Top

Treo trăm tỷ làm "dự án ma" làm khổ dân

Treo trăm tỷ làm "dự án ma" làm khổ dân

Cập nhật 18/11/2015 16:36

"Cờ giong trống giục" cách đây 5 năm (2010) nhưng tới nay, dự án Trung tâm kinh tế thương mại đa ngành nghề Lợi Châu có tổng vốn đầu tư 355 tỷ đồng mới chỉ xây dựng lèo tèo, dân sống khổ trên quy hoạch treo


Dự án xây dựng lên với hy vọng góp phần vào sự phát triển kinh tế chung trong Khu kinh tế Vũng Áng. Thế nhưng đến nay, 60 hộ dân bị ảnh hưởng đất ở phải chịu cảnh quy hoạch treo, 10 hộ dân đã đo đạc, kiểm kê nhưng chưa được bồi thường, tái định cư.

Dân khổ vì quy hoạch ‘’treo’’

Sống trên quy hoạch treo, người dân tổ dân phố Hồng Sơn, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), vẫn thường đùa ‘’không ai mắc án mà vẫn bị treo’’ (ý nói vùng đất nằm trong quy hoạch treo-pv). Cũng vì quy hoạch treo, bao năm qua dân nơi đây không thể sửa sang, xây dựng nhà cửa, kinh doanh buôn bán, họ sống chờ, sống đợi ngày được bồi thường, tái định cư.

Toàn bộ quang cảnh quy hoạch của dự án (ảnh: Mỹ Hoa)

Nếu 5 năm về trước, dân xã Kỳ Phương (cũ) vui mừng bao nhiêu khi biết Trung tâm kinh tế thương mại đa ngành nghề sẽ mọc lên tại đây, thì nay họ thất vọng bấy nhiêu khi dự án bao năm qua không thể thực hiện được. Đã vậy còn đẩy hàng trăm hộ dân vào cảnh "treo đấy", đi không được ở không yên.

Năm 2010 UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Dự án trung tâm thương mại đa ngành nghề Lợi Châu, do Công ty cổ phần xây dựng Đại Việt Mỹ làm chủ đầu tư, có địa chỉ tại P.Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh (Kỳ Anh). Trung tâm kinh tế thương mại đa ngành nghề Lợi Châu khi hoàn thiện sẽ hứa hẹn tạo ra một khu phức hợp các dịch vụ mua sắm – vui chơi – nghỉ dưỡng cao cấp nhằm phát triển đồng bộ của các ngành kinh tế khác trong Khu vực kinh tế Vũng Áng, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, mở ra một lĩnh vực kinh doanh mới phía nam Hà Tĩnh.

Dự án được vẽ ra một cách quy mô, khánh thành rầm rộ. Nhưng sau 5 năm, dự án hoành tráng mới chỉ dừng lại là một tòa nhà 3 tầng xây lên cho thuê và một số ngôi nhà tạm bợ đựng hàng hóa, diện tích còn lại để hoang phí.

Nhiều ngôi nhà dân xây dựng dở dang phải dừng lại để cỏ mọc um tùm chỉ vì quy hoạch treo (ảnh: Mỹ Hoa)

Ông Nguyễn Thanh Mân (68 tuổi, tổ dân phố Hồng Sơn, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh) bức xúc, ‘’Chủ đầu tư đã cắm mốc toàn bộ diện tích chịu ảnh hưởng nhưng không triển khai xây dựng. Trong đó, khâu giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư cho dân không thực hiện. Việc này đẩy 60 hộ dân bị ảnh hưởng sống trong cảnh ‘’dở khóc dở cười’’ và 10 hộ dân khác đã kiểm kê, đo đếm nhưng không bồi thường, tái định cư do vướng phải quy hoạch treo để rồi đi không xong, ở không đành’’.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, họp hành dân phản ánh về cuộc sống ‘’ba không’’ của mình (không được xây xây dựng nhà kiên cố, không được chuyển nhượng đất, không được thế chấp vay vốn ngân hàng làm ăn kinh tê) do chậm triển khai dự án đầu tư xây dựng và đề nghị chính quyền, chủ đầu tư phải có câu trả lời xác đáng cho nhân dân, nhưng mọi câu hỏi cứ bỏ ngõ mãi đến bây giờ – ông Mân chia sẻ.

Người dân địa phương chỉ mong muốn từ phía chủ đầu tư có làm thì cũng phải nói cho dân, nếu không làm nữa cũng phải trả lời cho dân (ảnh: Mỹ Hoa)

Rồi ông Nguyễn Thanh Mân chỉ rõ cụ thể cái khó của việc vướng quy hoạch treo: Gia đình ông vừa cưới vợ cho con trai, giờ muốn tách bìa đất cho con ra riêng nhưng lên phường không giải quyết được. Con ông muốn mở ốt kinh doanh khi đem bìa đỏ lên ngân hàng vay vốn họ từ chối, muốn làm giấy phép kinh doanh tại nhà cũng không được... Tất cả chỉ vì chịu cái ‘’án’’ quy hoạch treo bao năm.

Trong khi đó các hộ dân tại khối Kỳ Phương bị ảnh hưởng dự án chủ yếu làm nghề tự do, buôn bán nhỏ, thu nhập thấp, nhà ở xập xệ, dột nát, mưa xuống nước vào nhà, ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt thiếu thốn... Cái cực khổ của người dân tại đây là vô vàn.

‘’Mọi quyền lợi của một người công dân như chúng tôi 5 năm qua bị bó buộc, chỉ vì nằm trên vùng đất quy hoạch. Gia đình tôi, có 2 người con trai đã đến tuổi lấy vợ, sinh con nhưng vẫn sống chung với bố mẹ. Để có tiền cho con mở ốt kinh doanh, gia đình tôi phải mượn bìa đỏ của người thân cắm ngân hàng vay vốn, chứ bìa đỏ gia đình tôi thì chịu’’- ông Thiệu Xuân Dinh (SN 1966, khối phố Hồng Sơn) cho biết.

Làm hay không cũng phải có ý kiến với dân!

Theo ông Lê Văn Chương – Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh cho biết: Trung tâm kinh tế thương mại đa ngành nghề Lợi Châu được tỉnh phê duyệt, mọi hồ sơ, kế hoạch triển khai cụ thể là do tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, phía phường chỉ là nơi có đất cấp cho dự án.

Vì vậy, kế hoạch triển khai dự án về sau như thế nào không thể nắm rõ. Mong muốn lớn nhất của chính quyền, nhân dân là Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng, chủ đầu tư cần có có văn bản trả lời về mọi thông tin dự án. Nếu đã lấy đất của dân thì lấy hẳn, đền bù, tái định cư. Còn nếu không lấy thì phải có văn bản trả lời cho dân biết, chứ cứ quy hoạch treo mãi không được, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Đã 5 năm, nhưng dự án chỉ mới xây dựng được một căn nhà 3 tầng cho thuê và một số căn nhà tạm bỡ để kinh doanh còn toàn bộ đất để lãng phí (ảnh: Mỹ Hoa)

Ông Trần Đình Thành – Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh cũng cho biết: Bản thân chính quyền luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư về làm ăn kinh tế, xây dựng địa phương. Tuy nhiên, dự án 5 năm rồi vẫn dậm chân tại chỗ, làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người dân, nhất là 60 hộ dân có đất ở. Trách nhiệm phía chính quyền là bảo vệ quyền lợi của dân. Phía nhà đầu tư đã đóng mốc xây dựng trên đất của dân thì phải kiểm kê, bồi thường, tái định cư, trả lại mọi quyền lợi cho người dân Kỳ Phương.

Rồi ông Thành nhấn mạnh, ‘’Đã cắm mốc trên đất của dân là phải có trách nhiệm với dân. Đối với 131 hộ dân/200 hộ dân đã được bồi thường, tái định cư rồi thì 60 hộ dân còn lại chịu ảnh hưởng của dự án phía chủ đầu tư cũng phải giải quyết sớm. Dự án làm hay không cũng phải có ý kiến với dân’’.

Hiện trạng sử dụng đất dự án, theo diện tích khảo sát là 40ha, diện tích quy hoạch là 36,4ha, số dân chịu ảnh hưởng là gần 200 hộ. Tổng thể phạm vi quy hoạch bao gồm đất trồng hoa màu, trồng cây công nghiệp và đất ở của nhân dân. Tổng mức kinh phí đầu tư là hơn 355 tỷ đồng, trải qua 3 giai đoạn (giai đoạn 1 là 2011, giai đoạn 2 là 2012, giai đoạn 3 là 2013). Tính đến nay mới đền bù, GPMB cho 131 hộ dân/200 hộ dân với tổng số tiền là hơn 24 tỷ đồng (trong đó có 10 hộ dân đã kiểm kê, đo đếm nhưng chưa đền bù, tái định cư).



DiaOcOnline.vn - Theo CafeF