Top

Tổng hợp sự kiện BĐS nổi bật năm 2014

Cập nhật 02/02/2015 09:19

Năm 2014 vừa qua là một năm đánh dấu sự phục hồi về toàn diện của thị trường bất động sản với nhiều sự kiện nổi bật, hứa hẹn trong giai đoạn sắp tới sẽ là thời kỳ bùng nổ của toàn thị trường. Theo ghi nhận, trong năm qua thị trường TP. Hồ Chí Minh đã tiêu thụ được khoảng 10.000 căn hộ còn thị trường Hà Nội ghi nhận hơn 13.000 lượt giao dịch chính thức. Điều đáng nói là trong năm nay, lượng căn hộ giao dịch phân bổ đều cho tất cả các phân khúc, trong đó giao dịch tăng mạnh ở phân khúc trung và cao cấp. Mời bạn đọc cùng DiaOcOnline tổng hợp lại những sự kiện đáng chú ý nhất trong năm vừa qua.

Năm 2014 là năm đánh dấu sự hồi phục về toàn diện của thị trường BĐS. Ảnh: Hà Duy

1. Giá trị đầu tư BĐS đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI

Theo tổng cục thống kê, trong năm 2014 giá trị đầu tư thuộc lĩnh vực bất động sản đạt mức 2,545 tỷ USD chiếm 12,6% tổng số vốn FDI đăng ký với 35 dự án đầu tư. Theo đó, phần lớn dự án có giá trị lớn được đăng ký tại các tỉnh thành phía Nam như dự án khu phức hợp thương mại và căn hộ tại P. 22, Q. Bình Thạnh do Công ty TNHH Sun Wah Vietnam Real Estate Limited – Hong Kong làm chủ đầu tư có giá trị 200 triệu USD, dự án khu nghỉ dưỡng Alma tại tỉnh Khánh Hòa do tập đoàn Blenheim làm chủ với giá trị đầu tư 300 triệu USD, dự án khu phức hợp VSIP Bình Hòa – Bình Dương do Công ty liên doanh khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đầu tư với tổng mức vốn gần 200 triệu USD…

Nguồn vốn dành cho lĩnh vực BĐS luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn FDI vào Việt Nam hàng năm. Ảnh: Hà Duy

2. Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/11/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015. Với nhiều chính sách mang tính đột phá, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ có tác động mạnh mẽ, tiếp tục tháo gỡ những nút thắt của thị trường.

Một quy định đặc biệt  đáng chú ý trong Luật Sửa đổi là chủ đầu tư các dự án chỉ được phép ký hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua dự án BĐS hình thành trong tương lai khi đã có sự bảo lãnh của tổ chức tài chính hoặc ngân hàng về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ đầu tư nếu chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình trong hợp đồng hai bên đã ký kết. Quy định mới này sẽ bảo vệ quyền lợi và tạo được tâm lý an tâm hơn cho người mua nhà trước tình trạng “bán nhà trên giấy” trong thời gian vừa qua. Qua đó, tạo được niềm tin trên thị trường BĐS, nhằm thúc đẩy thị trường tiếp tục phát triển.

3. Lần đầu tiên mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

Cũng trong khuôn khổ kỳ họp ngày 25/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đó, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định: Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.

Đây là một trong những điểm nổi bật nhất của Luật Nhà ở (sửa đổi), đáp ứng được sự mong mỏi của rất nhiều doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực BĐS. Quy định này được cho là sẽ tác động lớn tới thị trường BĐS thời gian sắp tới. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy, Chính phủ đang rất nỗ lực trong việc cởi bỏ dần những khó khăn đã hạn chế sự thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS Việt Nam trong thời gian qua.

4. Thống nhất cách tính diện tích căn hộ

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03/2014/TT-BXD ngày 20/2/2014 về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 21 của Thông tư số 16/2010/TT-BXD được Bộ Xây dựng ban hành ngày 1/9/2010.

Theo nội dung sửa đổi của Thông tư 03 thì diện tích sử dụng căn hộ được tính theo kích thước thông thủy và được ghi vào Giấy chứng nhận cấp cho người mua, bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ và diện tích ban công, lô gia (nếu có) gắn liền với căn hộ đó, không tính tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ. Khi tính diện tích ban công thì tính toàn bộ diện tích sàn, trường hợp ban công có phần diện tích tường chung thì tính từ mép trong của tường chung.

Thông tư 03/2014/TT-BXD có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 4 năm 2014. Trường hợp các bên đã ký hợp đồng mua bán căn hộ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì việc xác định diện tích căn hộ để tính tiền mua bán được thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ mà các bên đã ký kết.

5. Nới quy định vay gói 30.000 tỷ

Trong năm 2014, Chính Phủ đã ban hành nhiều Nghị Quyết, Thông tư bổ sung, sửa đổi Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61, trong đó mở rộng đối tượng và tăng thời hạn vay vốn tối đa là 15 năm thay vì 10 năm như quy định cũ cũng như giảm lãi suất gói 30 nghìn tỷ từ mức 6% xuống mức 5%. Đồng thời, không khống chế về diện tích căn hộ mà chỉ cần có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng. Trong báo cáo của 5 ngân hàng thương mại được giao thực hiện, tính đến 15/10, tổng số vốn đã cam kết cho vay là 7.944 tỷ đồng, đạt 26,5% tổng nguồn vốn, tổng dư nợ đã giải ngân là 3.583 tỷ đồng.

6. Bùng nổ các hoạt động M&A thâu tóm dự án

Năm 2014 là khoảng thời gian thị trường ghi nhận sự gia tăng mối quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đối với việc chuyển nhượng các dự án tại Việt Nam cũng như số lượng những thương vụ được chốt. Thực tế, từ 2 – 3 năm trước, các nhà đầu tư đã rất quan tâm tới M&A khi thị trường rơi vào trầm lắng, khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng triển khai tiếp dự án. Do đó, để diễn ra một thương vụ phải có thời gian hai bên mua bán gặp gỡ, thảo luận, đàm phán với nhau và việc này có thể kéo dài rất nhiều năm. Cho nên, giai đoạn năm 2014 – 2015 là kết quả của hàng loạt cuộc thương thảo dài từ trước và là thời điểm mà bên mua và bên bán cảm thấy đã đến lúc tiến hành thương vụ theo đúng chiến lược.

Trong năm 2014, các nhà đầu tư trong trong nước đã tiên phong trong việc thu gom dự án và đã có một năm giao dịch rất sôi động với những thương vụ có giá trị lớn. Những doanh nghiệp Việt có tiềm lực thật sự đã xuất hiện đúng lúc, nắm bắt cơ hội và tận dụng thời điểm để sở hữu các dự án có giá trị tiềm năng tốt, trong đó nổi bật nhất là những cái tên như Novaland, VinGroup, FLC Group, Hưng Thịnh, Đất Xanh… Với các nhà phát triển dự án bất động sản nước ngoài thì các tập đoàn lớn từ Thái Lan, Nhật Bản, Hoàn Quốc đang là thế lực nổi bật nhất, còn các công ty của Singapore như Keppel Land, Mapletree, Capitaland hay Ascott đang ngày càng đẩy mạnh các hoạt động của mình.

7. Thị trường BĐS phía Nam dậy “sóng” cuối năm

Trong khoảng thời gian từ cuối quý III đến hết quý IV năm 2014, thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh trải qua giai đoạn giao dịch sôi động nhất trong vài năm trở lại đây với hàng loạt dự án được bung hàng và có mức tiêu thụ tốt như Vinhomes Central Park, Masteri Thảo Điền, Vista Verde, Him Lam Chợ Lớn, Sunview Town, CitiHome...với các sản phẩm thuộc đủ phân phúc từ trung bình thấp đến trung và cao cấp.

Các dự án BĐS mở bán trong năm luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ khách hàng. Ảnh: Hà Duy

Còn tại huyện đảo Phú Quốc, thị trường cũng ghi nhận sự sôi động của mảng bất động sản nghỉ dưỡng do tuyến cáp truyền tải điện 110 KV từ đất liền ra đã chính thức được đưa vào sử dụng từ đầu năm. Cụ thể, đã có hàng loạt dự án được đưa vào vận hành cũng như đang bắt đầu triển khai như Vinpearl Phú Quốc của Tập đoàn Vingroup, Sonasea Villas & Resort rộng 80 ha của CEO Group, khách sạn 5 sao Crowne Plaza Phú Quốc của Syrena Việt Nam. Tập đoàn Nam Cường đang xúc tiến khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng gồm khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn khoảng 3.200 tỷ đồng…

8. Hạ tầng giao thông ngày càng được cải thiện hơn

Vào cuối năm 2014, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã công bố vị trí của Việt Nam về hạ tầng giao thông ở thứ hạng 74, tăng tới 16 bậc so với năm 2012, trong cuộc khảo sát diễn ra 2 năm một lần. WEF đã xem xét mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng dựa trên bốn phương thức giao thông chính: Đường bộ, hàng không, đường sắt và đường biển và khả năng liên kết của hàng không cũng như liên kết đường biển để đưa ra kết luận trên.

Đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây đang gấp rút hoàn thiện để kịp thông xe trước Tết. Ảnh: Hà Duy

Theo ghi nhận của DiaOcOnline, trong năm 2014 đã có hàng loạt dự án về hạ tầng giao thông được công bố, điển hình là tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai (dài 245 km) chính thức được thông xe vào tháng 9, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên lộ trình dài 20 km đang được thi công rầm rộ để kịp đưa vào vận hành khai thác từ năm 2018, tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương đang hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công vào đầu năm 2016, đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây (dài 55 km) đã thông xe một phần và chuẩn bị hoàn tất trước dịp Tết Nguyên Đán năm nay… Điều này sẽ thúc đẩy sự đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước với việc triển khai thêm nhiều dự án mới có quy mô lớn ăn theo hạ tầng và thị trường sẽ thực sự trở nên sôi động hơn trong năm 2015.


Hà Duy - DiaOcOnline.vn