Top

"Hóa kiếp" dự án chưa hẳn là giải pháp toàn diện

Cập nhật 24/03/2012 09:15

Thời gian qua, trước khó khăn của thị trường BĐS, đồng vốn cạn kiệt, nhiều chủ dự án đã bằng mọi cách chuyển đổi công năng các dự án bất động sản với mong muốn giải quyết được nhu cầu về thanh khoản. Nhà đầu tư được gì và mất gì sau khi các dự án được “hóa kiếp”?

Phổ biến nhất cho hiện tượng chuyển đổi công năng dự án trong thời gian vừa qua xảy ra tại khu trung tâm TP.HCM.

Một số dự án “tên tuổi” đi đầu có thể kể đến như dự án căn hộ triệu đô Diamond Island (Đảo Kim Cương). Từ dự án căn hộ triệu đô, Diamond Island đã dành hẳn bolck A và C làm căn hộ dịch vụ cho thuê.

"Hóa kiếp" dự án chưa hẳn đã là tối ưu cho nhà đầu tư (Ảnh minh họa)

The Vista (quận 2) cũng rơi vào trường hợp tương tự khi có tới 250 căn hộ của dự án này chuẩn bị được cho thuê trong thời gian tới. Dự án XI Riverside Palace cũng có tới 40 sản phẩm được chuyển thành căn hộ dịch vụ. Dự kiến 258 căn của block 3 dự án này được chào bán và cho thuê.

Đáng chú ý nhất là tòa nhà Bến Thành Times Square nằm tại vị trí đắc địa của quận 1. Theo chủ đầu tư, 30 căn hộ tồn đọng được chuyển thành căn hộ dịch vụ.

Ngoài những dự án nói trên, còn hàng loạt các công trình khác cũng đang rục rịch cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng. Ngay cả tên tuổi lớn như Công ty cổ phần phát triển nhà Hoàng Anh (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) chuyên phát triển căn hộ cũng đang chuyển khu đất xây cao ốc rộng 8 hecta tại quận 9 sang phân lô bán nền. Đây là một trong những sản phẩm đất nền hiếm hoi của doanh nghiệp này.

Trước “cơn bão” “hóa kiếp” dự án, ông Lý Mạnh - tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Vương cho rằng, chắc chắn các doanh nghiệp khi tính toán chuyển đổi công năng dự án là họ đã cân nhắc đến chuyện thiệt hơn. Tuy nhiên, vấn đề còn phụ thuộc vào vị trí dự án bởi có những vị trí xây chung cư vẫn có lợi và có những khu vực chỉ xây trung tâm thương mại mới có lợi chẳng hạn.

Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xin chuyển đổi mục đích từ nhà cao tầng sang thấp tầng chỉ thực sự có lợi cho những dự án mới đang xin triển khai, còn với những dự án cũ chưa chắc đã có lợi hơn.

Nói về thực trạng này, ông Vũ Tuấn Định - phó giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội đã có ý kiến: “Bài toán này các doanh nghiệp phải tính kỹ chứ không phải thị trường bất động sản giảm sút thì doanh nghiệp xin chuyển đổi. Nhỡ đâu, trong 1-2 năm tới, thị trường tốt lên thì doanh nghiệp tính sao?” Vì thế, việc chuyển đổi công năng các dự án có thể được nhưng tùy thuộc vào từng vị trí. Bởi khi phê duyệt dự án, cơ quan quản lý đã xem xét đến các phương án cảnh quan, không gian dự án có phù hợp với quy hoạch chung cũng như đảm bảo điều kiện về việc phân bố dân cư hay không...

Hơn nữa, theo quy định thì trong các quận trung tâm việc xin chuyển đổi từ chung cư cao tầng sang tổ hợp văn phòng có thể được, còn nếu doanh nghiệp xin phân lô bán nền là không thể. Đó là chưa kể đến chênh lệch tiền thuế mà doanh nghiệp phải nộp khi chuyển đổi mục đích các dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo Nguời đưa tin