Top

Nhà ở xã hội: Khó cả “hai nhà”

Cập nhật 08/10/2011 10:10

Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thành ủy TP Hồ Chí Minh xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ VIII. Tuy nhiên, những bất cập trong chính sách đang là rào cản để chương trình này phát huy hiệu quả: Doanh nghiệp khó vay tiền đầu tư dự án, còn người dân không đủ điều kiện mua nhà!

Cánh cửa hẹp cho người dân

Từ năm 2006 đến nay, Quỹ phát triển nhà ở đã cho 790 khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà thuộc dự án NƠXH, nhà cho các đối tượng thu nhập thấp, nhà tái định cư với tổng số tiền hơn 217 tỷ đồng. Đây là con số quá ít so với khoảng 20.000 hộ CB-CNV, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang cần hỗ trợ về nhà ở.


Nhà ở dành cho người thu nhập thấp cần được ưu tiên.

Để được vay, khách hàng phải đáp ứng một số điều kiện cơ bản như: Có hộ khẩu thường trú tại TP, thời gian làm việc trên 3 năm, có khả năng tài chính trả trước 30% giá trị nhà và chứng minh nguồn thu nhập ổn định (để trả vốn và lãi vay); hạn mức cho vay tối đa 400 triệu đồng và không quá 70% giá trị căn nhà, thời hạn vay tối đa 15 năm với mức lãi suất 9%/năm theo quy định... Tuy nhiên, không dễ vay được tiền để mua NƠXH dù cơ chế đã ban hành, đó là khẳng định của phần lớn cán bộ, công chức có nhu cầu về nhà ở.

Một số quy định gây nhiều tranh cãi nhưng vẫn chưa được chỉnh sửa, đó là bắt buộc phải có hộ khẩu ở TP, hay diện tích nhà đang ở thấp hơn 8m2/người. Anh Nguyễn Văn Bình, cán bộ phường 5 quận 9, cho biết, gia đình anh thuê căn hộ 30m2 từ 3 năm nay, kế hoạch sang năm sinh thêm con nên cần căn hộ 50-60m2 có 2 phòng ngủ, nhưng ở nhà thuê thì không ổn định vì chủ nhà có thể tăng giá hoặc lấy lại bất cứ lúc nào. Mua nhà dành cho người thu nhập thấp là giải pháp tốt nhất mà anh chị lựa chọn, nhưng như anh Bình cho biết, để được nhập hộ khẩu, anh phải nhờ người nhà bảo lãnh. Hai vợ chồng gom góp được 300 triệu đồng tìm đến Quỹ phát triển nhà ở, thế nhưng vẫn không được vay vì gia đình có 3 người, đang thuê một căn hộ rộng 30m2, bình quân những… 9,3m2/người, lớn hơn so với quy định! Những quy định khắt khe và bất hợp lý đang là những rào cản đối với những người thực sự có nhu cầu mua NƠXH, nhà thu nhập thấp.

Để giải quyết tận gốc vấn đề NƠXH phải có cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng nhà cho người thu nhập thấp, hoặc tạo quỹ NƠXH để người có thu nhập thấp được thuê dài hạn hay mua trả góp trong thời gian dài. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Nhà nước cần nới rộng điều kiện cho vay, bỏ định mức bình quân dưới 8m2/người, nhất là đối với người ở nhờ, ở thuê; mở rộng đối tượng và nới rộng thời gian cho người thu nhập thấp có thể vay 15-20 năm, thay vì 10 năm như hiện nay; số tiền vay cũng nhiều hơn để phù hợp với giá thị trường.

Doanh nghiệp vướng chính sách


Nhà ở tại TP Hồ Chí Minh đang phát triển theo xu hướng "lệch pha", nghĩa là căn hộ thì dư thừa nhưng nhà cho đối tượng thu nhập thấp và trung bình vẫn thiếu. NƠXH là dòng sản phẩm được chờ đón trong những năm tới nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, Nhà nước chưa có những chính sách, giải pháp cụ thể để định hướng, điều tiết thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, dẫn đến tình trạng mất cân đối, dư thừa phân khúc nhà ở cao cấp mà thiếu phân khúc nhà ở thu nhập thấp và nhà cho thuê. Lãnh đạo TP đề nghị Bộ Xây dựng có chính sách cụ thể hỗ trợ cho các đối tượng để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, NƠXH. Theo Sở Xây dựng TP, trong số hơn 100 dự án NƠXH, nhà giá thấp được đăng ký, đến nay mới chỉ có 6 dự án đang xây dựng và 17 dự án khác được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nguyên nhân của việc chậm triển khai các dự án NƠXH là chưa có chính sách khuyến khích các chủ đầu tư bỏ vốn đầu tư, vì xây dựng nhà ở thu nhập thấp không đạt hiệu quả kinh tế, khả năng thu hồi vốn chậm. Các chủ đầu tư phải chủ động bồi thường giải phóng mặt bằng, giá căn hộ do Nhà nước thẩm định, đối tượng mua lại bị hạn chế trong khi Nhà nước chưa có chế độ hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các đối tượng này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP cho rằng, Nhà nước phải thể hiện vai trò chính đối với chương trình NƠXH. Cụ thể, việc xây dựng chỗ ở lưu trú cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên dứt khoát phải bằng nguồn lực của Nhà nước. Riêng nhà cho người có thu nhập thấp phải "xã hội hóa" bằng cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp tham gia. TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận định: Chính phủ cần xây dựng chiến lược phát triển nhà ở trên nền tảng cho đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức... nhằm tạo ra môi trường sống lý tưởng cho người dân.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới