Top

Đằng sau con đường ‘đắt không tưởng’ ở Hà Nội

Cập nhật 13/01/2018 08:59

Dự án có chi phí đắt đỏ là do phải giải tỏa quá nhiều hộ dân, chiếm gần 77% tổng mức đầu tư của toàn dự án.

TP Hà Nội vừa công bố thông tin về dự án đầu tư tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục dài 2.274 m tại khu vực trung tâm TP với tổng mức đầu tư gần 7.800 tỉ đồng, tương đương khoảng 3,5 tỉ đồng/m đường. Với chi phí này, dự án Hoàng Cầu - Voi Phục đã lập kỷ lục mới về sự đắt đỏ, đắt gấp 2,4 lần so với tuyến đường “đắt nhất hành tinh” Kim Liên - Ô Chợ Dừa làm trước đó. Người Hà Nội bảo đây là con đường “đắt không tưởng”.

Xuyên tâm Hà Nội

Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội - chủ đầu tư dự án, cho biết đường Vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến nút giao Cầu Giấy là tuyến đường xuyên tâm Hà Nội đã được quy hoạch. Đoạn từ đê Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã được đầu tư. “Vì vậy, việc xây dựng tiếp tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục là vấn đề bức thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và giải tỏa ùn tắc khu vực nội đô” - ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, tuyến đường này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 27-12-2017, triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Trong số gần 7.800 tỉ đồng cho toàn dự án thì chi phí xây lắp chỉ chiếm khoảng 785 tỉ đồng, còn lại hơn 6.000 tỉ đồng là dành cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

Ngoài phần đường, dự án cũng được đầu tư các hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan dọc theo trục đường của dự án. Tổng chi phí xây dựng phần đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ là khoảng hơn 400 tỉ đồng.


Một đoạn đường Đê La Thành ở trung tâm Hà Nội, nơi có dự án đi qua. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Sơ đồ tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục. Đồ họa: baochinhphu.vn


Đất “lõi” của thủ đô

Khu vực dự án đi qua là đường Đê La Thành, một trong những con phố buôn bán sầm uất bậc nhất của thủ đô Hà Nội với hai ngành nghề chính là đồ gỗ, sắt thép gia dụng. Theo bảng giá đất ở hiện hành của TP Hà Nội (ban hành cuối năm 2014, áp dụng đến năm 2019), hiện vị trí đắc địa tại tuyến phố Đê La Thành có mức giá cao nhất là 32 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nhiều người dân cho hay giá đất mặt đường khu vực Đê La Thành dao động 200-250 triệu đồng/m2.

Dự án mở đường Hoàng Cầu - Voi Phục là đúng chủ trương và rất cần thiết đối với sự cấp bách trong giao thông của Hà Nội hiện nay. Chúng tôi cam kết trong quá trình thực hiện sẽ làm đúng chính sách, chế độ của Nhà nước, đảm bảo mục tiêu chung mà không có lợi ích cá nhân hay lợi ích gì ở đây, góp phần xây dựng đồng bộ quy hoạch Hà Nội..

Ông VŨ VĂN VIỆN, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội
 
Theo ông Bảo, dự án đường Hoàng Cầu - Voi Phục có chi phí đắt đỏ là do phải giải phóng quá nhiều hộ dân. Riêng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân là hơn 6.000 tỉ đồng, chiếm gần 77% tổng mức đầu tư của toàn dự án. Chi phí này gồm bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản, hỗ trợ khác (ổn định đời sống, di chuyển, tạm cư, thưởng tiến độ, hỗ trợ tự lo nhà tái định cư), di chuyển công trình ngầm, nổi...

Ông Bảo cho biết giá bồi thường đất ở tại đây được căn cứ theo Quyết định số 96/2014 của UBND TP (ban hành quy định về giá các loại đất trên địa bàn TP, áp dụng từ ngày 1-1-2015 đến 31-12-2019). Đặc biệt có tới 55% diện tích đất thu hồi của dự án là đất thổ cư lâu năm, thuộc địa bàn “lõi” của quận Ba Đình và Đống Đa nên đơn giá đền bù tính trên mỗi mét vuông đất cao hơn nhiều so với mỗi mét vuông đất thuộc các tuyến đường khác.

Di dời hơn 2.300 hộ dân

Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục sẽ được mở qua bốn phường của quận Đống Đa (Ô Chợ Dừa, Cát Linh, Láng Hạ, Láng Thượng) và ba phường của quận Ba Đình (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh). Theo chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt, chiều dài tuyến đường là 2.274 m, mặt cắt ngang 50 m, tổng diện tích là 153.341 m2, trong đó đã bao gồm hai cầu vượt tại nút giao Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh. Riêng phần chi phí xây dựng hai chiếc cầu vượt này đã chiếm gần 330 tỉ đồng.

Dự án phải giải phóng tới 2.328 hộ dân (quận Đống Đa 808 hộ; quận Ba Đình 1.520 hộ); tái định cư đến 2.239 căn hộ, tức lượng hộ dân phải tái định cư lên tới hơn 96%.

Dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục nhằm hoàn thiện đồng bộ tuyến đường Vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy theo quy hoạch, kết nối giữa các tuyến đường đã và đang được đầu tư xây dựng, tăng diện tích đường giao thông, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trong khu vực đô thị trung tâm của TP Hà Nội.



DiaOcOnline.vn - Theo PLO