Top

Từ Liêm lên quận, giá đất có tăng?

Cập nhật 08/12/2013 08:03

Tuần qua, thị trường bất động sản dường như được hâm nóng với thông tin tách huyện Từ Liêm thành 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm…

Từ Liêm thành quận: Lên đời lên giá?

Thông tin tách huyện Từ Liêm thành 2 quận mới là thông tin đáng chú ý nhất trong lĩnh vực bất động sản hiện nay.

Sau thông tin hai quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm sẽ đi vào hoạt động từ 1/7/2014, thị trường nhà đất khu vực này đã có những biến động.

Những người có nhu cầu bán nhà, bán đất, các cò đất đều nuôi hi vọng sau khi lên quận, thị trường nhà đất Từ Liêm sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.

Bất động sản "nóng" với thông tin Từ Liêm lên quận.

Tuy nhiên, trên thực tế, thông tin Từ Liêm lên quận đã rò rỉ từ lâu. Ngay từ năm 2007, tin rao bán nhà đất đã rộn ràng thông tin Từ Liêm sắp lên quận.

Trên đà suy thoái của thị trường bất động sản kéo dài suốt thời gian qua, mặt bằng giá nhà đất tại khu vực này đã giảm mạnh thậm chí có nơi giảm sâu 50 – 60%. Tuy vậy, theo nhiều nhà kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, cái “gặp thời” của bất động sản nơi đây là thông tin lên quận chính thức công bố vào thời gian cuối năm khi thị trường bất động sản đang có sự sôi động, điều đó tạo đà cho giá đất ở khu vực này được đà nhích lên.

Hiện tại, Từ Liêm được đánh giá là khu vực tập trung nguồn cung nhà ở khá dồi dào. Bên cạnh những dự án lớn đã được hoàn thành, tại đây cũng có nhiều dự án mới đặc biệt với các dự án nhà ở xã hội mới được mở bán.

Một chủ dự án trong khu vực cho rằng, thông tin Từ Liêm lên quận có thể giúp dự án có thêm lợi thế nhưng không thể tạo “sốt” trong giao dịch nhất là trong thời gian thị trường tiếp tục trầm lắng như thời điểm này.

Sau khi thông tin Từ Liêm lên quận được công bố chính thức, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ra quyết định tạm dừng lập quy hoạch chi tiết, giao đất triển khai các dự án đầu tư mới, đấu thầu đất Từ Liêm.

Phạt cho tồn tại: Sẽ có “bảng giá”?

Để người dân có thể đóng tiền phạt thay vì phải tháo dỡ công trình vi phạm như quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đang dự thảo một barem các “chuẩn” nhằm xác định giá trị các khoản tiền chủ công trình vi phạm phải chi…

Những công trinh sai phạm nhưng không thể tháo dỡ có thể nộp phạt để cho tồn tại.

Cụ thể, quy định “phạt cho tồn tại” được áp dụng đối với các công trình xây dựng đáp ứng các điều kiện gồm không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng công trình lân cận, không tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch đất này được phép xây dựng.

Số tiền nộp phạt “chuộc vi phạm” để không bị tháo dỡ được tính bằng 40% giá trị diện tích vi phạm đối với công trình nhà ở riêng lẻ, 50% diện tích vi phạm đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thầm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Thanh tra Bộ Xây dựng giải thích, quy định “phạt cho tồn tại” này xuất phát từ thực tế ở nhiều nơi, đặc biệt ở Hà Nội và TP HCM, khi xuất hiện những công trình xây dựng vi phạm nhưng cơ quan chức năng không thể tháo dỡ vì nhiều lý do. Thay vì việc cơ quan quản lý nhà nước không xử lý được, không thu được khoản tiền nào trong khi chủ đầu tư chây ì, thì nay, đối với những công trình “chấp nhận được”, đáp ứng điều kiện như trên, việc “đổi” vi phạm bằng tiền, nếu thực hiện minh bạch, được coi là “nhất cử lưỡng tiện”: nhà nước thu hồi được một khoản tiền, chủ đầu tư cũng được giữ lại phần xây dựng để đàng hoàng sử dụng, không còn trong trạng thái nơm nớp vì trong tình trạng “treo” vi phạm.

BĐS Hà Nội cuối năm: "Nóng" cho thuê

Tâm điểm của thị trường BĐS tháng 12/2013 vẫn là các dự án nhà ở giá rẻ, tiến độ tốt (đã hoàn thiện hoặc sẽ bàn giao vào quý I/2014), với phương thức thanh toán có hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng. Nguyên nhân được cho là những mâu thuẫn gốc rễ giữa khách hàng và chủ đầu tư liên quan tới cuộc sống chung cư vẫn chưa được giải quyết. Mặt khác, chi phí thấp, bảo đảm dòng tiền, tránh xung đột kéo dài, là các yếu tố khiến mãi lực đối với BĐS cho thuê gia tăng.

Cuối năm, nhà cho thuê vẫn "sốt"

Thị trường địa ốc quý IV/2013 tại Hà Nội vẫn duy trì nguồn cầu các mảnh đất "nhỏ, xinh" trong khu vực nội thị. Theo đó, những sản phẩm thổ cư diện tích 45-70m2 ở các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng chưa bao giờ hết "cháy", bất chấp giá trị dao động từ 3-10 tỷ đồng/căn. Những người có nhu cầu ở cấp bách nhưng túi tiền có hạn, hướng quan tâm tới nhà ở cho thuê.

Vài năm trước, những căn nhà cấp 4 thường là "đích ngắm" của đại bộ phận những người đi học, làm việc tại Hà Nội có thu nhập trung bình trở xuống. Năm 2010-2012, giá cho thuê những căn phòng cấp 4 diện tích 12-15m2, chung vệ sinh ở các địa bàn như Xuân Thủy, Cổ Nhuế, Cầu Diễn, Nam Trung Yên, Nhân Chính, Triều Khúc... dao động từ 900.000-1,5 triệu đồng/tháng. Tới năm 2013, nhu cầu thuê nhà càng trở nên mạnh mẽ. Do đó, ngay từ đầu quý III, rất nhiều hộ gia đình, cá nhân đã lên phương án xây nhà cho thuê để kinh doanh kiếm lời.

Liên tiếp các công trình nhà ở cao tầng (dạng chung cư mini), khối nhà 3-4 tầng, có từ 10-30 phòng cho thuê khép kín đua nhau mọc lên. Với diện tích 15-25m2, căn phòng thuê có giá 1,5-2,5 triệu đồng/tháng vẫn rất đắt hàng.

Với những gia chủ có sẵn mảnh đất rộng và tiềm lực kinh tế khá, nhiều người quyết định xây dựng tòa nhà dạng văn phòng cho thuê thấp tầng. Cụ thể, khu vực Nam Trung Yên – Trung Kính có nhiều tòa nhà do cá nhân, gia đình tự xây dựng, với kết cấu 4 tầng, 1 tum và kinh doanh cho thuê. Trên đường Trung Kính, tòa nhà 3 tầng, diện tích 100m2/sàn, được 6 công ty đặt trụ sở văn phòng đại diện, với giá thuê 10 triệu đồng/tháng/căn phòng 40m2.

Nam Cường bị dừng dự án BT nghìn tỷ

Tại cuộc họp về rà soát các dự án BT trên địa bàn Thành phố mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đưa ra kết luận về việc dừng triển khai theo hình thức BT đối với Dự án đường Trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam tỉnh Hà Tây cũ của Tập đoàn Nam Cường. Theo đó, Thành phố yêu cầu cơ quan quản lý phối hợp chủ đầu tư rà soát, thanh lý hợp đồng và xử lý tồn tại theo quy định.

Nam Cường bị dừng dự án BT nghìn tỷ

Liên quan đến quyết định của Hà Nội về việc dừng Dự án này, ông Trần Oanh, Tổng giám đốc Tập Đoàn Nam Cường, trao đổi với PV Đầu tư chứng khoán cho biết, ông rất bất ngờ trước thông tin này, vì dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu có chuyện tạm dừng thì Thành phố sẽ phải mời doanh nghiệp lên làm việc.

Cho phép đăng ký làm sổ đỏ trên mạng

Cụ thể, về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Luật quy định việc đăng ký đất đai đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý là bắt buộc.

Còn việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.

Luật Đất đai sửa đổi quy định cho phép việc đăng kí làm sổ đỏ qua mạng

Bên cạnh đó, Luật bổ sung quy định về các trường hợp đăng ký lần đầu, đăng ký biến động. Đặc biệt, Luật quy định đăng ký đất đai được thực hiện bằng hình thức trên giấy và bổ sung quy định đăng ký trên mạng điện tử và đều có giá trị pháp lý như nhau.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet