Top

Luật kinh doanh bất động sản: “Một mũi tên, trúng hai đích”

Cập nhật 01/06/2014 05:58

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng: Quy định trong dự thảo sửa đổi Luật kinh doanh BĐS là “một mũi tên, trúng hai đích”, nó không thủ tiêu sàn BĐS mà giảm phiền hà cho cả DN lẫn khách hàng, trong đó lợi ích của khách hàng là trên hết.


Ông Nguyễn Ngọc Thành
* Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định việc bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà đất không bắt buộc phải qua sàn giao dịch mà chỉ khuyến khích nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên. Xin ông cho biết ý kiến của ông về sự thay đổi này?

Trước đây, mục đích của việc bắt buộc mua, bán BĐS phải qua sàn là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người mua, đồng thời kết nối với thị trường hiệu quả hơn, bởi thông tin hàng hóa, sản phẩm của hệ thống các sàn BĐS được công khai đầy đủ, rõ ràng, sinh động. Bên cạnh đó, giao dịch qua sàn có thể quản lý tốt hơn thông tin BĐS: về giá cả, về tính pháp lý của sản phẩm... Nhưng thực tế triển khai có nhiều bất cập. Vì qua sàn làm tăng chi phí cho giao dịch, cho sản phẩm và cái này người tiêu dùng phải gánh chịu. Ngoài ra, bên cạnh những sàn nghiêm túc, có sàn không có đủ điều kiện chuyên môn, đưa thông tin sai lệch, giá bị biến dạng so với giá của chủ đầu tư, sản phẩm chưa có tính pháp lý đầy đủ... làm ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng.

Để khắc phục những bất cập đó, Dự thảo Luật lần này đề xuất không bắt buộc mà chỉ khuyến khích giao dịch qua sàn. Theo tôi, quy định này là hợp lý, nó cho chúng ta những giải pháp hạn chế bất cập, hiệu quả cho nhà đầu tư, giảm chi phí cho người dân.

* Ông có thể cho biết rõ hơn về tính hợp lý của việc bỏ quy định này?

Trước hết, việc bỏ quy định bắt buộc giao dịch qua sàn sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các sàn. Sàn nào có đủ uy tín sẽ thu hút được khách hàng. Sàn không nghiêm túc, không uy tín, không đủ tiêu chuẩn sẽ bị loại trừ. Các dự án cũng sẽ phải cạnh tranh nhau, từ đó tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng với giá cả phù hợp.

Bên cạnh đó, để thực hiện công khai, minh bạch thị trường BĐS có nhiều cách, không nhất thiết phải qua sàn. Đơn cử, thời gian qua Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tổ chức các triển lãm, phiên giao dịch BĐS. Ở đây khách hàng được tiếp cận với các dự án đã được kiểm duyệt, được chuẩn hóa làm cho tiếp nhận của thị trường đầy đủ hơn.

* Theo ông, quy định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của các DN đang thực hiện môi giới BĐS cũng như chủ đầu tư?

Như tôi đã nói, vì không bắt buộc phải giao dịch qua sàn, cho nên sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các sàn giao dịch, các nhà môi giới, vì lúc này người dân có nhiều sự lựa chọn và chỉ sàn uy tín mới được khách hàng tìm đến. Ngay việc tổ chức các hội chợ, phiên giao dịch BĐS cũng là tạo ra sự cạnh tranh giữa các chủ đầu tư và nhà môi giới. Điều này dẫn đến người tiêu dùng thuận lợi trong lựa chọn sản phẩm, nhà cung cấp. Nó cũng sẽ góp phần hạn chế tăng giá trong giá trị BĐS, hạn chế hoạt động phi tiêu chuẩn, gây nhiễu về giá, đồng thời giảm chi phí, giảm thủ tục cho nhà đầu tư.

Không bắt buộc giao dịch qua sàn cũng đòi hỏi chủ đầu tư hoặc nhà môi giới phải chuyên nghiệp trong hành nghề để tạo ra niềm tin. Trong bối cảnh có nhiều sự lựa chọn, nếu muốn lập sàn, cá nhân, tổ chức phải tạo ra vị thế bằng uy tín hành nghề, chất lượng dịch vụ, lợi ích cho người tiêu dùng. Từ đó hoạt động của các sàn sẽ lành mạnh hơn, chuẩn mực hơn.

Nói tóm lại, việc bỏ quy định này không ảnh hưởng tiêu cực đến các sàn, vì các sàn không đủ tiêu chuẩn cần loại bỏ. Quy định này là “một mũi tên, trúng hai đích”, nó không thủ tiêu sàn BĐS mà giảm phiền hà cho cả DN lẫn khách hàng, trong đó lợi ích của khách hàng là trên hết.


Bỏ giao dịch qua sàn sẽ giúp khách hàng tiếp cận nhà ở với giá cả cạnh tranh. Ảnh: Hoài Anh

* Theo ông, để tiếp tục thu hút và mở rộng khách hàng, các sàn giao dịch BĐS cần phải làm gì? Sàn BĐS của công ty CDI do ông quản lý có những chiến lược gì để thu hút khách hàng?

Tôi cho rằng để tồn tại và phát triển, các sàn BĐS phải chuyên nghiệp hơn trong hoạt động dịch vụ. Hiện nay một số sàn do nhân viên chỉ mới hiểu biết về chào bán, nhưng kiến thức về pháp luật, marketing... chưa sâu, cần phải được đào tạo. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phải được nâng cao, phải giới thiệu sàn trên hệ thống thông tin đại chúng để tiếp cận đông đảo khách hàng. Trên tất cả, chất lượng dịch vụ tăng cao là mục tiêu của kinh doanh BĐS mà bất cứ DN nào cũng phải hướng tới.

Sàn giao dịch BĐS của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đầu tư Hải Phòng (CDI) đã thành lập được 6 năm, hiện nay, ngoài cung cấp sản phẩm của CDI cho thị trường, sàn CDI không có mục tiêu khai thác sản phẩm của các nhà đầu tư khác, mà là khai thác các giao dịch BĐS của đô thị.

Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan