Top

Tuyến đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục: Vì sao chi phí đầu tư cao?

Cập nhật 12/01/2018 09:13

Tại sao tuyến đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có tổng mức đầu tư lên tới gần 7.800 tỷ đồng? Tại sao tổng kinh phí đầu tư tính trên mỗi kilômét đường của đoạn tuyến này lại cao hơn nhiều so với đoạn Ngã Tư Sở - Ngã tư Vọng đang được triển khai? Liệu có phải TP Hà Nội chủ động bổ sung hạng mục bãi đỗ xe vào trong quy hoạch dẫn tới việc có thêm hàng trăm hộ dân phải giải phóng mặt bằng...? Hàng loạt câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới đặt ra đã được chủ đầu tư dự án giải đáp tại buổi làm việc chiều 11-1.

Nhiều nhà dân nằm ở đường Đê La Thành đoạn Láng Hạ - Voi Phục thuộc diện giải tỏa để xây dựng hạ tầng kỹ thuật - cây xanh - bãi đỗ xe tạo nên một tuyến đường mới đồng bộ về hạ tầng. Ảnh: Tiến Tuấn

Chi phí đầu tư đường quá cao?

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có chiều dài 2.274m, mặt cắt ngang 50m, nhằm hoàn thiện đồng bộ tuyến đường Vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy theo quy hoạch, kết nối giữa các tuyến đường đã và đang được đầu tư xây dựng; tăng diện tích đường và góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trên mạng lưới và trong khu vực đô thị trung tâm của Thủ đô.

Theo Quyết định số 2113/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, đoạn tuyến này có tổng mức đầu tư lên tới gần 7.800 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2017-2020.

Ngay khi công bố chủ trương triển khai dự án, dư luận cho rằng, đoạn tuyến vành đai dài hơn 2,2km này sẽ “phá kỷ lục” về tổng kinh phí đầu tư tính trên mỗi kilômét đường của các dự án trước đó trên địa bàn Thủ đô. Giải thích vấn đề này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội (chủ đầu tư dự án) cho biết, trong tổng mức đầu tư nói trên, phần chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) chiếm tỷ lệ hơn 76% (khoảng 6.000 tỷ đồng), phần giá trị xây lắp 785 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác.

Tuyến đường Vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy là đường trục chính đô thị nằm trên trục Đông - Tây thuộc khu vực trung tâm thành phố, với định hướng cải tạo, mở rộng kết hợp với xây dựng mới. Những năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư mở rộng tuyến đường theo quy hoạch đoạn đê Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Sự đầu tư này góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên, do dự án chưa được thông suốt toàn tuyến nên vẫn xảy ra những điểm ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm.
 

Theo ông Nguyễn Tấn Nam An, Trưởng phòng GPMB (thuộc Ban Quản lý dự án), tổng kinh phí đầu tư tính trên mỗi kilômét đường cao hơn các dự án khác bởi nguyên nhân chủ yếu do chi phí đền bù GPMB quá cao. So sánh với dự án đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã tư Vọng (hai dự án có chiều dài xấp xỉ nhau) cho thấy, dự án Ngã Tư Sở - Ngã tư Vọng có tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng vì chỉ phải thu hồi đất của khoảng 600 hộ dân, với nhu cầu tái định cư 553 căn hộ, trong khi dự án Hoàng Cầu - Voi Phục phải thu hồi đất của 2.328 hộ dân, nhu cầu tái định cư 2.239 căn hộ, gấp trên dưới 4 lần. Chưa kể, có tới 55% diện tích đất phải thu hồi tại dự án Hoàng Cầu - Voi Phục là đất thổ cư lâu năm, thuộc địa bàn “lõi” của quận Ba Đình và Đống Đa nên đơn giá đền bù tính trên mỗi mét vuông đất cao hơn nhiều so với mỗi mét vuông đất thuộc tuyến đường Vành đai 2. Trong khi, dự án Ngã Tư Sở - Ngã tư Vọng chỉ có 24% diện tích đất phải thu hồi là đất thổ cư.

Ông Lê Minh Đức, Trưởng phòng Kế hoạch (thuộc Ban Quản lý dự án) bổ sung: “Một số đoạn tuyến vành đai đã và đang thực hiện chỉ phải làm đường, trong khi dự án Hoàng Cầu - Voi Phục có 2 cầu vượt tại các nút giao Giảng Võ - Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh. Riêng chi phí xây lắp của hai cầu vượt này đã gần 330 tỷ đồng trong tổng giá trị xây lắp 785 tỷ đồng của dự án. Khối lượng và đơn giá của từng hạng mục trong dự án được lập trên cơ sở định mức được Chính phủ và Bộ Xây dựng quy định.

Tuân thủ đúng theo quy hoạch

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội xung quanh khiếu nại của hàng trăm hộ dân đường Đê La Thành (quận Đống Đa) về việc thu hồi đất để làm bãi đỗ xe, cây xanh. Theo ông Bảo, việc mở rộng đường này được quy hoạch từ năm 2000 chứ không phải hạng mục phát sinh. Đất mà các hộ đang sử dụng thuộc phần đất xen kẹt được quy hoạch là đất cây xanh. Theo Quyết định số 2113/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương dự án, ngoài diện tích 153.341m2 thu hồi để làm 2.274m đường (bao gồm 2 cầu vượt) còn thu hồi 6.083m2 đất tại phần dải đất giữa đường Vành đai 1 và đường Đê La Thành (đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ) để đầu tư xây dựng hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh nhằm khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật kiến trúc, cảnh quan.

Thời gian đến năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP Hà Nội không còn nhiều, song Ban Quản lý dự án đã đặt ra những mốc cụ thể, phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch. Cụ thể, trong tháng 1-2018 sẽ trình thẩm định dự án và dự kiến được duyệt trong quý I-2018. Sau khi dự án được duyệt sẽ triển khai GPMB, trong đó tập trung thực hiện trước khu vực 2 cầu vượt tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh. Từ quý II-2018 sẽ triển khai việc thiết kế và từ quý III-2018 sẽ thi công hai cầu vượt. Phần đường sẽ triển khai từ quý IV-2018.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Nam An, trước đây, khi thực hiện các dự án, nhà nước phải bố trí đủ quỹ nhà tái định cư cho toàn bộ các hộ dân đủ điều kiện. Nhiều người sau khi nhận nhà đã bán lại cho người khác do không có nhu cầu ở. Với dự án này, thành phố vẫn chuẩn bị đủ quỹ nhà nhưng sẽ áp dụng phương án hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân trong diện được bố trí nhà tái định cư có nguyện vọng tự lo chỗ ở, với mức 6,8 triệu đồng/m2 nhà. Cách thức này giúp người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với điều kiện gia đình và giúp nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Qua rà soát, dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục cần bố trí tái định cư 2.239 căn hộ. Số lượng nhà tái định cư này sẽ được Sở Xây dựng bố trí từ 5 dự án, bao gồm: 672 căn hộ thuộc các tòa nhà 30T1-30T2 A14 Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy); 150 căn thuộc khu nhà ở tái định cư tại phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy); 201 căn thuộc Dự án tổ hợp nhà ở - trung tâm thương mại - siêu thị và văn phòng gần Big C (quận Cầu Giấy); 960 căn thuộc Dự án xây dựng nhà CT3-CT4 Xuân La (quận Tây Hồ); 388 căn thuộc Dự án khu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an...


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới