Top

TPHCM thuê tư vấn đánh giá tường vây metro: Phải làm rõ!

Cập nhật 02/01/2019 10:00

Giao quyền điều hành, quản lý nhưng không thể khoán trắng cho Ban quản lý thích làm gì thì làm...

Liên quan tới thông tin UBND TP HCM chỉ đạo thuê tư vấn đánh giá toàn diện lại an toàn tường vây ngầm gói thầu 1a metro Bến Thành - Suối Tiên sau khi bị giảm từ 2 m xuống 1,5 m, nguyên ĐBQH Khóa XIII - ông Nguyễn Anh Sơn có nhiều băn khoăn.

                                   
Tuyến Metro số 1 bị điều chỉnh thiết kế, hạ độ dày tường vây. Ảnh: Zing

Đầu tiên, ông Nguyễn Anh Sơn đặt câu hỏi: Vì sao, dự án tường vây được thiết kế xây dựng là 2m, đến lúc thi công là 1,5m mà không ai nói gì?. Khi bị Kiểm toán chỉ ra có dấu hiệu bất thường, mới đồng loạt giải thích "bình thường", chỉ cần thế thôi?

"Nếu chỉ cần làm 1,5m thôi thì tại sao ngay từ đầu không thiết kế như vậy mà thiết kế tới 2m để làm gì? Ai thiết kế? Ai thẩm định? Vì sao không nhìn thấy sự lãng phí này để điều chỉnh ngay từ đầu?

Giải thích của Ban quản lý rất khó để thuyết phục người dân cũng như cử tri cả nước tin rằng, việc thay đổi thiết kế, giảm độ dày tường vây là vì mục đích tiết kiệm?", ông Nguyễn Anh Sơn băn khoăn.

Ông Sơn nói tiếp: "Để tiết kiệm được 93 tỷ đồng, Ban quản lý sẽ phải làm lại từ đầu, từ việc thay đổi hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện dự án cho tới việc nghiên cứu thiết kế, đánh giá lại từ đầu.

Ví dụ, chi phí thiết kế, đánh giá khi xây tường vây 2m hết khoảng 1.000 tỷ đồng và mất khoảng 3 tháng để thực hiện, nếu bây giờ giảm tường vây từ 2m xuống còn 1,5m nghĩa là Ban quản lý phải mất thêm 1.000 tỷ nữa và cũng phải mất 3 tháng để thiết kế, điều chỉnh lại.

Chắc chắn không thể làm tới đâu điều chỉnh tới đó giống như xây bức tường nhà mà nói rằng chỗ này xây 2m, chỗ kia chỉ cần 1,5m. Không dễ thế được.

Vậy những chi phí đó đã được tính toán chưa? Như vậy tiết kiệm hơn hay lãng phí hơn? Nếu không làm rõ, ai cũng có quyền nghi ngờ về động cơ, mục đích thật sự của Ban quản lý đằng sau những lời giải thích là vì tiết kiệm này", ông Sơn trăn trở.

Phân tích tiếp, ông Sơn lo lắng tới chất lượng của dự án và ai sẽ chịu trách nhiệm?

"Tôi muốn hỏi, nếu 10-20 năm nữa bức tường vây bị hỏng, vỡ, khi đó Ban quản lý giải thích thế nào? Đến lúc đó, 93 tỷ hay phải dùng tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ mới khắc phục được? Là cử tri, là người dân tôi muốn có được câu trả lời vì đây là dự án trọng điểm quốc gia, tôi thấy lo lắng lắm", ông Nguyễn Anh Sơn chia sẻ.

Đề cập tiếp đến việc, lãnh đạo UBND TP.HCM giải thích Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM hạ độ dày tường vây ngầm là chưa đúng trình tự, thủ tục. Ông Nguyễn Anh Sơn cũng đồng tình với việc cần giao quyền chủ động cho Ban quản lý trong quản lý, điều hành, tuy nhiên, việc điều chỉnh thiết kế của một dự án trọng điểm không phải việc cá nhân Ban quản lý có thể tự quyết.

"Đây là điều chỉnh rất lớn, phải tuân thủ đúng các quy định, quy trình của pháp luật, không phải muốn làm gì cũng được.

Trường hợp này, cần phải xem xét thẩm quyền của Ban quản lý trong điều hành dự án này lớn tới đâu? Ban quản lý có quyền quyết định, điều chỉnh những gì? Trong trường hợp, Ban quản lý không được giao thẩm quyền mà vẫn tự ý điều chỉnh khi chưa xin phép UBND thành phố, Ban quản lý sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Tuy nhiên, trách nhiệm giám sát, quản lý dự án của UBND thành phố cũng không hề nhỏ.

Ngược lại, nếu UBND thành phố đã ủy quyền cho Ban quản lý, trong đó, giao luôn cả quyền điều chỉnh thiết kế thì đây là việc rất hệ trọng cho thấy sự buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

"Như vậy, ở cả hai trường hợp Ban quản lý tự ý điều chỉnh dự án hoặc đã có báo cáo xin ý kiến UBND thành phố đều phải chịu trách nhiệm. UBND thành phố giao quyền nhưng cũng không thể khoán trắng việc cho Ban quản lý được. Việc này phải làm rõ làm căn cứ xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan.

Tôi cũng lưu ý, có những trường hợp sử dụng "khẩu lệnh" để điều hành quản lý, vậy trong trường hợp này có hay không cũng phải được làm rõ để xử lý cho tới nơi, tới chốn", ông Sơn nói.

Nhắc lại bài học cũ...

Tiếp tục nhắc lại bài học về sử dụng nguồn vốn ODA, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng, TP.HCM từng để mất lòng tin sau vụ hối lộ, tham nhũng xảy ra tại Ban Quản lý PMU Đông - Tây năm 2008. Ông Sơn cho rằng, những lùm xùm trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA nước ngoài, đặc biệt với Nhật Bản ít nhiều đã làm mất lòng tin với các nhà cung cấp vốn.

Với dự án Metro số 1 TP.HCM cũng là dự án đang sử dụng nguồn ốn ODA của Nhật Bản, vì thế, những yếu kém trên phải được khắc phục.

"Phải luôn nhớ, ODA là chúng nguồn vốn vay và con cháu chúng ta phải trả, không phải nguồn tiền cho không, biếu không, vì thế để lãng phí một đồng là một lần có tội với con cháu sau này.

Qua đây, tôi cũng kiến nghị các cơ quan thanh, kiểm tra cần vào cuộc thanh tra toàn diện các dự án sử dụng nguồn vốn ODA để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, vấn đề trách nhiệm cũng cần phải thực hiện nghiêm minh, nghiêm khắc để lấy lại lòng tin với người dân và đối tác", ông Sơn kiến nghị. 


Diaoconline.vn – Theo Báo Đất Việt