Top

Môi giới bất động sản: Kẻ thúc ngựa chưa được nhắc tên

Cập nhật 20/02/2014 08:35

Kiếm tìm yếu tố giải thoát thị trường bất động sản khỏi giai đoạn ảm đạm, người ta thường nhắc đến vấn đề vĩ mô. Tuy nhiên, quan sát kỹ thị trường thời gian qua dễ nhận thấy, người môi giới đã là nhân tố quan trọng làm thay đổi thanh khoản trên thị trường.


Thị trường bất động sản chưa thoát khỏi thời kỳ khó khăn nhưng thanh khoản trên thị trường đã bắt đầu được cải thiện từ thời điểm trước Tết âm lịch.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường đang nóng hơn nhờ hàng loạt các chính sách tung ra mới đây của Chính phủ. Đồng thời, tâm lý người tiêu dùng cũng cải thiện khi giá nhà đánh trúng vào nhu cầu thực. Doanh nghiệp cũng có sự rà soát, chuyển dịch cơ cấu dự án và chuyển dịch cơ cấu căn hộ, nên hàng hóa thích hợp người mua.

Cũng đánh giá về việc tăng thanh khoản trên thị trường bất động sản thời gian gần đây, giới kinh doanh lại cho rằng, những định hướng chính sách vừa ban hành chỉ mới tác động đến thị trường ở mức độ tâm lý; để đánh giá hiệu quả phải cần một thời gian dài. Thị trường bất động sản vốn diễn ra theo diễn biến cung cầu thường thấy. Thị trường ấm dần lên khi cung gặp được cầu và để cung gặp được cầu cần một sợi dây kết nối đó là môi giới.

Theo quan điểm của ông Trần Như Trung – Phó Giám đốc Công ty Tư vấn BĐS Savills Việt Nam, thị trường bất động sản diễn biến chưa như kỳ vọng nhưng thanh khoản đã cải thiện. Trong đó cần ghi nhận nỗ lực của nhóm tư vấn, môi giới và bán hàng. Đối tượng bán hàng này đã tiếp cận khách bằng mọi hình thức, mọi thời điểm và đây cũng là nhóm đối mặt với nhiều khó khăn nhất khi thị trường đi xuống.

Trở thành yếu tố quan trọng bất đắc dĩ

Năm 2013, Liên minh sàn bất động sản G5 đã giao dịch thành công 1.485 căn, Siêu Thị Dự Án Cen Group bán được 1.100 căn, Liên minh R9+ được 1.056 căn.

Khi thị trường bất động sản đi xuống, người đáng lo nhất thường là những ông lớn như chủ đầu tư, doanh nghiệp.

Thế nhưng, môi giới bất động sản còn gặp phải khó khăn kép. Việc bán được hay không bán được hàng ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo hàng ngày của họ. Đó cũng là lý do buộc môi giới phải tìm cách đẩy sản phẩm sang tay khách hàng.

Môi giới bất động sản thời điểm này phải đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội hơn, theo đó, sự sàng lọc của thị trường cũng diễn ra kịch liệt.

Trong bối cảnh đó, người bán hàng phải tự thay đổi nhằm thích nghi với các thay đổi của thị trường. Khi người tiêu dùng mất niềm tin vào chủ đầu tư, nghi ngại về chất lượng sản phẩm và chưa đủ nguồn tài chính... người bán hàng càng phải bỏ nhiều công sức và thời gian để "lăn lộn" với khách hàng hơn.

Cũng nhờ đó, thị trường bất động sản sẽ có lợi nhờ lực lượng bán hàng. Việc cạnh tranh giữa các nhóm bán hàng sẽ tạo sự minh bạch hóa các sản phẩm đưa ra thị trường bất động sản. Người tiêu dùng được giảm áp lực về giá cả, các chính sách chiết khấu ưu đãi. Nhóm bán hàng sẽ phải có các dịch vụ tư vấn để kéo khách hàng cũng như để các chủ đầu tư yên tâm giao phó các sản phẩm cho các sàn.



DiaOcOnline.vn - Theo Người Đồng Hành