Top

Ngành thép vẫn đối mặt thách thức

Cập nhật 07/01/2015 15:32

2014 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ tích cực từ cơ chế, chính sách, ngành thép đã tăng trưởng khá với mức tăng khoảng 12%.


Còn lắm gian nan

Theo ông Phạm Chí Cường- nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA): Mức tăng trưởng 12% của ngành thép trong năm 2014 có đóng góp của tất cả các sản phẩm thép, trong đó phải kể đến sản phẩm thép cán nguội, thép xây dựng, thép ống, tôn... Đặc biệt, sản phẩm tôn đã đóng góp lớn, với mức tăng trưởng gần 40% so với năm 2013. Sản phẩm thép xây dựng đóng vai trò chủ đạo nhất trong tất cả các sản phẩm thép lại có mức tiêu thụ thấp nhất, với gần 6 triệu tấn/năm 2014. Tuy nhiên, so với năm 2013, sản phẩm thép xây dựng vẫn tăng trưởng khoảng 8%.

Mặc dù năm 2014 ngành thép đã có những tăng trưởng vượt bậc so với năm 2013, nhưng so với tổng công suất lắp đặt hiện nay trên 10 triệu tấn thì sức tiêu thụ của ngành thép mới đạt trên 50% công suất thiết kế. Giá bán thép xây dựng đến nay đã giảm sâu, còn khoảng 12 triệu đồng/tấn. Nếu so với 6 tháng đầu năm 2014 thì giá bán thép đã giảm khoảng 200 ngàn đồng/tấn, trong khi đó, giá đầu vào cho hai sản phẩm chủ lực của sản xuất thép là than, điện lại không hề giảm.

Chính vì vậy, dự báo trong năm 2015, ngành thép vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những khó khăn đang hiện hữu, việc Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì sự bảo hộ thép bằng thuế quan sẽ giảm, sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Nga vào Việt Nam sẽ gia tăng. Đặc biệt, xuất khẩu thép của Việt Nam ra nước ngoài ngày càng phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá của các nước nhập khẩu.

Bản thân các DN sản xuất trong nước cần nghiên cứu đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa, cũng như đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá bán cạnh tranh. Đó là biện pháp cao nhất giúp DN sản xuất phát triển ổn định.
 

Điều chỉnh lại quy hoạch phát triển ngành

Trước thách thức trên, ông Phạm Chí Cường cho rằng, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa tới ngành công nghiệp thép Việt Nam bằng cách đưa ra một số biện pháp cụ thể như: Điều chỉnh lại quy hoạch phát triển ngành một cách tập trung; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép mà thị trường trong nước còn thiếu, cũng như nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

“Đặc biệt, nghiên cứu các chính sách, rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại áp dụng cho nhập khẩu, cũng như phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, giám sát thép chất lượng kém bán với giá rẻ, nhằm bảo đảm thị trường trong nước có sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các DN, đồng thời ứng phó kịp thời với những thách thức trong tiến trình hội nhập sâu rộng”- ông Cường nhấn mạnh.

Trước những vụ kiện chống bán phá giá vô lý mà các nước đưa ra khiến thép Việt Nam không xuất khẩu được, nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ tích cực, giúp các DN sản xuất thép chiến thắng trong các vụ kiện.

Theo ông Đỗ Duy Thái- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thép Việt, Phó Chủ tịch VSA, để ngành thép trong nước phát triển ổn định thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ trong việc mở cửa cho các DN có vốn tư nhân đấu thầu cạnh tranh các công trình có vốn nhà nước. Nếu làm tốt việc này thì các DN thép trong nước sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tiêu thụ sản phẩm.


DiaOcOnline.vn - Theo Công thương