Top

Xây nhà không phép: Do địa phương buông lỏng!

Cập nhật 23/05/2013 08:47

 Sở Xây dựng đã bố trí lực lượng thanh tra xây dựng phù hợp với thực tế của địa phương.

“Nghị định 26/2013 tổ chức lại lực lượng Thanh tra xây dựng không phải là nguyên nhân dẫn tới việc không quản lý nổi nạn xây dựng không phép. Đó là do địa phương thiếu sự kiểm soát” - ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, khẳng định khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tình trạng nhà không phép mọc tràn lan tại huyện Bình Chánh và quận 9.

Không phải tại Nghị định 26

* Theo lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh thì trước đây tình hình tương đối ổn. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 26 có hiệu lực từ ngày 15-5, giới “đầu nậu” đã lợi dụng giai đoạn giao thời để ồ ạt xây nhà trái phép khiến xã không quản lý xuể. Sở Xây dựng có lường trước tình hình này không?

Ông Phan Đức Nhạn: Xây dựng không phép xảy ra chủ yếu ở các vùng ngoại thành có nhiều đất trống. Địa bàn rộng, hạ tầng giao thông mỏng (có khi còn bị chia cắt bởi sông rạch), tốc độ gia tăng dân số nhanh là những nguyên nhân khách quan dẫn đến sự thiếu chặt chẽ trong kiểm soát trật tự xây dựng của địa phương. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ các “đầu nậu” bất chấp pháp luật xây nhà trái phép bán kiếm lời.

Về câu hỏi của bạn, câu trả lời là có. Cụ thể, Sở đã cảnh báo, chỉ ra những địa bàn phức tạp như huyện Bình Chánh, Củ Chi và quận Bình Tân sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi dẫn đến vi phạm xây dựng. Thực tế điều đó đã xảy ra tại Bình Chánh và một xã ở quận 9 như Pháp Luật TP.HCM phản ánh. Nguyên nhân ở huyện Bình Chánh là do thiếu kiểm soát.

Những căn nhà bị cưỡng chế ở xã Vĩnh Lộc A trong buổi sáng 22-5 đang được cất lại vào buổi chiều. Ảnh: N.NGHĨA

Chính vì hoàn toàn không bị động nên Sở đã bố trí lực lượng Thanh tra xây dựng phù hợp với địa phương như những năm qua. Vì thế mà Củ Chi có 73 người, Bình Chánh 70 người nhưng quận 5 chỉ có 23 người. Ngoài ra, Sở cùng các quận, huyện đã góp ý nhiều lần để ban hành một quy chế tạm thời về phối hợp kiểm soát trật tự xây dựng.

* Để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, trách nhiệm thuộc về ai?

+ Nghị định 26 chỉ tổ chức lại lực lượng Thanh tra xây dựng phù hợp với Luật Thanh tra, không hề làm mất hiệu lực của Nghị định 180/2007 về trật tự xây dựng và Nghị định 23/2009 về xử phạt vi phạm trong trật tự xây dựng. Các văn bản này quy định rõ về phân cấp quản lý: địa phương (xã, phường, thị trấn) chịu trách nhiệm phát hiện, kiểm soát công trình xây dựng không phép. Còn quản lý công trình có phép là nhiệm vụ của Thanh tra xây dựng thuộc Sở Xây dựng, cụ thể là đội thanh tra cơ động, các đội phụ trách địa bàn và cả Sở Xây dựng.

Sẽ lập các đội trật tự đô thị

* Xã Vĩnh Lộc A cho hay lực lượng quản lý trật tự xây dựng của xã sụt giảm gần 3/4 (trước 38 người, nay còn chín người) nên khó kham nổi địa bàn rộng lớn và phức tạp. Trước mắt có thể điều động lực lượng nơi khác để hỗ trợ nhưng về lâu dài thì không thể. Sở có hướng giải quyết ra sao?

Không phải Nghị định 26 rút bớt nhân sự khiến công tác kiểm soát trật tự xây dựng ở địa phương gặp khó khăn. Một lần nữa Sở khẳng định: Số lượng Thanh tra xây dựng bố trí cho các quận, huyện, phường, xã là thực hiện theo thực tế lâu nay. Phải hiểu rằng không phải toàn bộ 38 người tại xã Vĩnh Lộc A trước đây đều làm công tác quản lý trật tự xây dựng mà còn thực hiện nhiều mảng khác nữa. Nghị định 26 chỉ cơ cấu lại cho rõ ràng mà thôi.

Nếu thực tế địa phương có nhu cầu cần thêm người, Sở sẽ xem xét. Nhưng tôi cho rằng nhân dân vẫn là lực lượng giám sát tốt nhất và kiểm soát tại chỗ là quan trọng nhất. Một khi địa phương nắm rõ vai trò, nhiệm vụ của mình, không buông lỏng quản lý thì sẽ kiểm soát được tình trạng vi phạm. Ngoài ra, quy chế phối hợp về quản lý trật tự xây dựng mà Sở ban hành là một sự giúp sức hữu hiệu.

* Một vấn đề cấp bách là việc thành lập các đội trật tự đô thị để hỗ trợ quận, huyện, phường, xã trong công tác cưỡng chế và đảm nhiệm công việc khác như vệ sinh môi trường, dọn dẹp lòng lề đường… Ông cho biết thêm về việc thành lập lực lượng này?

+ TP đã giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Nội vụ xây dựng đề án về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các đội trật tự đô thị. Trước đây, theo Quyết định 89/2007 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Thanh tra xây dựng phường, xã, thị trấn và quận, huyện là 2.936 người. Theo Nghị định 26, có 1.060 người tiếp tục làm Thanh tra xây dựng và trực thuộc Sở Xây dựng. Số còn lại sẽ được chuyển sang các đội và tổ trật tự đô thị do địa phương quản lý.

* Xin cảm ơn ông.

Phải quy trách nhiệm cá nhân

Nhận quyết định buộc tháo dỡ nhà vì xây không phép trên đất quy hoạch, anh T., công nhân KCN Vĩnh Lộc, ngồi bệt xuống đất như người mất hồn. Anh mếu máo: “Rồi đây vợ tôi cùng hai đứa nhỏ không biết sẽ ở đâu. Thế là mất hết hơn 300 triệu đồng, số tiền mà cả hai vợ chồng phải dành dụm gần 10 năm qua và vay mượn khắp nơi”. Khi mua nhà, anh và chủ nhà chỉ thỏa thuận bằng giấy tay với giá thấp (theo lời “cò”) để đóng thuế ít. Anh lại chủ quan không tìm hiểu kỹ càng, để rồi giờ đây gia đình phải khổ.

Dạo một vòng các quận, huyện ngoại thành, rất dễ tìm thấy những khu dân cư tự phát nhếch nhác, không có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Cư dân tại đó đa phần có hoàn cảnh giống anh T. Mỗi năm, hàng trăm căn nhà không phép được mọc lên nhưng địa phương chỉ cưỡng chế tháo dỡ vài chục căn, số còn lại vẫn ngang nhiên tồn tại. Nguyên nhân thường do “thiếu lực lượng kiểm tra, quản lý”.

Theo một cán bộ thanh tra nhân dân tại một địa bàn “nóng” về xây dựng không phép, sự thật không phải như vậy. Lâu nay, việc thanh tra xây dựng lập biên bản xây nhà không phép rồi yêu cầu đình chỉ thi công bấy lâu nay chỉ là để… đối phó với cấp trên. Đa số nhà không phép chỉ mọc lên sau khi chủ nhà đã “chung chi” cho thanh tra xây dựng và coi đó là “bùa hộ mạng”. Chắc chắn không người dân nào dám bỏ ra hàng trăm triệu đồng xây nhà để rồi bị đập bỏ. Đó là về phía thanh tra xây dựng, vậy còn trách nhiệm của địa phương? Nhắc tới nhà không phép, lâu nay lãnh đạo địa phương thường có tâm lý đổ lỗi do người dân vì thiếu hiểu biết pháp luật, nhiều người lén lút xây nên địa phương không biết. “Tất cả lý do trên chỉ nhằm để bao biện cho sự thiếu trách nhiệm của thanh tra xây dựng, sự thờ ơ đến mức đáng ngạc nhiên của lãnh đạo địa phương” - vị cán bộ trên nói.

Để tránh cảnh người dân mất trắng tiền của, lãng phí cho Nhà nước (phải lập đoàn cưỡng chế vừa tốn thời gian, tiền bạc), đã đến lúc cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra sai phạm về xây dựng. Một căn nhà không phép mọc lên, cán bộ phụ trách địa bàn phải chịu trách nhiệm. Lãnh đạo phường, xã (cụ thể là chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách xây dựng) cũng không thể vô can. Có như thế những khu dân cư nhếch nhác mới không còn cơ hội mọc lên và nhiều người không còn phải rơi nước mắt khi hàng trăm triệu đồng của mình trong nháy mắt chỉ còn là đống đổ nát.

____________________________________________

Tiếp tục đợt cưỡng chế nhà xây không phép, ngày 22-5, xã Vĩnh Lộc A cùng đội thanh tra cơ động của Sở Xây dựng, đội Thanh tra xây dựng phụ trách địa bàn đã tháo dỡ thêm 22 căn nhà không phép. Xã còn lập biên bản vi phạm hai công trình xây dựng đã hoàn thiện.

Tuy nhiên, nhiều người dân thắc mắc: Tại sao có nhà bị cưỡng chế, nhà không bị. Đáng chú ý, một số căn nhà tại tổ 11, ấp 4 sau khi bị tháo dỡ đã được cất lại một cách khẩn trương. Ông Trần Quốc Quay, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, giải thích: “Trường hợp không bị cưỡng chế là những căn nhà đã tồn tại từ lâu, nay người dân xin phép sửa sang. Hoặc cũng có người dân địa phương có đất rộng nhưng nhà ở quá chật hẹp xin phép xây nhà cho con cái. Còn các trường hợp nhà bị cưỡng chế được cất lại, xã sẽ tiếp tục tháo dỡ”.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP