Top

Tháo chạy

Cập nhật 12/09/2013 08:18

Dư luận vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi tuần qua, hàng loạt dự án căn hộ cao cấp tuyên bố giảm giá sốc. Sốc bởi chưa bao giờ sản phẩm bất động sản được gọi là cao cấp lại đồng loạt giảm đến 50% giá bán - mức giảm quá cao.

Nhiều chuyên gia dự báo cơn lốc giảm giá này khởi đầu cho sự tháo chạy khỏi bất động sản của không ít nhà đầu tư lớn.

Không hẹn mà gặp, chỉ trong vòng 1 tuần, 2 dự án nhà ở thuộc phân khúc cao cấp tại những vị trí đắc địa ở TP HCM công bố giảm giá bán. Công ty Bất động sản Phát Đạt giảm 50% giá bán khu biệt thự, nhà phố thương mại cao cấp ven sông dự án The EverRich 3. Tập đoàn Novaland giảm giá bán khu căn hộ North Towers giai đoạn 3 dự án Sunrise City (quận 7), với mức giảm giá gần 50%, còn khoảng 27 triệu đồng/m2. Trước đó chưa lâu, Hoàng Anh Gia Lai - tập đoàn tên tuổi nổi lên nhờ bất động sản - cũng bất ngờ tuyên bố không đầu tư mới vào bất động sản trong nước sau khi giảm giá hàng loạt dự án. Thị trường bất động sản đang thực sự rúng động! Nhiều người chờ đợi ai sẽ tuyên bố giảm giá tiếp theo bởi cuộc cạnh tranh về giá đã vào hồi quyết liệt.

Hàng loạt bất động sản hạ giá đã cho thấy chủ đầu tư đang thực sự cần tiền, áp lực trả nợ vay ngân hàng là điều có thực. Mặt khác, đây cũng là cơ hội cho người mua nhà vì giá bất động sản sau một thời gian dài nhởn nhơ “trên trời”, nay bắt đầu “hạ cánh”. Và đằng sau câu chuyện đại hạ giá này còn nhiều vấn đề phải bàn. Đó là sự thiếu hụt hệ thống cảnh báo của cơ quan quản lý. Một thời chưa xa, ra ngõ là gặp đại gia bất động sản. Không ít người trong số họ vốn là “tay không bắt giặc”, thiếu tiềm lực, kinh nghiệm nhưng thừa khôn ngoan chạy dự án. Tình trạng đầu tư phát triển dự án ồ ạt, giá cả tăng vọt hầu như không kiểm soát được, sản phẩm ứ đọng... đã khiến không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân và nền kinh tế phải trả giá. Ngay cả khi giá cả bất động sản được xem là đang trở về giá trị thực như hiện nay cũng không ai dám khẳng định đâu là giá trị thực vì ở Việt Nam thật khó xác định thế nào là giá thực hay là giá sát với thực tế khi giá thành sản phẩm phải cõng biết bao loại thuế, phí và những khoản chi quan hệ khác mà nếu thật sòng phẳng thì doanh nghiệp không biết sẽ hạch toán vào đâu. Chưa kể những thay đổi bất ngờ về chủ trương, chính sách hay những quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo hướng lợi ích cục bộ.

Còn câu chuyện nữa tiếp theo sau đợt đại hạ giá, đó là sẽ có nhiều doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh, không tự cứu nổi mình; là tình trạng bán toàn bộ dự án, xin phá sản doanh nghiệp, mua bán sáp nhập doanh nghiệp... Và đây chính là cơ hội cho các ông chủ mới - những nhà đầu tư nước ngoài. Họ sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhất vì mua được dự án với giá hời nhưng sau đó bất động sản đến tay người cần mua chưa hẳn với giá rẻ.

Tóm lại, sự tháo chạy khỏi bất động sản của nhiều nhà đầu tư lớn chính là bài toán khó cho các nhà quản lý.


DiaOcOnline.vn - Theo Người lao động