Top

Được mua bán suất tái định cư

Cập nhật 08/12/2009 11:10

Suất tái định cư là tài sản của người dân nên đương nhiên được giao dịch theo Bộ luật Dân sự - Ảnh: Diệp Đức Minh

Sở Xây dựng TP.HCM vừa hoàn thành dự thảo quy định về trình tự, thủ tục chuyển nhượng suất tái định cư (TĐC) trên địa bàn TP. Theo đó, người dân được phép sang nhượng, mua bán suất TĐC với những điều kiện nhất định, thay vì cấm hoàn toàn như trước.

Cho mua bán, nhưng siết

Theo dự thảo, suất TĐC chỉ được chuyển nhượng khi không có tranh chấp, khiếu nại (hoặc đã được giải quyết khiếu nại) và được các thành viên trong hộ TĐC thống nhất. Tuy nhiên, hộ TĐC có nhu cầu chuyển nhượng suất TĐC phải ưu tiên cho UBND quận, huyện hoặc đơn vị quản lý nhà xem xét mua lại theo giá cao hơn giá thị trường từ 10 - 20% tùy vị trí. Trong trường hợp các cơ quan này không có nhu cầu mua thì hộ TĐC mới được chuyển nhượng cho các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu về nhà ở.

Bên cạnh đó, các điều kiện đối với bên bán và bên mua suất TĐC cũng rất khắt khe. Chẳng hạn, người bán phải đảm bảo đã giao mặt bằng trống tại nơi bị thu hồi đất, cam kết không hưởng chính sách tạm cư và phải chứng minh được đã có chỗ ở khác. Bên nhận chuyển nhượng phải có hộ khẩu tại TP.HCM, được xác nhận không có căn nhà nào khác tại thời điểm nhận chuyển nhượng và trước đó chưa được xét chuyển nhượng suất TĐC. Bên nhận chuyển nhượng suất TĐC phải thanh toán tiền một lần cho Nhà nước. Trường hợp người mua là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, gia đình chính sách, gia đình có công... có hoàn cảnh khó khăn thì được xét cho trả góp trong 5 năm, tuy nhiên phải cam kết không xin hưởng chế độ, chính sách nào khác về nhà ở...

Đối với các trường hợp hộ dân mua trả góp căn hộ, nền đất TĐC bằng giấy tay, giấy ủy quyền... từ trước tới nay, Sở Xây dựng cũng yêu cầu phải bổ sung thủ tục xin chuyển nhượng. Sau khi có quyết định công nhận việc chuyển nhượng, đơn vị quản lý nhà sẽ lập thủ tục thanh lý hợp đồng với hộ TĐC, ký kết phụ lục hợp đồng với bên nhận chuyển nhượng và yêu cầu thanh toán hết một lần số tiền trả góp còn lại.

Theo Sở Xây dựng, thủ tục chuyển nhượng suất TĐC sẽ qua các bước: UBND quận, huyện (nơi ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ và TĐC với những hộ dân thuộc diện di dời, giải tỏa) ra quyết định công nhận việc chuyển nhượng suất TĐC. Sau đó, đơn vị quản lý nhà ký hợp đồng mua bán với bên nhận chuyển nhượng theo quy định.

Nên để thị trường điều chỉnh

Một chuyên gia xây dựng cho rằng, chuyển nhượng suất TĐC là nhu cầu có thật và khá phổ biến tại TP.HCM, trong đó, một số khu TĐC có tỷ lệ chuyển nhượng lên đến 70 - 80%. Theo chuyên gia này, về thực chất không cần ban hành các điều kiện mua bán, chuyển nhượng suất TĐC mà nên để cho thị trường BĐS điều chỉnh. Bởi vì hoạt động sang nhượng suất TĐC cũng bị chi phối bởi thuế thu nhập cá nhân cho BĐS và thuế trước bạ, nên mỗi lần sang nhượng phải chịu cả 2 loại thuế này. Thời gian qua, có tình trạng một số doanh nghiệp gom mua suất TĐC là do giá suất TĐC thấp hơn giá thị trường nên xuất hiện chênh lệch, thuế trước bạ thấp, khai man khi ủy quyền nhiều lần... Do đó, nếu công khai, hợp thức hóa hoạt động mua bán suất TĐC, thì với sự chi phối của thuế thu nhập cá nhân, tình trạng sang nhượng hay gom mua suất TĐC sẽ được tự động điều chỉnh ở mức thấp.

Theo góp ý của các quận huyện, sở ngành, điều kiện mua bán suất TĐC mà Sở Xây dựng đưa ra quá chặt chẽ, khắt khe, do đó đã hạn chế một số nguyên tắc cơ bản trong giao dịch dân sự. Chẳng hạn, các điều kiện như: bên mua phải chứng minh đã có nhà ở, bên bán phải có hộ khẩu tại TP.HCM... là vấn đề dân sự giữa các bên và nên để người dân tự thỏa thuận. Hơn nữa, thông thường hộ dân bị giải tỏa có nhu cầu bán suất TĐC (chưa hình thành, chưa hoàn chỉnh) là nhằm mục đích lấy tiền mua nhà nơi khác để ở ngay, nên việc đòi hỏi người dân phải có nhà rồi mới được bán suất TĐC là không phù hợp với quyền lợi người dân.

Nguyên nhân siết giao dịch suất TĐC, theo Sở Xây dựng, là do nhà ở TĐC đang trong giai đoạn hoàn thành không phải là tài sản sở hữu tư nhân, mà vẫn là tài sản nhà nước nên phải bị chi phối bởi các chính sách về nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, tương tự như nhà xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp...

Tuy nhiên, bà Ung Thị Xuân Hương - Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - cho rằng, hộ TĐC là người có đất bị thu hồi, Nhà nước có trách nhiệm bố trí nhà, đất khác cho họ để đền bù. Do đó, suất TĐC được xem là quyền về tài sản của hộ TĐC nên đương nhiên được giao dịch theo Bộ luật Dân sự, không thể so sánh với nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp.

Theo bà Hương, trên thực tế, muốn có nhà TĐC, người dân phải chờ đợi quá lâu, trong khi vấn đề nhà ở thì cần kíp nên phát sinh nhu cầu chuyển nhượng, do đó cần tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền chuyển nhượng suất TĐC một cách hợp pháp, công khai. Bà Hương dẫn chứng thời gian qua, việc chuyển nhượng suất TĐC bị cấm, nhưng vẫn "biến tướng" thành các hình thức như hợp đồng mua bán tay, ủy quyền... vừa khó quản lý vừa gây thất thu thuế. Hơn nữa, do việc mua bán suất TĐC chỉ dừng ở việc thỏa thuận ngầm giữa bên mua và bên bán, không được pháp luật công nhận, nên khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại thì không cách gì giải quyết.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên