Top

Gói 30.000 tỉ: Chưa đáp ứng kỳ vọng!

Cập nhật 17/08/2013 10:12

Bộ Xây dựng sẽ tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng căn nhà mua làm tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng.

Theo NHNN, việc xem xét cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội còn chậm. Ảnh: HTD

“Việc triển khai gói 30.000 tỉ đồng trong thời gian đầu chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội do một số khó khăn. Trong đó, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ, còn một số vấn đề đang được Bộ Xây dựng cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp xử lý” - NHNN cho biết như vậy tại buổi họp báo công bố kết quả hai tháng thực hiện gói tín dụng 30.000 tỉ đồng vào chiều 16-8.

Thừa tiền, thiếu nhà

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), cho biết nguyên nhân chính khiến tiến độ giải ngân chậm là chưa có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại diện tích dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2. Việc xem xét cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí vay đang rất chậm, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM.

Cạnh đó, theo ông Mạnh, trong quá trình thực hiện gói tín dụng đã gặp một số bất cập như xác định đối tượng thu nhập thấp, thực trạng nhà ở tại một số địa phương. Một số dự án nhà ở thu nhập thấp ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà là “không được phép thế chấp”. Do đó, khách hàng gặp khó khăn trong việc sử dụng tài sản thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục phó Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), bổ sung: Nguồn cung phân khúc nhà ở 15 triệu đồng/m2 và diện tích dưới 70 m2 rất ít bởi chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, cảm thấy có lợi thì họ mới làm.

Vướng tài sản thế chấp

Về việc UBND TP Hà Nội đề nghị mở rộng các đối tượng vay, nới thời hạn cho vay từ 10 lên 15 năm, ông Mạnh giải thích: Trong Thông tư 11/2013, NHNN đã quy định thời gian tối thiểu cho vay là 10 năm. Việc cho vay 10 hay 15 năm hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tài chính của khách hàng và thỏa thuận giữa họ với ngân hàng.

“Chưa có gói nào hỗ trợ tới 10 năm, lãi suất 6%/năm như thế. Thu nhập bình quân đầu người khoảng hiện nay 1.200-1.300 USD, 10 năm sau thu nhập đã tăng lên rất nhiều. 10 năm sau, với món vay 400 triệu đồng hôm nay thì chỉ còn 200 triệu đồng. Do đó, 10 năm sau lãi suất thương mại không ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của người vay tiền nữa” - ông Mạnh tính toán.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, thời gian qua Bộ đã có văn bản gửi các địa phương để tháo gỡ vướng mắc như không yêu cầu phải xác nhận về thu nhập thấp; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở trong việc xác nhận về hộ khẩu, thực trạng nhà. Bộ cũng đã đồng ý để các ngân hàng được nhận thế chấp bằng chính căn nhà của khách hàng. Tuy nhiên, một số cơ quan công chứng không đồng ý công chứng tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay (quyền phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà). Ngoài ra, một số chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với ngân hàng trong việc ký hợp đồng ba bên ngân hàng - chủ đầu tư - khách hàng.

Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng cho biết Bộ sẽ đề nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan công chứng chấp thuận công chứng tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay, đặc biệt là nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cũng sẽ rà soát, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng căn nhà mua làm tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng; đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trong việc tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn.

Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 13-8 các ngân hàng đã cam kết cho 219 khách hàng cá nhân vay hơn 65 tỉ đồng. Trong đó, các ngân hàng đã giải ngân cho 208 khách hàng với gần 49 tỉ đồng. Đối với doanh nghiệp, NHNN đã xác nhận cho BIDV được ký hợp đồng tín dụng với hai khách hàng ở Huế và một khách hàng ở TP.HCM với số tiền 658 tỉ đồng (đã giải ngân 34,3 tỉ đồng). Các ngân hàng còn lại sẽ báo cáo xin xác nhận nguồn vốn trong tháng 8.

 
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh