Top

Thị trường bất động sản:

Việt Nam và những tiến triển vượt bậc trong khu vực

Cập nhật 08/01/2016 14:13

Nhờ các chính sách hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục mạnh mẽ và có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng khả quan nhất trong 1 thập kỷ qua. Lạm phát và lãi suất thấp, cùng với GDP tăng mạnh và tiêu dùng nội địa cải thiện, đã giúp Việt Nam đạt được vị trí tốt trong khu vực về thu hút vốn vào bất động sản.

Giai đoạn trước, lượng vốn chảy vào thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương đạt mức kỷ lục, khoảng 27,5 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2012, đã có một sự thay đổi đáng kể khi dòng vốn đầu tư của thế giới vào bất động sản đang chảy ra khỏi khu vực này. Vậy làm thế nào Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác về thu hút dòng vốn?

Trên thực tế, Việt Nam có nhiều lợi thế. Cụ thể, dự đoán GDP 2015 từ Tổ chức Focus Economics công bố vào tháng 9 vừa qua cho thấy, tăng trưởng của Indonesia, Lào, Philippines, Singapore và Thái Lan có sự sụt giảm. Còn mức tăng trưởng của Campuchia, Malaysia và Myanmar không có sự thay đổi. Trong khi đó, Brunei và Việt Nam là 2 quốc gia được dự đoán sẽ duy trì sự tăng trưởng, trong đó Việt Nam dự kiến sẽ có mức tăng trưởng cao, đạt 6,4% và được xem là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
.

Ông Troy Griffiths

Trong khi đó, tăng trưởng ngành bán lẻ của Việt Nam ước tính đạt 9,1%, một trong những mức cao nhất thế giới hiện nay. Thị trường bán lẻ hiện đang phát triển nhanh ở tất cả các thành phố của Việt Nam. Ghi nhận từ thị trường cho thấy, có sự dịch chuyển từ các cửa hàng kinh doanh nhỏ sang các trung tâm thương mại. Nếu xem xét số liệu của một vài quốc gia trong khu vực, mật độ bán lẻ ở Bangkok là 0,8 m2/người, Kuala Lumpur là 0,7 m2/người, thì ở Việt Nam vẫn còn ở mức rất khiêm tốn 0,1 m2/người.

Mới đây, Savills toàn cầu đã công bố số liệu thống kê tỷ suất sinh lợi của thị trường văn phòng thế giới vào nửa cuối năm 2015 (tỷ suất giữa thu nhập và giá trị tài sản). Theo đó, đến nửa cuối năm 2015, tỷ suất sinh lợi giảm trung bình khoảng 19 điểm cơ bản, phần lớn là từ chính sách nới lỏng tiền tệ và sự gia tăng tính thanh khoản. Tuy nhiên, ở 2 thành phố lớn của Việt Nam là TP.HCM và Hà Nội, tỷ suất sinh lợi đều đạt mức cao nhất. Điều này có nghĩa, trong bối cảnh bất động sản thế giới hiện nay, 2 thành phố này có giá trị tài sản hấp dẫn nhất.

Một yếu tố nữa giúp Việt Nam có lợi thế và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài là chính sách mở rộng cửa hơn cho người nước ngoài kinh doanh và sở hữu bất động sản tại Việt Nam đã có hiệu lực, tạo tác động tích cực đến nhu cầu. Nhưng nếu người nước ngoài mua 1 căn hộ theo tỷ giá USD vào thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực (1/7/2015), thì sự mất giá của đồng Việt Nam sẽ khiến cho người mua mất khoảng 6% giá trị quy đổi nội-ngoại tệ. Tuy nhiên, cùng thời gian, một số đồng tiền khác trong khu vực như ringgit của Malaysia, rupee của Ấn Độ, baht của Thái Lan, yên của Nhật Bản, won của Hàn Quốc, hoặc đô la Australia mất giá từ 10 - 24% so với USD. Như vậy, đồng Việt Nam vẫn có vị thế tốt hơn so với các loại tiền khác trong khu vực và đó cũng sẽ là lợi thế thương mại của Việt Nam.  

Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam đang có sự chuyển đổi nhanh chóng từ các thành phố du lịch nổi bật như Đà Nẵng, Nha Trang sang các địa danh mới nổi như Hạ Long và Phú Quốc. Khách du lịch tăng mạnh qua từng năm, trong đó khách du lịch nội địa chiếm 2/3. Trong khi đó, khi so sánh giá phòng trung bình của các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao quốc tế trong khu vực, các khách sạn tại Việt Nam có giá cho thuê ở mức trung bình. Các chủ đầu tư vẫn hướng tới các thương hiệu quản lý khách sạn nổi tiếng toàn cầu và các khách sạn vẫn đang được tiếp tục xây dựng dọc theo chiều dài đất nước. Trong tương lai, Việt Nam sẽ cung cấp các loại phòng có chất lượng cao với giá vừa phải. Mặt hạn chế duy nhất có lẽ là cơ sở hạ tầng và hàng không chưa phát triển kịp với tốc độ phát triển của ngành du lịch.

Yếu tố cuối cùng là sự đổi mới. Trong năm 2015, Việt Nam đứng thứ 52 trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (Global Innovation Index), tăng từ hạng 71 cách đây 1 năm. Đây là chỉ số chọn lọc, có nguồn dữ liệu phong phú từ 141 nước, đo lường dựa trên 79 yếu tố, được công bố bởi INSEAD, Cornell và WIPO. Bằng việc nỗ lực vượt qua các đối thủ kinh tế trong khu vực về sự đổi mới, cụ thể là nhanh chóng thông qua những chính sách cải tiến cũng như sự hỗ trợ kịp thời tầm vĩ mô từ phía Chính phủ, Việt Nam chắc chắn sẽ thành công trong công cuộc chuyển đổi từ các lĩnh vực sản xuất đơn giản sang những hình thức ứng dụng công nghệ hiện đại.

Thật thú vị là sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn giữ được tốc độ gia tăng GDP. Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ mà hoàn toàn không theo chu kỳ của GDP thế giới. Các đỉnh điểm của từng chu kỳ tăng trưởng trong ngành BĐS nói riêng được xác định rõ ràng hơn và rút ngắn hơn so với các chu kỳ khác. Nhìn ra các quốc gia trong khu vực, những quan ngại về sự lung lay của thị trường tài chính, dẫn tới bùng nổ nợ công đang là những thách thức rất lớn. Lợi thế của Việt Nam trong chu kỳ này là thị trường có thể hồi phục theo đà tăng trưởng của BĐS. Các yếu tố cơ bản khác của ngành kinh tế vẫn giữ phong độ phục hồi đáng ngạc nhiên đối với đa số các nhà nghiên cứu trên thế giới.

Troy Griffiths - Phó tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư