Top

Tìm kênh bỏ vốn ngày càng khó

Cập nhật 06/04/2010 10:10

Không còn mua là trúng, thị trường chứng khoán lình xình, chi phí đầu tư cao khiến nhiều người có tiền đau đầu vì không biết nên đầu tư vào đâu để có lợi nhuận tốt nhất.

Không chỉ chứng khoán, đầu tư vào đất, mua vàng hay USD giờ đây cũng không còn thắng lớn như nhiều người mong đợi.

Đất, giá tăng mừng ít lo nhiều

Trong vòng một tháng qua giá đất tại khu vực quận 2 và 9 (TP.HCM) tăng theo tiến độ dìm hầm Thủ Thiêm. Tuy nhiên, ngược với giá, giao dịch không như mong muốn của người muốn bán đất.

Đất nền ở khu đô thị mới An Phú - An Khánh, tùy dự án, đang được chào bán với giá 31-44,5 triệu đồng/m2. Đất nền dự án ở Thạnh Mỹ Lợi được chào giá 20-40,5 triệu đồng/m2, tăng 100.000-200.000 đồng/m2. Trong khi đó, giá đất ở các quận khác thuộc TP. HCM vẫn đứng.

“Thông tin dìm hầm chỉ hâm nóng giá chứ chưa đủ thuyết phục người dân bỏ tiền mua đất. Lý do trước đây khi cầu Thủ Thiêm được khánh thành, nhiều người đầu tư đón đầu và nay đang ôm hàng. Nhiều người cũng ôm hàng sau sự kiện cầu Phú Mỹ thông xe. Không ít người lỡ mua đang tính toán bán nhà ở nội thành để xây nhà trên mảnh đất đã mua với ý định đầu tư lướt sóng. Số khác thì cầm cự, đắn đo có nên giảm giá bán” - ông Tâm, nhân viên môi giới nhà đất ở Q.2, giải thích lý do ít người mua bán. Ghi nhận thực tế tại một số sàn giao dịch trên đường Trần Não (Q.2), số khách hàng tìm hiểu mua đất để ở đông hơn nhưng cũng chỉ trả lời “để về bàn bạc lại”.

Vàng, USD yếu dần

Người giữ vàng đang băn khoăn khi giá vàng lình xình và có dấu hiệu xuống sức. Từ chỗ cao hơn 2-3 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đã thấp hơn giá vàng thế giới 60.000-70.000 đồng/lượng.

Giới kinh doanh cho rằng thị trường vàng sẽ còn chịu nhiều biến động do thay đổi chính sách của Nhà nước về quản lý vàng. Nhiều khả năng giá vàng sẽ giảm và không còn những đợt sốt giá làm giật mình nhiều người như trước.

Tương tự, người mua USD cũng đang lo khi giá USD tiền mặt tại thị trường tự do đang giảm dần. Các chuyên gia ngân hàng nói rằng đầu tư vào USD không còn hấp dẫn, ít nhất là trong vài tháng tới khi mà các biện pháp nhằm ổn định tỉ giá của Chính phủ vẫn phát huy tác dụng. Các chuyên gia cũng cho rằng để ổn định vĩ mô, Chính phủ sẽ để ý nhiều hơn đến giá vàng và USD vì thế khả năng tăng giá sẽ khó xảy ra.
Ghi nhận thực tế tại một số sàn giao dịch trên đường Trần Não (Q.2), số khách hàng tìm hiểu mua đất để ở đông hơn nhưng cũng chỉ trả lời “để về bàn bạc lại”.

Vợ chồng ông Hùng (Q.Tân Bình) đang cần chỗ ở cho biết giá đất nền tại các dự án ở Q.2 khá cao. Đất dự án ở khu vực Q.9 hay Thủ Đức có giá bán vừa phải thì dân cư lại thưa thớt, vắng vẻ.

Ông Hùng tính nhiều khu vực ở nội thành có giá khoảng 2 lượng vàng/m2 đất, trên đó đã có nhà. Với 3 tỉ đồng, tương đương trên 100 lượng vàng, có thể mua được một căn nhà với 50m2 đất ở nội thành để ở. Còn mua ở Q.2, 9 tuy đơn giá cho mỗi mét vuông đất chỉ khoảng một lượng vàng nhưng diện tích lớn, nền nhỏ cũng từ 100m2 trở lên. Mua đất ở đây phải từ 2 tỉ đồng/nền, đó là chưa kể tiền xây.

Điều mà những người có nhu cầu mua đất cất nhà ở khu vực Q.2, 9 băn khoăn là còn vắng quá.

Ông Sơn (Q.4, TP.HCM) cho biết người anh để lại miếng đất ở phường Thạnh Mỹ Lợi rẻ hơn giá thị trường 4 triệu đồng, chỉ 25 triệu đồng/m2 nhưng ông cũng ngần ngại. Vì nếu mua ông sẽ là người đầu tiên cất nhà ở khu vực này.

Giới đầu cơ ngại ôm hàng


Trong khi nhiều người muốn mua nhà để ở còn băn khoăn khi mua đất ở Q.2, 9 thì giới đầu tư cũng ngán ôm hàng vì chi phí đầu tư quá cao trong khi khả năng bán với giá tốt lại rất thấp.

Một người kinh doanh đất nay đã chuyển sang mua căn hộ nói đất ở Q.2, 9 đã qua tay nhiều nhà đầu tư, muốn mua phải tiền trao cháo múc.

Một nền biệt thự ở khu vực này khoảng 200m2, với giá 20-30 triệu đồng/m2, tính ra 4-6 tỉ đồng. Ít nhà đầu tư nào có đủ số tiền này mà phải đi vay ngân hàng. Nếu vay 2 tỉ, mỗi năm trả lãi gần 440 triệu đồng, mỗi tháng phải xoay tiền đóng cho ngân hàng 36 triệu đồng, chẳng ai kham nổi.

Do vậy, nhiều nhà đầu tư đất đã chuyển sang đầu tư căn hộ vì được mua theo giá gốc, lại góp vốn theo tiến độ, ngân hàng cho vay vốn. Nếu có lỡ ôm hàng vẫn có thể cho thuê, hằng tháng có tiền đóng lãi vay ngân hàng.

Thế nhưng đầu tư căn hộ nay cũng có xu hướng chựng lại, buộc chủ dự án phải giảm giá và tăng cường khuyến mãi.

Trả lời câu hỏi vì sao giao dịch thấp mà giá vẫn tăng, giám đốc một công ty bất động sản ở Q.2 tiết lộ vì khó bán được sản phẩm nên các chủ đất phải ký gửi chào bán tại nhiều văn phòng môi giới. Khi có một người hỏi mua, lập tức các văn phòng môi giới đồng loạt vào cuộc dồn dập đổ thông tin về khiến chủ đất lầm tưởng thị trường đang sôi động và nâng giá bán.

Một người đầu tư đất ở khu vực đường Trần Não nhưng không bán được nay đã xây nhà và dọn về ở tâm sự giá cứ lên mãi cũng khổ cho người có đất. Bán theo giá thị trường thì không có người mua. Có người động viên nên giảm giá để bán nhưng chẳng mấy người làm vì tiếc đứt ruột. Ấy vậy mà giá cứ tăng. Tới đây thông hầm Thủ Thiêm, giá còn lên nữa...

Khó kiếm tiền từ chứng khoán

Khác đầu năm ngoái, thị trường chứng khoán ngày càng trở nên “khó chơi” hơn với những người mới bỏ vốn mua chứng khoán.

Ông H.Nam, nhà đầu tư sàn SSI, cho biết tham gia thị trường cuối tháng 1-2010 nhưng càng chơi càng lún. Giá cổ phiếu GDT giữa tháng 1 là 24.000 đồng, sau đó giảm dần, có lúc chỉ còn 21.900 đồng. Suốt hai tháng cổ phiếu này cũng chỉ bật lên nhẹ rồi lại rơi xuống. Giữa tháng 3, ông H.Nam đành bán với giá 23.000 đồng/cổ phiếu, lỗ 20 triệu đồng.

Lỗ nặng nhất là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường giữa tháng 3.

Bà M.Hương - đầu tư tại sàn SBS - cho biết đầu tư mã TLH (Công ty CP Tập đoàn thép Tiến Lên) khi cổ phiếu này chào sàn giữa tháng 3. Nhưng năm phiên sau đó cổ phiếu này giảm hơn 18%. Khi cổ phiếu có dấu hiệu tăng lại, bà mua tiếp để bình quân giá. Ai ngờ đó chỉ là “sóng tăng giả”, cổ phiếu này giảm thêm. Sau hơn nửa tháng rót tiền vào thị trường bà M.Hương lỗ hơn 50 triệu đồng.

Nhiều người môi giới chứng khoán cho rằng thị trường ngày càng chuyên nghiệp, người mới đầu tư khó kiếm tiền khi thị trường có quá nhiều nhà đầu tư lướt sóng chuyên nghiệp.

Người mới chơi bao giờ cũng thận trọng, không dám bỏ vốn khi giá chứng khoán xuống. Phần lớn chỉ mua khi chứng khoán có xu hướng tăng rõ rệt. Thế nhưng, đó cũng là lúc giá chứng khoán chuẩn bị đi xuống, lỗ là vì thế.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJCS, cho biết thị trường chứng khoán hiện nay ít sóng hơn và biến động giá chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu nhỏ.

Do đó nhà đầu tư ăn chắc mặc bền lâu nay chỉ quen đánh các cổ phiếu lớn nản lòng vì càng đầu tư càng lỗ. Khi bị lỗ nặng, nhà đầu tư không can đảm cắt lỗ nên đành “nhắm mắt” làm nhà đầu tư dài hạn.

Nhà đầu tư nhỏ chuyển địa bàn


Nhà đầu tư tìm hiểu hạ tầng tại một dự án ở Bình Dương - Ảnh: H.A.

Trong khi thị trường đất ở TP.HCM vẫn yên ắng thì tại Bình Dương, Đồng Nai giới kinh doanh vẫn có đồng vào đồng ra. Nhiều nhà môi giới còn kỳ vọng mức tăng giá của năm 2010 sẽ là 30-50%.

Theo nhận định của giới chuyên môn, mua đất ở Bình Dương và Đồng Nai vẫn là nhà đầu tư đến từ TP.HCM do vừa với khả năng đầu tư của nhiều người. Như dự án Green River (60ha, khu đô thị Mỹ Phước 4, Bình Dương), giá chỉ 1,8-2,8 triệu đồng/m2. Một nền đất 150m2 ở Bình Dương có giá chưa tới nửa tỉ đồng, trong khi tại quận 2 nhà đầu tư phải bỏ ra 3-4 tỉ đồng.

“Thị trường bất động sản TP.HCM cần vốn lớn nên kén khách. Trong khi giá nhà đất ở Bình Dương hay Đồng Nai hiện vẫn ở mức thấp vừa với khả năng của nhiều nhà đầu tư. Đã có sự chuyển dịch địa bàn đầu tư của những nhà đầu tư có quy mô vốn nhỏ” - ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phân tích.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO