Top

Vì sao ​nhà ở cho người có thu nhập thấp chưa có sức hút?

Cập nhật 22/09/2013 09:15

 Tại buổi tọa đàm về nhà cho người thu nhập thấp do Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức sáng 19/9, nhiều kiến trúc sư (KTS), chuyên gia quy hoạch cho rằng, nhà ở thu nhập thấp hiện chưa hấp dẫn người mua bởi nhiều lý do, trong đó nổi cộm là khoảng cách tới trung tâm, dịch vụ công ích và cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, dù đã "hạ nhiệt" nhưng giá nhà chung cư vẫn "quá tầm với" của phần đông người lao động có thu nhập hạn chế. Việc giá điện nước, xăng dầu biến động theo chiều hướng tăng trong một vài năm trở lại đây cũng khiến việc tiếp cận với thị phần nhà ở xã hội của người dân thêm phần khó khăn.

Khu nhà ở xã hội Sài Đồng, Long Biên. Ảnh: Tú Chi

Xung quanh việc cải tạo nâng cấp các chung cư cũ thành nhà ở thu nhập thấp, nhiều KTS cho đây là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng, bởi việc xây dựng, cơi nới, mở rộng công trình trên nền đất cũ, đã yếu và không an toàn, thiếu đồng bộ với cơ sở hạ tầng hiện có. Việc chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là không nên bởi sẽ khiến bộ mặt đô thị của Hà Nội trở nên nhếch nhác.

Theo số liệu của Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/8/2013, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 331 khách hàng cá nhân với số tiền là 105,32 tỷ đồng từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đông. Trong đó, đã giải ngân cho 305 khách hàng với số tiền 69,4 tỷ đồng, cụ thể: Cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là 42,9 tỷ đồng cho 181 khách hàng; cho vay để mua, thuê nhà ở thương mại là 26,5 tỷ đồng cho 124 khách hàng.

KTS Phạm Cao Nguyên - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, TP cần quan tâm hơn nữa tới gói nhà ở cho thuê. Đây là mô hình nhà ở rất phổ biến và thực tế mang lại hiệu quả xã hội lớn tại nhiều quốc gia phát triển như Anh, Đức, Pháp… Ông Nguyên chia sẻ thêm, các mẫu nhà ở thu nhập thấp trong tương lai cần đa dạng hơn về mẫu mã, diện tích nhằm đáp ứng sự "luân chuyển" liên tục về nơi ở theo sự "biến động" về thu nhập nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động.   

Ở một khía cạnh khác, KTS Lưu Quang Huy - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội bày tỏ quan điểm, việc phát triển các khu nhà ở thu nhập thấp đã nằm trong quy hoạch chung của TP. Chính vì vậy, việc cần làm hiện nay mà các dự án về nhà ở thu nhập thấp cần tập trung giải quyết là phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng đi kèm, đặc biệt là hệ thống giao thông và dịch vụ công ích (trường học, trạm y tế, siêu thị,…). Chỉ khi nào người lao động cảm nhận được những tiện ích và hợp lý mà gói nhà ở thu nhập thấp mang lại thì thị phần này mới hy vọng thu hút được người có nhu cầu.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu 18 triệu mét vuông nhà ở thu nhập thấp như đã đề ra trong 6 năm tới, TP Hà Nội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ cho người mua, phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm, cần chú trọng vào nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc xây dựng các công trình nhà ở nhằm hạ giá thành, nới rộng khả năng tiếp cận dịch vụ nhà ở của người lao động.

“Trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã quan tâm nhiều hơn tới những dự án nhà ở hướng tới nhóm "đối tượng nghèo", thay vì nhóm "người giàu" hay đối tượng đầu tư mua đi bán lại. Tuy nhiên, nhà ở thu nhập thấp vẫn chưa hấp dẫn người lao động. Nguyên nhân  chủ yếu là do giá thành vẫn còn khá cao. Để nhà thu nhập thấp có thể đến "gần hơn" với người lao động thì việc ứng dụng công nghệ xây dựng tiên tiến nhằm hạ giá thành. Trong xu thế phát triển hiện nay, chúng ta cũng cần đa dạng hóa các mẫu nhà ở (trong mối tương quan với giá cả, dịch vụ đi kèm) để có thể đáp ứng được nhu cầu của từng nhóm đối tượng cụ thể như công nhân, học sinh - sinh viên, cán bộ công chức, quân nhân...".  - KTS Nguyễn Phú Đức - Hội Kiến trúc sư Hà Nội.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế và Đô thị