Top

Vì sao ban quản trị chung cư chưa thể quản trị?

Cập nhật 09/10/2012 10:10

Nhiều ý kiến cho rằng không nên để tồn tại mô hình Ban quản trị nhà chung cư bởi Ban này không có tư cách pháp nhân, không có thẩm quyền giải quyết mâu thuẫn, không có chuyên môn quản lý vận hành tòa nhà.

Tại hội thảo mới đây về việc vận hành và quản lý chung cư, nhiều chuyên gia đã đưa ra kiến nghị cần thiết bỏ mô hình ban quản trị chung cư cao tầng .

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng cho rằng, việc duy trì một ban quản trị chỉ lo mỗi việc trực tiếp quản lý phí dịch vụ và bảo trì chung cư là không cần thiết và khiến mọi việc trở nên rắc rối.

Cụ thể về những rắc rối này, ông Thành nhìn nhận cách tính phí dịch vụ hiện nay của bộ Xây dựng đưa ra “còn phức tạp hơn công thức tính đàn hồi trong đúc bê tông” với dẫn chứng với rất nhiều số liệu và công thức rất khó hiểu như “số thời gian sử dụng dịch vụ’, “lợi nhuận định mức hợp lý”, “hệ số giảm giá dịch vụ”…

Ngoài cách tính phí dịch vụ, theo ông Thành phí bảo trì cũng là trở ngại đáng kể với việc vận hành tòa nhà chung cư. “Phí bảo trì rất khó thu. Thu rồi rất khó quản lý. Việc thu và quản lý khó bởi pháp lý của tổ chức ban quản trị không có tư cách pháp nhân. Không thể để cả trăm người giao một khoản tiền lớn để cho vài người quản lý và sử dụng”.

Để giải quyết vướng mắc về phí bảo trì này, ông Thành nên để trách nhiệm bảo trì tòa nhà cho chủ đầu tư bằng cách gắn nội dung phí bảo trì vào hợp đồng mua nhà, nếu người mua thấy hợp lý thì lựa chọn.

Mâu thuẫn giữa cư dân và các chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà đang ngày càng leo thang

Ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng giám đốc công ty CP quản lý và khai thác tòa nhà PMC cho rằng, Luật Nhà ở đã có quy định Ban quản trị do các chủ sở hữu bầu có trách nhiệm và quyền hạn rất lớn như thay mặt dân ký hợp đồng cung cấp dịch vụ, bảo trì, thu và quản lý kinh phí vận hành; bàn giao và quản lý tài khoản kinh phí bảo trì… nhưng ban quản trị lại không có tư cách pháp nhân nên không đủ thẩm quyền giải quyết những vấn đề nảy sinh trong vận hành. Vì vậy, trên thực tế chưa có chủ đầu tư nào áp dụng.

“Ban quản trị sẽ hoạt động theo Luật nào khi ban quản trị điều hành như một công ty và có chức năng như một doanh nghiệp? Đặc biệt là có những vấn đề được đàm phán về các yếu tố tài chính khác cho cư dân để quản lý sở hữu chung cư, ví dụ quỹ 2% phí bảo trì. Vậy, những quy định chi tiết để cho ban quản trị hoạt động giống như một bộ máy của công ty là không có. Ban quản trị liệu có được ký hợp đồng với các công ty cung cấp dịch vụ hay không? Mô hình ban quản trị hiện nay là chính mô hình khó thực thi trong thực tế” ông Minh nhấn mạnh.

Ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng phải hướng chuyên nghiệp trong quản lý vận hành tòa nhà, theo ông Mai mô hình quản lý các tòa nhà chung cư nên là công ty cổ phần phi lợi nhuận.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, phải có một bộ phận hỗ trợ, tư vấn cách thành lập và hoạt động ban quản trị. Về điểm này nếu nhà nước có thể đứng ra hỗ trợ là tốt nhất bởi hầu hết các nước trên thế giới đều thành lập ra tổ chức quản lý nhà chung cư với nguyên tắc tương xứng về trách nhiệm, quyền hạn, lợi ích. Thành lập ban quản lý nhà chung cư theo mô hình tương tự như ban quản lý dự án đầu tư, thành phần gồm đại diện chủ đầu tư, chủ sở hữu. Cấp trên thực tiếp là chính quyền địa phương hoặc Sở xây dựng là đầu mối thống nhất quản lý Nhà nước về khai thác, sử dụng nhà chung cư. Thiết lập ban quản trị theo đúng trách nhiệm và quyền hạn.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia