Top

Nhà đầu tư Việt chiếm lĩnh thị trường bất động sản?

Cập nhật 30/10/2009 11:40

Ảnh: Văn Khánh.

Xu hướng nhà đầu tư Việt Nam nổi lên và khẳng định vị trí tại các dự án bất động sản đang ngày càng lộ rõ.

Ngoại bán, nội mua

Thông tin về việc Tập đoàn Vinacapital bán 70% cổ phần khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội Opera Hilton cho một “đại gia” trong nước khiến dư luận quan tâm. Phải chăng các doanh nghiệp nước ngoài đã không còn mặn mà với thị trường Việt Nam hay họ chuyển hướng sang một thị trường khác khi mà thị trường bất động sản được cho là béo bở này không còn sinh lời nữa?

Ông Marc Towsend, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam nhận định: “Có thể dự án đó cần một ông chủ mới để được tân trang lại và làm mới thêm, hoặc cũng có thể họ bán là vì cần tiền để đầu tư một dự án nào đó...”

Trên thực tế, khi thị trường mở cửa thì nguồn vốn của các tập đoàn nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản là một kênh huy động vốn rất hiệu quả và được các doanh nghiệp quan tâm hợp tác đầu tư. Kinh nghiệm xây dựng, thiết kế, quản lý và phát triển các khu đô thị của các nhà đầu tư nước ngoài đã giúp cho các nhà đầu tư Việt Nam nhiều bài học hữu ích.

Trong giai đoạn 2006-2007, đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam được xem là siêu lợi nhuận, đặc biệt là cao ốc văn phòng cho thuê. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào các dự án này.

Tuy nhiên do tác động của suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến hậu quả là thị trường văn phòng cho thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh đang lâm vào một cuộc khủng hoảng thừa, ông Marc Towsend đánh giá.

Thống kê của CBRE, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có gần 160.000m2 sàn để trống mặc dù giá thuê đã giảm hơn một nửa (VP hạng A chỉ còn 41USD/m2/tháng). Dự đoán phải 4-5 năm nữa, cung-cầu mới gặp nhau.

Lợi tức giảm nên thời gian thu hồi vốn cũng lâu hơn. Trong khi đó, cạnh tranh đầu tư vào dự án khách sạn, văn phòng cũng ngày càng gay gắt hơn. Hàng loạt dự án văn phòng cho thuê mọc lên ở khu vực quận 1, quận 2, quận 7, quận 9… đã tạo áp lực lên các nhà đầu tư nước ngoài đến sau.

Điều tất yếu xảy ra, khi lợi nhuận của thị trường căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê giảm mạnh thì nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam để tập trung đầu tư vào Trung Quốc, Singapore, Hongkong… được cho là có tính ổn định cao hơn.

Khi ngoại làm “quân xanh”

Ngày 22/10, Công ty Novaland của Việt Nam - chủ đầu tư dự án Sunrise City và Tập đoàn Pacific Star, một trong những công ty hàng đầu về bất động sản châu Á ký kết hợp tác chiến lược, theo đó Pacific Star sẽ làm tư vấn triển khai khu thương mại sầm uất Sunrise City (quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh).

Dự án Sunrise City được xem là dự án lớn nhất hiện nay với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, vừa mới làm lễ triển khai thi công phần thân tòa nhà. Khu thương mại Sunrise City gồm 5 tầng với hơn 70.000m2 sàn, một phần của khu phức hợp Sunrise City.

Khi hoàn thành vào năm 2012, Sunrise City sẽ mang đến cho khách hàng một khu phức hợp gồm 14 tòa tháp căn hộ cao cấp và trung tâm mua sắm thương mại sầm uất, hiện đại trên tổng diện tích 5ha.

Theo thỏa thuận này, Pacific Star sẽ chịu trách nhiệm về ý tưởng tổng thể và tạo thêm giá trị gia tăng thông qua các nghiên cứu khả thi, tư vấn các khía cạnh ảnh hưởng đến hoạt động bán lẻ, hoạch định thương mại, cho thuê trực tiếp, tư vấn bổ nhiệm đại lý, cũng như tư vấn tiếp thị quảng cáo, khuyến mại trước khi khai trương khu thương mại.

Trước đó, ngày 21/10, một nhà đầu tư ngoại khác là Kumho cũng được nhà đầu tư Việt Nam ký kết hợp tác chiến lược. Trong thỏa thuận hợp tác này, Công ty Cổ phần Địa ốc Viễn Đông Việt Nam (Viendong Land) - thành viên Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) đồng ý dành ưu tiên cho Kumho lựa chọn nhà thầu chính cho dự án Viễn Đông Meridian tại thành phố Đà Nẵng, với điều kiện Kumho trình lên Viendong Land các đề án đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật.

Hàng loạt dự án lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh đang thuộc về các nhà đầu tư nội địa như Công ty Vincom (tòa tháp đôi 26 tầng), Petrovietnam, Bitexco (tòa tháp cao nhất Việt Nam 68 tầng), Times Squeare và SJC…

Nhận định về xu hướng “nội hóa” này, ông Marc Towsend, Tổng giám đốc CBRE cho rằng đó là điều tất yếu trong quá trình phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, việc các công ty nội địa đang dần chiếm lĩnh thị trường không có gì khó hiểu.

Các nhà phát triển dự án Việt Nam với lợi thế về sự am hiểu sâu sắc lối sống, văn hóa cũng như nhu cầu của thị trường đối với người Việt Nam sẽ nhanh chóng tạo được niềm tin của người mua.

Hơn nữa, với nguồn vốn đã dồi dào, họ sẽ thực hiện nhiều dự án có chất lượng cao hơn cả nhà đầu tư nước ngoài.
 

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+