Top

Viết tiếp chuyện Luật “chỏi” nhau

Cập nhật 08/12/2009 10:35

Sau khi đọc bài Luật “chỏi” nhau (Tuổi Trẻ ngày 1-12) là người công tác trong ngành pháp luật, tôi cũng xin góp thêm một vài thí dụ.

15 tuổi hay 18 tuổi?

Bộ luật dân sự quy định tài sản chung của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý, gồm có quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung, và các tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ và việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình.

Đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý (điều 108, 109).

Tuy nhiên theo quy định của pháp luật về đất đai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự (điều 146, nghị định 181). Người có đủ năng lực hành vi dân sự là người từ 18 tuổi trở lên, do đó quy định này đã “đá” Luật dân sự.

Trong thực tế, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, các cơ quan đều yêu cầu tất cả thành viên trong hộ từ 18 tuổi trở lên ký vào hợp đồng và loại bỏ các thành viên từ 15-17 tuổi vì cho rằng họ chưa thành niên.

Uy ban nhân dân xã hay huyện?

Theo Luật đất đai, thẩm quyền chứng thực hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất thuộc phòng công chứng hoặc UBND cấp xã nơi có bất động sản được chuyển nhượng.

Luật nhà ở lại quy định hợp đồng về nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của UBND xã đối với nhà ở tại nông thôn. Trong khi Bộ luật dân sự quy định bất động sản bao gồm đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; các tài sản khác gắn liền với đất đai.

Như vậy, Luật nhà ở giao quyền chứng thực bất động sản (nhà ở) cho UBND cấp huyện nhưng Luật đất đai lại “từ chối” UBND cấp huyện, dẫn đến khó cho cơ quan lẫn người dân.

Chủ hộ vị thành niên?

Theo Bộ luật dân sự, chủ hộ là người đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ. Chủ hộ có thể ủy quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự (điều 107).

Tuy nhiên điều 25 Luật cư trú quy định trong trường hợp hộ gia đình không có người từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.

Như vậy theo Luật cư trú, người dưới 18 tuổi cũng có thể làm chủ hộ trong hộ gia đình, điều này mâu thuẫn với quy định của Bộ luật dân sự và trên thực tế nếu chủ hộ dưới 18 tuổi sẽ không thực hiện được các giao dịch dân sự, ngoại trừ có tài sản riêng đảm bảo thực hiện giao dịch dân sự đó.

Tóm lại, hiện tượng các văn bản pháp luật hiện hành “chỏi” nhau không hiếm, dẫn đến tình trạng khó áp dụng. Các cán bộ, cơ quan có thẩm quyền phải vận dụng Luật ban hành văn bản pháp luật để tìm ra “giải pháp”. Điều này không mấy dễ đối với các cán bộ cấp cơ sở. Giải pháp hữu hiệu nhất là các nhà xây dựng luật cần có quy trình rà soát kỹ trước khi xây dựng, ban hành một văn bản pháp luật mới.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ