Cập nhật 29/08/2017 15:22

Với sự phục hồi và ổn định của thị trường bất động sản (BĐS) trong nước, số lượng doanh nghiệp thành lập và đăng ký vốn vào lĩnh vực này tăng cao trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể không tăng trong 8 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại vốn đang đổ vào BĐS sẽ dẫn đến những rủi ro không lường cho nền kinh tế.

Theo số liệu tổng hợp của Cục quản lý Đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, so với tháng trước, số doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 8 là 12.404 doanh nghiệp (tăng 6,2%), với số vốn đăng ký là 131.378 tỷ đồng (tăng 39,0%). Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 8 đạt 10,6 tỷ đồng (tăng 30,8%).

Vốn nội tăng cao

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 85.357 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 822.116 tỷ đồng, tăng 16,3% về số doanh nghiệp và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, riêng lĩnh vực kinh doanh BĐS, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 3.156 doanh nghiệp (tăng 65,8%), số vốn đăng ký 217.139 tỷ đồng (tăng 62,8%).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2017 là 19.154 doanh nghiệp, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2016. Doanh nghiệp ở lĩnh vực bất động sản có mức tăng 9% với 322 doanh nghiệp. Đây là mức tăng khá cao so với mặt bằng chung của các ngành khác.

Đối với thu hút vốn đầu tư nước ngoài, 8 tháng đầu năm 2017, hoạt động kinh doanh BĐS đứng ở vị trí thứ 5, thu hút khoảng 0,7 tỷ USD (tăng 16% so với cùng kỳ), trong đó có 39 dự án với 0,5 tỷ USD đăng ký cấp mới.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, nhìn vào những con số trên cho thấy số lượng doanh nghiệp BĐS được thành lập không nhiều so với các lĩnh vực khác, nhưng số vốn lại cao nhất. Điều đó cho thấy, BĐS luôn là lĩnh vực thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và đổ nhiều vốn vào nhất.

Số doanh nghiệp thành lập và đăng ký vốn kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản tăng cao

Nhìn tổng thể, một số chuyên gia cho rằng số liệu về lượng doanh nghiệp BĐS thành lập, giải thể trong thời gian qua đóng góp rất tốt cho các báo cáo của Chính phủ và đặc biệt là đóng góp vào mục tiêu của Chính phủ đạt được 2 triệu doanh nghiệp được thành lập vào năm 2020.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chuyên gia kinh tế nhìn nhận những con số này không có lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước. Bởi tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp được thành lập 8 tháng qua với số vốn gần 69 tỷ đồng/doanh nghiệp. Trong khi đó doanh nghiệp tạo ra giá trị bền vững cho nền kinh tế như lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tỷ trọng vốn bình quân mới chỉ có 9 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Nguy cơ rủi ro

Trước đó, các chuyên gia đã dự báo trong năm 2017 các gói tín dụng đổ vào BĐS có thể tăng 10%, nâng dư nợ vào lĩnh vực này có thể lên đến 300.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho hay, tính đến nay dư nợ tín dụng BĐS là 14% vì cộng cả phần dư nợ tiêu dùng.

Các chuyên gia của công ty Savills đánh giá, do chủ trương của Chính sách phát triển du lịch là mũi nhọn cho nền kinh tế, nên tại nhiều tỉnh thành kéo dài từ Bắc vào Nam, khu nghỉ dưỡng mọc lên nhiều đã tạo đà cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng lên ngôi.

Mới đây, Chính phủ vừa quyết định đưa gói hỗ trợ 2.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ quay trở lại hoạt động và dự báo từ nay tới cuối năm các doanh nghiệp BĐS vẫn tiếp tục “ăn nên làm ra”.

Với chính sách lãi suất huy động USD bằng 0% mà Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng sẽ hút dòng vốn nhàn rỗi từ người dân, từ Việt kiều vào BĐS. Các chuyên gia đã cảnh báo rất nhiều về nguy cơ tiềm ẩn những rủi ro không lường khi xuất hiện làn sóng rút tiền USD ở các ngân hàng để đầu tư vào bất động sản. Thêm nữa, nhiều nhà đầu tư nước ngoài do vướng luật nên đã chuyển sang hình thức mua bán sáp nhập (M&A) và xu hướng này diễn ra rất mạnh mẽ từ đầu năm đến nay với hàng loạt các ông lớn của Trung Quốc và Nhật Bản đang thâu tóm những dự án lớn.

Đặc biệt mới đây Bộ kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ dự thảo về phát triển đặc khu hành chính – kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng, khả năng từ nay tới cuối năm các doanh nghiệp BĐS tiếp tục được thành lập để đón đầu làn sóng này.

Như vậy, hàng loạt các nguyên nhân dẫn đến dòng vốn của Nhà nước, dòng vốn ngoại và của người dân tiếp tục đổ vào BĐS, trong khi đó, nguồn cung phân khúc nhà ở cao cấp, condotel, chung cư thương mại… đang có dấu hiệu dư thừa, đã tạo nên một bức tranh BĐS đang “loang lổ”. Bài học từ những năm 2008-2014 thị trường BĐS rơi vào khủng hoảng thừa, nợ xấu tràn lan đến nay chưa giải quyết hết vẫn còn nguyên vẹn. Lời khuyên của chuyên gia cho thấy, chưa thể mừng vội khi lĩnh vực BĐS nóng như hiện nay.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời Báo Kinh doanh