Top

Thị trường bất động sản đã qua đáy

Cập nhật 21/12/2014 07:58

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) năm 2014 đã có chuyển biến tích cực với lượng thanh khoản tăng rõ rệt, tình hình kinh doanh của các DN cũng có nhiều chuyển biến theo chiều hướng khả quan.

Phân khúc căn hộ bình dân là điểm sáng của thị trường trong năm 2014. Ảnh: Nguyễn Huế.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong 11 tháng 2014, đã có gần 10.000 giao dịch thành công qua các sàn tại thị trường Hà Nội và có 8.550 giao dịch thành công qua các sàn TP.HCM, chưa kể giao dịch trong dân tăng 100% so với năm 2013. Từ đầu năm đến nay giá nhà ở tương đối ổn định, xu hướng giảm giá trong năm 2013 gần như đã chấm dứt, thậm chí một số dự án đã đi vào hoàn thiện tăng từ 5-10% so với năm ngoái .

Trong năm 2014, phân khúc căn hộ có mức giá trung bình thấp tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, chiếm tỉ trọng lớn nhất về lượng bán ra. Giao dịch tập trung ở các căn hộ có diện tích từ 50m² đến 80m², giá bán dao động từ 12 đến 17 triệu đồng/m². Đặc biệt những dự án nằm trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng luôn thu hút được sự quan tâm của người mua. Nguồn cung của phân khúc này cũng tăng lên đáng kể do có nhiều dự án tham gia thị trường tập trung xây dựng các căn hộ dưới 70 m².

So với năm 2013, thị trường căn hộ cao cấp đã có sự chuyển biến khá tích cực, thanh khoản đã được cải thiện. Các dự án đạt được lượng thanh khoản đáng kể bởi có vị trí nằm gần trung tâm với cơ sở hạ tầng và giao thông thuận tiện, có mức giá từ 3-5 tỷ đồng/căn.

Tương tự, thị trường đất nền cũng có chuyển biến khá tích cực. Sự khởi sắc tập trung với chủ yếu ở khu vực phía Nam. Lượng giao dịch phân khúc đất nền tại TP.HCM  trong năm 2014 đã tăng từ 2 đến 3 lần chủ yếu tập trung ở các dự án thuộc khu vực ngoại ô. Tuy nhiên thị trường đất nền tại ở Hà Nội chưa có nhiều chuyển biến so với năm 2013.

Thị trường BĐS cho thuê trong năm 2014 ghi nhận nguồn cung tăng, giao dịch được cải thiện, tốc độ giảm giá chậm lại, thanh khoản tốt hơn, nguyên nhân chủ yếu là do sự cải thiện của kinh tế vĩ mô. Tính đến hết quý 3 năm 2014, diện tích văn phòng cho thuê tăng lên khoảng 20%, thanh khoản được cải thiện, giá thuê tương đối ổn định. Nguồn cung căn hộ cho thuê tại TP. HCM tăng 8%, Hà Nội tăng 19% nhưng giá thuê vẫn tiếp tục xu hướng giảm từ 2% đến 5%. Trong khi đó, thị trường bán lẻ cho thuê có xu hướng giảm giá mạnh hơn với mức giảm trung bình khoảng 12% đến15%. 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lượng tồn BĐS đã giảm mạnh trong những tháng vừa qua. Tính đến ngày 20-10-2014, tổng giá trị tồn kho BĐS trên cả nước còn 80.571 tỷ đồng, giảm 13.887 tỷ đồng so với tháng 12-2013, tương ứng giảm gần 15%. Tại Hà Nội tổng giá trị tồn kho còn khoảng 9.911 tỷ đồng, giảm gần 24%, tại TP.HCM tổng giá trị tồn kho còn 15.317 tỷ đồng giảm 12,3% so với năm 2013.

Bên cạnh đó, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực BĐS tăng trong những tháng gần đây. Các ngân hàng đã cung ứng vốn trở lại cho các dự án BĐS. Lượng vốn vay mua nhà tăng lên, điều này cho thấy dấu hiệu  của thị trường BĐS đang ấm dần lên.

Từ những chuyển biến tích cực của thị trường BĐS 2014, cùng với tác động của kinh tế vĩ mô và những thay đổi của chính sách liên quan, theo Giáo sư Đặng Hũng Võ, thị trường BĐS Việt Nam đã qua đáy và bắt đầu đi lên. Năm 2015 thị trường sẽ ấm hơn và giao dịch sẽ nhiều hơn không chỉ ở phân khúc giá thấp mà cả ở phân khúc giá trung bình và giá cao.

DiaOcOnline.vn - Theo Hải Quan