Top

Đẩy nhanh tiến độ thi công hầm đường bộ qua đèo Cả

Cập nhật 12/03/2013 13:44

Chủ đầu tư và các đơn vị thi công đang nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ 12 gói thầu của dự án.


Trên Quốc lộ 1A, đoạn qua đèo Cả nối hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa địa hình núi cao hiểm trở, nhiều cua gấp, độ dốc lớn, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Khu vực này cũng thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông do đất đá trên đèo bị sụt lở. Bởi vậy, việc khởi công xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả vào cuối tháng 11 năm ngoái là sự kiện quan trọng của ngành giao thông vận tải và các tỉnh Nam Trung Bộ.

Tuy nhiên, thời tiết và địa chất ở khu vực này khá phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công. Chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung khắc phục khó khăn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trọng điểm này.

Đã qua tháng Giêng Âm lịch, nhưng khu vực phía Bắc đèo Cả, thuộc địa phận huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, trời mưa kéo dài. Mưa trái mùa khiến bùn đất bám cứng vào bánh xe xích. Hàng chục chiếc xe thi công gói thầu đường công vụ và khu tái định cư số 1, tỉnh Phú Yên phải nằm chờ thời tiết tạnh ráo.

Ông Nguyễn Như Sang, phụ trách kỹ thuật Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Thạch cho biết, cán bộ công nhân đơn vị thi công 2 gói thầu đường công vụ và Khu tái định cư số 1, tỉnh Phú Yên đứng ngồi không yên vì thời tiết. Khi nắng ráo trở lại, đơn vị sẽ tăng cường thiết bị, máy móc, nhân lực để thi công cho kịp tiến độ.

Dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 13km, trong đó hầm đèo Cả gần 4.000m, hầm Cổ Mã dài 500m, còn lại là đường dẫn và cầu trên tuyến. Hầm đường bộ đèo Cả gồm 2 đường hầm, mỗi đường hầm 2 làn xe giao thông, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 80 km/h.

Công trình này có tổng mức đầu tư hơn 15.600 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng hầm đèo Cả theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Kinh phí xây dựng hầm Cổ Mã, đường dẫn và cầu trên tuyến theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT).

Chủ đầu tư Dự án là Công ty Cổ phần đèo Cả gồm Liên danh Tổng công ty xây dựng Hà Nội; Công ty Cổ phần tập đoàn Mai Linh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên; Công ty Cổ phần đầu tư Hải Thạch BOT và Công ty Cổ phần Á Châu, thời gian thi công 48 tháng. 3 năm qua, chủ đầu tư dự án đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai dự án, quan trọng nhất là huy động nguồn vốn.

Ông Dương Đình Mạnh, cán bộ Ban Quản lý Dự án Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết: “Trong năm 2012, Công ty đã giải ngân tốt các nguồn vốn cho các đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế. Đầu năm  2013, việc ký kết thu xếp nguồn vốn vẫn đảm bảo theo kế hoạch, đảm bảo được nguồn vốn được thi công thiết kế. Đến giờ đã thi công được 20% khối lượng công việc”.

Để vượt qua những bất lợi về thời tiết, chủ đầu tư đã đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện những hạng mục khác, chờ khi thời tiết nắng ráo thực hiện phần san ủi, đào đắp.

Chủ đầu tư và các đơn vị thi công đang nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ 12 gói thầu của dự án hầm đường bộ qua đèo Cả, góp phần giải quyết ách tắc giao thông trên tuyến giao thông huyết mạch, phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Nam Trung Bộ.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV