Top

Cửa thoát dự án dang dở

Cập nhật 05/08/2013 14:50

Hàng trăm dự án BĐS dang dở trên địa bàn TP Hà Nội đang đứng trước cơ hội về đích khi Nhà nước bắt đầu tính đến những biện pháp hỗ trợ để chủ đầu tư hoàn thiện, đưa vào sử dụng dự án. Tuy nhiên, để có thể nắm bắt được cơ hội này, đòi hỏi doanh nghiệp phải thật sự “dũng cảm”.

Hàng loạt dự án chậm tiến độ

Ngoài những dự án chậm tiến độ đình đám đã được nêu đích danh thời gian qua như Usilk City, 52 Lĩnh Nam, 49 Lĩnh Nam, CT1 Vân Canh… báo cáo kết quả rà soát các khu đô thị, dự án nhà ở đợt 1 của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy hầu hết dự án được kiểm tra trên địa bàn đều chậm tiến độ so với quy định.

Đó là dự án khu nhà ở Thạch Bàn, quận Long Biên có quy mô 14,2ha, dự kiến hoàn thành trong quý IV-2013 nhưng đến nay diện tích giải phóng mặt bằng mới đạt 88%.

Việc người dân quản lý dòng tiền, đồng hành cùng chủ đầu tư trong việc tiếp tục triển khai dự án có thể trở thành xu hướng trong tương lai gần. Vì vậy, những quy định, điều chỉnh của Bộ Xây dựng là rất cần thiết, giúp người dân yên tâm hơn trong việc tiếp tục đóng tiền vào dự án.

Luật sư Trịnh Cẩm Bình,
Công ty Luật Biển Đông

Ngoại trừ khu thấp tầng đã thi công xong, các hạng mục như nhà chung cư cao tầng, nhà tái định cư, nhà xã hội, trường học, công trình công cộng… vẫn chưa triển khai.

Dự án khu biệt thự, nhà vườn Tiến Xuân tại huyện Thạch Thất do Công ty TNHH BĐS Xuân Cầu làm chủ đầu tư, có diện tích 45ha đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành trong tháng 3-2014, nhưng đến nay mới xây được 44/90 căn biệt thự khu A, 180 căn biệt thự khu B. Các công trình khác như khu C, trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà văn hóa - thể dục thể thao, nhà trẻ mẫu giáo… hiện chưa được đầu tư.

Một dự án khác cũng của Công ty Xuân Cầu là khu biệt thự nhà vườn sinh thái Yên Bình (huyện Thạch Thất), với quy mô 6,4ha, được khởi công từ quý II-2008 và dự kiến hoàn thành năm 2011. Tại thời điểm kiểm tra, dự án mới đạt khoảng 5% khối lượng san nền và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Các hạng mục nhà ở và hạ tầng xã hội khác chưa được đầu tư.

Dự án khu đô thị Mai Trai - Nghĩa Phủ (Sơn Tây) có quy mô 23,4ha, tiến độ cho phép là từ năm 2010 đến 2013, song đến nay vẫn chưa khởi công xây dựng, thậm chí các thủ tục về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa hoàn tất.

Cũng tại thị xã Sơn Tây, 3 dự án khu đô thị Thiên Mã, khu nhà ở Sơn Lộc và khu nhà ở Phú Thịnh đều chậm tiến độ so với quy định phê duyệt. Trên địa bàn quận Hoàng Mai có 2 dự án là khu đô thị mới Đại Kim - Định Công (23,6ha) và khu nhà ở Bắc Đại Kim - Định Công (11ha) tiến độ quá chậm. Trong đó dự án Bắc Đại Kim - Định Công có tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2003-2005, nhưng đến nay mới giải phóng được khoảng 8% diện tích mặt bằng.

“Dũng cảm” nắm thời cơ

Thực tế, con số nêu trên chỉ là phần rất nhỏ trong số những dự án chậm tiến độ trên địa bàn TP Hà Nội. Thị trường BĐS suy yếu, nguồn vốn cạn kiệt đã khiến nhiều chủ đầu tư buộc phải hoãn, giãn, thậm chí ngừng triển khai dự án.

Điều này dẫn đến tình trạng dự án bỏ hoang la liệt, hoặc người dân phải chờ đợi mỏi mòn nhà của mình sau khi đã đóng một số tiền không nhỏ, dẫn đến việc tranh chấp, kiện tụng diễn ra thường xuyên thời gian gần đây. Tuy nhiên, những diễn biến mới về chính sách đã khiến nhiều người kỳ vọng, những dự án chưa hoàn thiện do chủ đầu tư đuối sức sẽ có một cơ hội để về đích.
 

Các dự án dở dang đang có cơ hội hoàn thiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, bộ này đang xây dựng những quy định hỗ trợ các dự án đang triển khai theo hình thức người mua nhà được cùng chủ đầu tư quản lý dòng tiền vào dự án. Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ có văn bản kiến nghị với các địa phương tạo cơ chế giúp người dân và chủ đầu tư có điều kiện để tự thỏa thuận cùng triển khai dự án.

Bộ Xây dựng sẽ trao đổi với Ngân hàng Nhà nước thống nhất chỉ đạo các ngân hàng thương mại đồng thuận với chủ trương chưa thu hồi nợ ngay với những khoản tiền người dân tiếp tục nộp vào dự án để xây dựng nhà.

Theo nhiều chuyên gia BĐS, những dự án chưa triển khai, hoặc còn nhiều hạng mục chưa triển khai, chủ đầu tư nên chuyển đổi sang nhà ở xã hội hoặc nhà ở cho người thu nhập thấp, có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Bởi đây là loại hình nhà ở đang được hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng. Mới đây, Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng. Trong đó có nội dung hướng dẫn giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Dù mới dự kiến áp dụng đến hết ngày 30-6-2014 nhưng nếu thực hiện tốt, chắc chắn nhiều ưu đãi về thuế khác có thể sẽ được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng để làm được điều này, các chủ đầu tư cần phải “dũng cảm”, bởi nếu chuyển đổi chắc chắn lợi nhuận thu về sẽ không được như kỳ vọng. Đặc biệt trong thời điểm thị trường BĐS đang tốt dần lên, tâm lý tiếc rẻ sẽ ngày càng phổ biến.

DiaOcOnline.vn -Theo Sài Gòn Đầu tư