Top

Làm khó cho dân

Cập nhật 05/09/2014 13:25

Thông tư 10/2014 của Bộ Xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2014, quy định: Chủ công trình xây dựng từ 7 tầng trở lên phải nộp hồ sơ thiết kế đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp của chính quyền địa phương để thẩm tra thiết kế. Thật tốt khi xuất phát điểm của Thông tư trên là muốn quản lý chặt chẽ hơn nữa chất lượng các công trình xây dựng, nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản. Song, điều đáng bàn ở đây là để quản lý tốt hơn, thay vì nhận cái khó về phía cơ quan nhà nước thì Thông tư trên lại đùn cái vất vả cho người dân. Quy định trên như một hình thức "đẻ” thêm "giấy phép con” khiến người dân có thể sẽ lại bị... hành là chính.

Luật Xây dựng cũng đã tính đến việc "bảo hành” độ an toàn của công trình xây dựng. Ảnh: Hoàng Long

Theo quy định của Luật Xây dựng hiện hành, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp... muốn xây dựng công trình phải nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền (theo phân cấp) để xin cấp phép xây dựng. Hồ sơ bao gồm: Đơn xin cấp giấy phép xây dựng (theo mẫu), bản sao (công chứng) giấy tờ về quyền sử dụng đất và hồ sơ thiết kế xây dựng công trình. Tùy từng trường hợp cụ thể, chủ công trình xây dựng cần bổ sung một số giấy tờ, tài liệu khác: Đối với trường hợp công trình của doanh nghiệp, tổ chức cần có Giấy đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập của chủ đầu tư; đối với công trình thuộc dự án phải có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của người quyết định đầu tư...

Như vậy là ngay trong Luật Xây dựng cũng đã tính đến việc "bảo hành” độ an toàn của công trình xây dựng, khi yêu cầu chủ công trình xây dựng phải có hồ sơ thiết kế công trình kèm theo mới được cấp giấy phép xây dựng. Trong những năm qua, Luật Xây dựng cũng như Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật cũng chỉ có vậy, nhưng chất lượng công trình hầu như đảm bảo an toàn. Cá biệt có một số công trình xảy ra sự cố mất an toàn ngoài ý muốn là do cơ quan cấp phép xây dựng không thẩm định kỹ hồ sơ xin cấp phép xây dựng, chủ công trình xây không phép hoặc sai phép. Có lẽ cũng do sự mất an toàn của một số công trình xây dựng trong thời gian qua mà Bộ Xây dựng quyết định bổ sung thêm "giấy phép con”: Thẩm định hồ sơ thiết kế.

Cũng theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, hồ sơ thiết kế mà chủ công trình xây dựng phải nộp khi xin cấp phép xây dựng bao gồm cả bản vẽ thiết kế kiến trúc (cảnh quan) và thuyết minh kết cấu (chịu lực). Nếu cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng (theo phân cấp) thẩm định kỹ hồ sơ thiết kế mà chủ công trình xây dựng nộp khi xin cấp phép xây dựng, thì đâu cần đến một "giấy phép con” theo Thông tư 10/2014 của Bộ Xây dựng? Nói vậy sẽ có ý kiến cho rằng: UBND quận, huyện, thị xã... cũng có thẩm quyền cấp phép xây dựng (đối với một số công trình theo phân cấp), nhưng lại không thể thẩm định hồ sơ thiết kế vì không có chuyên môn. Xin thưa, điều đó hoàn toàn là bao biện, bởi lẽ ở bất cứ quận, huyện nào cũng có Phòng Quản lý đô thị có chức năng quản lý nhà nước, đồng thời tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã cấp giấy phép xây dựng. Những cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại phòng chức năng này đa số là những người được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Xây dựng hoặc Khoa Xây dựng Trường Đại học Kiến trúc, hay chí ít là cũng có kiến thức về xây dựng, không lẽ lại không thể thẩm định hồ sơ thiết kế?

Ở bài viết này, loại trừ chưa bàn đến vấn đề chủ công trình "điếc không sợ súng” cứ xây dựng mà không có phép, chỉ bàn đến vấn đề thẩm định và cấp phép xây dựng của các cơ quan nhà nước. Trên thực tế nhiều cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng chưa làm tròn chức trách của mình, dẫn đến việc một số công trình xây dựng không đảm bảo an toàn khi thi công cũng như khi sử dụng. Đó là còn chưa kể đến không ít trường hợp có sự "nhấm nháy” tiêu cực, nhận hối lộ để rồi cấp phép bừa bãi không cần biết đến hậu quả. Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm cấp phép xây dựng cũng chưa được các cơ quan chức năng làm rốt ráo nên chủ công trình xây dựng đã cố ý làm sai phép, không đúng với thiết kế kiến trúc và thiết kế kết cấu ban đầu được cấp phép. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc mất an toàn của công trình xây dựng.

Thôi thì thêm một khâu thẩm định thiết kế cho "chắc ăn”, đảm bảo "an toàn tuyệt đối” cũng tốt. Song, việc này phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng tự làm, chứ không thể đẩy trách nhiệm đó cho người dân. Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm những bước không cần thiết trong thủ tục hành chính để giảm phiền hà cho người dân, tránh nhũng nhiễu tiêu cực, không lẽ Bộ Xây dựng lại muốn thêm "giấy phép con” để người dân thêm khổ? Hiện, chỉ với việc nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng mà người dân ở một số địa phương đã phải chờ đến vài tháng, vậy thì với việc phát sinh thêm khâu thẩm định thiết kế thì không biết sẽ phải mất bao nhiêu thời gian. Ngoài ra, việc phải "lụy” thêm "cửa” thẩm định hồ sơ thiết kế còn khiến người dân phải thêm một lần "phí bôi trơn” nếu muốn không bị... hành là chính.


DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết