Top

Ngăn chặn vi phạm xây dựng từ đầu

Cập nhật 24/09/2013 09:43

Tại buổi làm việc với các sở-ngành, quận-huyện về quy chế phối hợp giữa thanh tra xây dựng (TTXD) và chính quyền địa phương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP ngày 23-9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đặt thẳng vấn đề: “Khâu yếu nhất trong quản lý xây dựng hiện nay là khâu phát hiện từ cơ sở. Nhiều căn nhà xây dựng không phép cả năm trời mới phát hiện ra, thậm chí nhiều căn nhà 2-3 tầng xây dựng không phép và có người vào ở mà chính quyền cũng không biết. Cần phải mổ xẻ lý do tại sao địa phương không phát hiện ra hay là có biết nhưng làm ngơ?”.

 Công khai giấy phép xây dựng

Báo cáo với UBND TP về dự thảo quy chế phối hợp này, ông Lý Thanh Long, Chánh TTXD Sở Xây dựng TP, cho biết, nhằm đảm bảo tính kịp thời trong việc ngăn chặn, xử lý công trình vi phạm, dự thảo có thêm một chương quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các sở-ngành, cơ quan công an và các cơ quan cung cấp điện nước trong việc không giải quyết cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không giải quyết giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận nhà đất; không giải quyết đăng ký tạm trú, thường trú cho các cá nhân, gia đình vi phạm xây dựng và bị buộc tháo dỡ toàn bộ công trình hoặc chưa chấm dứt hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, các luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về mối quan hệ này nên xin ý kiến của UBND TP. Ngoài ra, dự thảo quy chế cũng quy định cụ thể: trách nhiệm phát hiện công trình không phép thuộc UBND phường-xã; TTXD chịu trách nhiệm phát hiện và xử lý công trình xây dựng sai phép; UBND cấp quận-huyện, phường xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm của Chủ tịch UBND TP và Chánh TTXD.


Cưỡng chế nhà xây dựng không phép tại huyện Bình Chánh.

Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho rằng có 2 điểm mấu chốt mà quy chế phối hợp cần phải giải quyết là làm sao phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu và khi xảy ra vi phạm, phải xử lý ngay. Sau khi nghe báo cáo và góp ý, đồng chí Nguyễn Hữu Tín phát biểu: “Ai cũng thấy rằng cần phát hiện kịp thời nhưng tại sao thời gian qua không phát hiện ra? Ngoài việc phát hiện chậm, xử lý công trình vi phạm cũng chậm. Việc này có nguyên nhân từ quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, thiếu quy chế phối hợp và thay đổi mô hình TTXD, tuy nhiên cũng có việc do địa phương buông lỏng quản lý”.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín chất vấn: “Những vi phạm xây dựng trên địa bàn quận 1 mà phường không phát hiện kịp thời thì có xử lý chủ tịch UBND phường hay chưa?”. Trả lời việc này, ông Lưu Trung Hòa thừa nhận: Những vi phạm xây dựng do chủ quan của chủ đầu tư thì quận chủ yếu hỗ trợ, giúp đỡ phường xử lý vi phạm chứ chưa xử lý kỷ luật. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho rằng, quản lý xây dựng còn yếu là do chưa quy định trách nhiệm rõ ràng và chưa có quy chế xử lý. “Gốc là làm sao để ngăn chặn ngay từ đầu, chứ không phải để xảy ra rồi mới xử lý”.

“Tại sao không dựa vào quần chúng để cung cấp thông tin về vi phạm xây dựng một cách kịp thời và nhanh chóng nhất? Nếu không phát huy được thông tin từ người dân thì lực lượng phường-xã và TTXD không thể nào phát hiện hết những vi phạm để có thể ngăn chặn ngay từ đầu được” - đồng chí Nguyễn Hữu Tín nêu vấn đề. “Để có thể phát huy được kênh thông tin từ người dân, thì công khai giấy phép xây dựng các công trình được cấp phép xây dựng trên địa bàn đó để người dân biết để dân kiểm tra, phản ánh những công trình vi phạm xây dựng cho địa phương. Đưa ngay vào quy chế việc minh định, công khai các công trình cấp phép xây dựng và quy chế xử lý trách nhiệm đối với việc địa phương không phát hiện vi phạm kịp thời” - đồng chí Nguyễn Hữu Tín yêu cầu.

Giám sát cộng đồng

Ông Phạm Minh Mẫn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết quận đã thực hiện quy chế giám sát cộng đồng trong hoạt động xây dựng trên địa bàn quận từ năm 2009 đến nay. Sau khi tổng kết cho thấy việc vi phạm xây dựng trên địa bàn giảm đáng kể, từ vài trăm trường hợp/năm trước đây hiện chỉ còn vài chục trường hợp. Quy chế này giống nâng cao vai trò của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, nhất là người dân trong việc thực hiện đảm bảo trật tự xây dựng. Quận xem đây là lực lượng chủ yếu để giám sát và phát hiện các trường hợp vi phạm để kịp thời xử lý, đồng thời giám sát việc xử lý và quản lý của các cá nhân và tổ chức trong hoạt động xây dựng.

Quận Tân Phú cũng đã đề xuất đề án đảm bảo trật tự đô thị triển khai trên địa bàn quận. Điểm mới của đề án này là quận sử dụng “cán bộ phát hiện” những vi phạm xây dựng cho từng phường. “Cán bộ phát hiện” này được lấy từ đội trật tự đô thị của địa phương để đi tuần tra, kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn từng phường. “Quận Tân Phú có 11 phường, mỗi phường khoảng 150 ha, để đi hết 1 phường thì khoảng 30km, mất khoảng 3,5 giờ/ngày. Việc này các “cán bộ phát hiện” hoàn toàn có thể thực hiện được để kiểm tra tất cả công trình xây dựng trên địa bàn nhằm phát hiện vi phạm kịp thời ngay từ đầu” - ông Phạm Minh Mẫn cho biết.

Quận 1, quận Bình Thạnh… cũng kiến nghị tăng cường nhân sự cho địa phương vì sau khi lực lượng TTXD quận-huyện, phường-xã trước đây bị “rút” về Sở Xây dựng TP thì đội Quản lý trật tự đô thị của địa phương phải kiêm những công việc của TTXD trước đây.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nội vụ rà soát để tính toán, giải quyết nhân sự cho quận-huyện; đồng thời hoàn chỉnh quy chế phối hợp này để trình UBND TP ban hành vào đầu tháng 10-2013.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài gòn giải phóng